Thứ bảy, 23/11/2024 | 12:23 GMT+7

Lập liên doanh với Nga sản xuất thiết bị điện gió

10/10/2011

Công ty liên doanh được thành lập có tên Công ty TNHH Công nghệ mới Việt – Nga, đặt tại TPHCM, chuyên sản xuất thiết bị về điện gió để cung cấp cho các dự án điện gió cả nước và xuất khẩu.

Tổng công ty Công nghiệp Sài Gòn, Tổng công ty Điện lực TPHCM, Công ty Neptech và Công ty YnS-OCBM (Nga) vừa ký ghi nhớ hợp tác thành lập một công ty chuyên sản xuất các thiết bị điện gió cung cấp cho các dự án điện gió trên cả nước đồng thời xuất khẩu.

71546492a_diengioa.jpg

Các turbine gió tại Đức

Thông tin trên được ông Đặng Ngọc Hùng, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Công nghiệp Sài Gòn cho biết sáng nay 6-10.

Theo ông Hùng, công ty liên doanh được thành lập có tên Công ty TNHH Công nghệ mới Việt – Nga, đặt tại TPHCM, chuyên sản xuất thiết bị về điện gió để cung cấp cho các dự án điện gió cả nước và xuất khẩu.

Dự kiến công ty sẽ được thành lập trong tháng 11 năm nay. Tổng công ty Công nghiệp Sài Gòn góp 41% vốn, Công ty YnS-OCBM của Nga góp 40%, Tổng công ty Điện lực TPHCM góp 10% và Công ty Neptech góp 9%.

Ông Hùng cho biết, theo bản ghi nhớ ký kết ngày 5-10 vừa qua, vốn điều lệ ban đầu của công ty liên doanh này dự kiến khoảng 5 tỉ đồng.

Sau khi thành lập, công ty sẽ sản xuất thử nghiệm 3 trụ điện gió theo công nghệ YnS của Nga với tổng giá trị 4,8 triệu đô la Mỹ, 2 trụ được đặt tại huyện Cần Giờ, TPHCM và 1 trụ đặt tại huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận để thẩm định lại các thông số của công nghệ mà phía công ty Nga giới thiệu.

Nếu thành công, giai đoạn 2 sẽ tăng vốn và triển khai xây dựng nhà máy sản xuất hàng loạt các thiết bị điện gió như trụ, turbine, cánh gió … để cung cấp ra thị trường.

Theo ông Hùng, phía đối tác Nga cho biết suất đầu tư điện gió bằng các thiết bị YnS sẽ ở mức 1,6 triệu đô la Mỹ/MW, thấp hơn 50% so với suất đầu tư khoảng 3 triệu đô la Mỹ/MW như hiện nay.

Được biết, hiện tại, Việt Nam đang có khoảng 12 dự án điện gió được cấp phép và đang triển khai xây dựng. Các dự án sản xuất điện gió này đều đang sử dụng các thiết bị nhập khẩu từ các nước khác như Đức, Trung Quốc, Mỹ …

Cũng trong sáng 6-10, Phó chủ tịch UBND TPHCM Lê Mạnh Hà đã giao các sở ngành xây dựng “Chương trình năng lượng xanh” cho thành phố trong những năm tới với mục tiêu sử dụng năng lượng tiết kiệm và bảo vệ môi trường. Trong đó, tập trung xây dựng các chương trình sản xuất điện từ rác, điện gió và điện mặt trời trong năm 2011 và 2012.

Theo Trung tâm tiết kiệm năng lượng TPHCM, 5 năm qua, thành phố đã bỏ ra kinh phí gần 2.000 tỉ đồng đầu tư cho các chương trình tiết kiệm năng lượng. Theo đó, các chương trình giúp giảm 2,5% lượng điện tiêu thụ, tương đương với số tiền gần 700 tỉ đồng mỗi năm tiết kiệm được cho ngân sách thành phố.

Theo TBKTSG Online