Thứ sáu, 01/11/2024 | 19:27 GMT+7

Tọa đàm Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả ở Việt Nam

22/10/2011

Sáng 22/10/2011 , Mạng lưới Thế Hệ Xanh Việt Nam với sự hợp tác của Trung tâm Sống và Học tập vì Môi trường và Cộng đồng (Live & Learn) và tổ chức Rosa Luxemburg Stiftung tại Hà Nội đã tổ chức buổi tọa đàm “Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả ở Việt Nam”.

Sáng 22/10/2011 , Mạng lưới Thế Hệ Xanh Việt Nam với sự hợp tác của Trung tâm Sống và Học tập vì Môi trường và Cộng đồng (Live & Learn) và tổ chức Rosa Luxemburg Stiftung tại Hà Nội đã tổ chức buổi tọa đàm “Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả ở Việt Nam”.

Đây là cơ hội để các bạn trẻ nâng cao hiểu biết về các vấn đề năng lượng con người đang phải đối mặt, từ đó thúc đẩy hành động và đưa ra giải pháp để tiết kiệm năng lượng. Đây cũng là cơ hội để bạn tìm hiểu tiềm năng và rủi ro của các nguồn năng lượng mới.

5db9b06fb_toa_doam.jpg

Ngày nay, năng lượng là một vấn đề nóng bỏng ở Việt Nam và trên thế giới. Xã hội càng hiện đại, mức tiêu thụ năng lượng theo đầu người ngày càng gia tăng với thời gian. Dân số thế giới không ngừng gia tăng, mức tiêu thụ lớn và tăng quá nhanh trong khi nguồn năng lượng ngày càng cạn kiệt đang đẩy thế giới vào một sự khủng hoảng trầm trọng về năng lượng.

Giữa bối cảnh thế giới đang phải đối mặt với nhiều vấn đề môi trường, biến đổi khí hậu, khủng hoảng năng lượng, suy thoái kinh tế, thì tiết kiệm năng lượng, khai thác hợp lý nguồn tài nguyên không phục hồi còn lại được xem như là giải pháp khả thi và thực tiễn trước mắt cũng như lâu dài. Bên cạnh đó, chiến lược cho sự phát triển bền vững trong tương lai cần hướng đến đa dạng hóa cấu trúc năng lượng, nhất là ưu tiên cho các nguồn năng lượng tái tạo, vừa sạch, vừa sẵn có từ thiên nhiên.

Tham gia chia sẻ trong buổi tọa đàm Giáo sư Phạm Duy Hiển - Nguyên Viện phó Viện Năng lượng nguyên tử quốc gia, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hạt nhân Đà Lạt cho biết, Việt Nam là nước có tiềm năng năng lượng tái tạo rất lớn nhưng chưa được chú trọng khai thác. Trở ngại lớn   nhất để phát triển năng lượng tái tạo là chi phí đầu tư lớn, còn phải trợ giá. Tuy nhiên, dù khó khăn thế nào cũng cần khắc phục để phát triển, bởi năng lượng tái tạo mới là nguồn năng lượng bền vững, nguồn năng lượng hóa thạch sẽ nhanh chóng bị khai thác đến cạn kiệt. Phát triển mạnh năng lượng tái tạo sẽ góp phần đa dạng hóa nguồn điện, đảm bảo an ninh năng lượng trong tương lai. Chính vì thế, Nhà nước cần có những chính sách mạnh hơn nữa thúc đẩy sự phát triển năng lượng tái tạo.

Giám đốc tổ chức Rosa Luxemburg Stiftung tại Hà Nội, bà Nadia Charady đưa ra thông điệp “Biến đổi khí hậu và thiên tai đang gây ra những tác động tiêu cực tới đời sống của con người. Sức ép về nguồn năng lượng hóa thạch đang cạn kiệt khiến nhiều quốc gia phải tìm kiếm các nguồn năng lượng thay thế. Với sự phát triển ngày càng cao của khoa học kỹ thuật hiện đại, con người đã có thể khai thác các nguồn năng lượng sạch như gió, mặt trời, địa nhiệt, thuỷ triều và sinh khối.  Tuy nhiên, ngoài việc tìm kiếm năng lượng thay thế, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là  một giải pháp đơn giản và hiệu quả”.

Tham gia tọa đàm do mạng lưới Thế hệ xanh tổ chức có sự góp mặt của rất nhiều các bạn trẻ là sinh viên đến từ nhiều trường đại học tại Hà Nội. Chủ đề sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đã thu hút tham gia thảo luận sôi nổi của đông đảo khách mời. Qua đó phần nào cho thấy sự quan tâm của người trẻ đến vấn đề tiết kiệm năng lượng cũng như hướng đến các nguồn năng lượng bền vững hơn.

Đại diện chương trình nâng cao nhận thức về môi trường và biến đổi khí hậu thuộc mạng lưới Thế hệ xanh Việt Nam – Hoàng Đức Minh cho biết, thế hệ trẻ ngày càng có trách nhiệm hơn về hành động của bản thân đồng thời chính họ có tác động to lớn giúp thế giới ngày càng tốt đẹp hơn. Riêng trong vấn đề năng lượng phong trào Thanh Niên cũng đang diễn ra sôi nổi, thu hút sự hưởng ứng của số lượng lớn người tham gia như  sự kiện Giờ Trái Đất, Ngày hành tinh chuyển động, chiến dịch 26 độ…

Trần Liễu