Thứ bảy, 28/12/2024 | 10:24 GMT+7

Sử dụng hiệu quả từng watt điện trong trung tâm dữ liệu

01/11/2011

Theo Intel, các TTDL hiện nay hàng năm tiêu thụ khoảng 1,5% công suất điện trên toàn thế giới, tương đương với 26 tỉ USD mỗi năm - một gánh nặng quá lớn.

Các trung tâm dữ liệu đang khiến các doanh nghiệp phải “è cổ” trả một khoản chi phí điện năng khổng lồ. Intel cho biết có nhiều công nghệ làm giảm chi phí này, giúp có thể khai thác hiệu quả từng watt điện.

Tại hội thảo “Tầm nhìn Intel về điện toán đám mây và trung tâm dữ liệu hiệu quả” do Intel và các đối tác Việt Nam tổ chức ở Hà Nội ngày 27/10/2011, các chuyên gia của Intel đã giới thiệu các giải pháp, những cải tiến, ứng dụng của Intel nhằm nâng cao hiệu quả của các trung tâm dữ liệu (TTDL). Các giải pháp này bao gồm: TTDL chuẩn mở, giải pháp mạng hợp nhất, và TTDL hiệu quả.

401d9a652_ttam_du_lieu.jpg

Theo ông Mai Sean Cang, Tổng giám đốc Intel Việt Nam, nhu cầu tiếp cận công nghệ của người dân Việt Nam rất lớn và nhu cầu sử dụng dịch vụ điện toán đám mây cũng đang tăng rất nhanh. Để nắm bắt được cơ hội này, vấn đề đặt ra với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ tại Việt Nam là tiếp cận các công nghệ điện toán tiên tiến nhất cho TTDL, sao cho đạt hiệu quả đầu tư cao và chi phí vận hành tối ưu, từ đó đưa ra những dịch vụ thực sự hấp dẫn cho người dùng.

Theo Intel, các TTDL hiện nay hàng năm tiêu thụ khoảng 1,5% công suất điện trên toàn thế giới, tương đương với 26 tỉ USD mỗi năm - một gánh nặng quá lớn.

Intel cho biết có thể hóa giải những thách thức này ở nhiều cấp độ, từ những chi phí đầu tư ban đầu với những chiếc bóng bán dẫn, bộ vi xử lí máy chủ Intel Xeon thế hệ mới nhất tới việc giảm thiểu chi phí vận hành qua tầm nhìn về TTDL nhiệt độ cao.

Trung tâm dữ liệu của Facebook ở Santa Clara đã giảm được 229.000 USD chi phí điện năng/năm bằng việc áp dụng giải pháp hoạt động trong môi trường nhiệt độ cao.

Intel cũng công bố một số công nghệ với khả năng nâng cao đáng kể hiệu suất của TTDL, bao gồm các ứng dụng quản lí Intelligent Power Node Manager và Data Center Manager, Giải pháp TTDL hoạt động trong môi trường nhiệt độ cao (Hight Ambient Temperatures datacenter - HTA), cũng như một số công nghệ tương lai khác.

Bằng cách tăng số lượng người dùng, công suất và hiệu năng tính toán, các công nghệ của Intel có thể nâng cao hiệu suất điện năng của các TTDL ở nhiều cấp độ khác nhau.

Một trong những sản phẩm đáng chú ý là ứng dụng quản lí Intelligent Power Node Manager, một ứng dụng mà Intel cho rằng có thể giúp khai thác hiệu quả nhất từng watt điện được cung cấp cho TTDL. Ông Nick Knuppffer, Giám đốc tiếp thị Nhóm TTDL khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Intel cho biết, với ứng dụng này, doanh nghiệp có thể giám sát nguồn và nhiệt hiệu quả hơn, đạt được mật độ rack cao hơn, tối ưu hóa nguồn cho tải công việc và đảm bảo sự liên tục trong hoạt động kinh doanh.

Ở các TTDL hiện nay, trung bình có tới khoảng 40% điện năng được dành cho việc làm mát tòa nhà và máy chủ trong dải nhiệt độ từ 18-210 0C. Dải nhiệt độ này được lựa chọn do thói quen từ trước đến nay, nhưng theo ông Nick Knuppffer, các thiết bị phần cứng hiện đại, đặc biệt là các cấu phần nền tảng của Intel, có thể hỗ trợ được các môi trường có nhiệt độ hoạt động cao hơn một cách rất hiệu quả.

Một TTDL có khả năng hỗ trợ nhiệt độ hoạt động cao hơn và được thiết kế để hạ thấp chi phí làm mát và nâng cao hiệu suất sử dụng điện năng được gọi là TTDL có nhiệt độ môi trường hoạt động cao (Hight Ambient Temperatures datacenter - HTA). Intel cho biết luôn đi đầu trong việc xây dựng các bộ tiêu chuẩn kĩ thuật về HTA trong các sáng kiến Green Grid, The European Union, ASHRAE và nhiều tổ chức khác.

Một trong những ví dụ áp dụng HTA hiệu quả là Facebook. Ông Knuppffer cho biết công ty này đã nâng cấp TTDL của họ tại Santa Clara (California, Mỹ) để hoạt động ở nhiệt độ 270 0C, và điều đó giúp chi phí năng lượng hàng năm của họ giảm 229.000 USD.

Theo Intel, có đến 80% các TTDL hiện nay hoạt động trong dải nhiệt độ thấp, từ 18-210C. Nếu tất cả các TTDL trên thế giới đều nâng nhiệt độ hoạt động thêm 5 độ C, mức tiết kiệm trực tiếp về điện năng là 2,16 tỉ USD mỗi năm.

Intel cũng có một TTDL được xây dựng để chứng nghiệm tại New Mexico, với 900 máy chủ hoạt động ở nhiệt độ hoạt động lên tới 330C, sử dụng 100% khí trời để làm mát, không sử dụng bất kì thiết bị kiểm soát độ ẩm nào và có mức độ lọc khí tối thiểu. TTDL này tiết kiệm 76% điện năng, tương đương 2,87 triệu đô la trên mỗi TTDL có công suất 10 MW.

Tại Việt Nam, Intel đã hợp tác với TP. Đà Nẵng xây dựng một TTDL ở Đà Nẵng trong Liên minh TTDL mở quốc tế (ODCA) từ tháng 1/2011. TTDL này sẽ tạo nền tảng cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng CNTT phục vụ hiệu quả chính quyền điện tử của Đà Nẵng trong thời gian tới.


Một số ứng dụng, công nghệ khác của Intel cũng khá đáng chú ý trong việc nâng cao hiệu suất sử dụng điện của TTDL. Đó là việc lập lịch hiểu về nguồn và nhiệt (Power and Thermal Aware Scheduling - PTAS) dựa trên ứng dụng Intel Node Manager và Data Center Manager. Hai ứng dụng này kết hợp với nhau để cung cấp một nền tảng với thông tin về nguồn, nhiệt và tải công việc nhằm hỗ trợ việc quản lí tài nguyên linh động, giúp hạ thấp chi phí hoạt động khoảng 20% trong khi thu hồi được tới 50% công suất làm mát không cần thiết và đạt được hiệu suất hoạt động cao nhất.

Các giải pháp dự phòng bằng pin của Intel, có tác dụng như bộ lưu điện (UPS) nhưng nhỏ gọn và tích hợp luôn trong máy chủ, giúp giảm chi phí mua thiết bị UPS tới 5 lần và tránh được tới 40% tổn thất về điện năng, tiết kiệm không gian trong TTDL.

Theo PCWorld VN