Thứ bảy, 28/12/2024 | 10:40 GMT+7

Những cách sản xuất điện độc đáo

06/09/2011

Sản xuất điện từ nhiều nguồn năng lượng độc đáo đã được nhiều nước trên thế giới nghiên cứu thành công. Nó đã, đang và sẽ được áp dụng vào thực tiễn vì thân thiện với môi trường.

Sản xuất điện từ nhiều nguồn năng lượng độc đáo đã được nhiều nước trên thế giới nghiên cứu thành công. Nó đã, đang và sẽ được áp dụng vào thực tiễn vì thân thiện với môi trường.

f51ea8a90_ong.jpg

 Ong có thể sản xuất ra điện
 
Cây phát sáng thay thế đèn đường

Một nhóm sinh viên ngành di truyền học thuộc trường Đại học Cambridge (Anh) vừa nghiên cứu thành công cây phát sáng từ việc cấy gene đã biến đổi của một số loài sinh vật có khả năng phát sáng trong tự nhiên (đom đóm, vi khuẩn vibrio fischeri). Trong tương lai, cây phát sáng có thể thay thế những cột đèn đường, hạn chế lượng điện năng tiêu thụ từ các nhà máy và giảm ô nhiễm môi trường. Ngoài ra, nếu cấy gene phát sáng vào tảo, có thể dùng để tích trữ ánh sáng mặt trời nhằm sử dụng vào ban đêm.

Biến cửa sổ thành máy phát điện

Những tế bào quang điện trong suốt được làm từ những hạt nano vàng có thể biến cửa sổ thành máy phát điện. Đó là kết quả công trình hợp tác nghiên cứu giữa trường Đại học Leicester (Anh) và Công ty Ensol AS (Bergen, Nauy) nhằm khai thác tối đa nguồn năng lượng vô tận từ mặt trời. Hiện tại, Ensol đã đầu tư thiết bị cho trường Đại học Leicester sản xuất vật liệu nguyên mẫu và sản phẩm sẽ được thương mại hóa vào năm 2016.

Ong biến ánh sáng mặt trời thành điện



Marian Plotkin, nhà nghiên cứu thuộc trường Đại học Tel Aviv (Israel) cùng các đồng nghiệp đã phát hiện ra ong bắp cày phương Đông là loại động vật đầu tiên có khả năng biến ánh sáng mặt trời thành điện. Các hạt sắc tố trong các mô màu vàng của ong có khả năng "nhốt" ánh sáng mặt trời, còn các mô màu nâu tạo ra điện.

Sản xuất điện từ hố tử thần


Nhà máy điện Kibuye được xây dựng trên bờ hồ Kivu (Rwnda)- một trong 3 hố tử thần lớn nhất thế giới, gần ngọn núi lửa mang tên Nyurangongo. Hệ thống đường ống của nhà máy được thiết kế không chỉ ngăn nguy cơ phun trào của khí độc mà còn hút khí metan từ đáy hồ làm nhiên liệu cho máy phát điện lớn. Hiện tại, công suất phát điện của nhà máy là 3,6MW, đáp ứng hơn 4% nhu cầu điện năng của Rwanda. Mục tiêu của Rwanda trong tương lai là biến hồ Kivu thành nguồn cung cấp nhiên liệu để sản xuất điện lớn nhất đất nước.

Sản xuất điện từ cây xanh

Công ty MagCap Engineering (Massachusetts, Mỹ) vừa hợp tác với nhà phát minh Gordon Wald từ trường Đại học Illinois (Mỹ) thử nghiệm một thiết bị sản xuất điện từ bất kỳ cây xanh nào. Wald đã chế tạo được thiết bị gồm một chiếc kim bằng kim loại gắn vào cây và một sơ đồ điện để lọc dòng điện và điều chỉnh điện áp. Dòng điện sinh ra từ cây đủ để nạp cho pin một chiếc điện thoại di động.

Sản xuất điện từ máu người

Các nhà khoa học Nhật Bản đã chế tạo thành công thiết bị sản xuất điện từ máu người. Nguồn cung cấp năng lượng chính là thực phẩm mà con người hấp thụ. Công suất của chiếc "pin- người" không vượt quá 100W. Nhờ phát minh này có thể cắm một chiếc bóng đèn vào cơ thể để soi đường đi trong bóng tối.

Sản xuất điện từ khí thải ô tô

Các nhà nghiên cứu thuộc trường Đại học Purdue hợp tác cùng Hãng ô tô GM (Mỹ) chế tạo một hệ thống đặc biệt có thể sản xuất điện từ khí thải ô tô. Kỹ thuật này được ứng dụng để tạo ra một máy phát điện- sản xuất điện dựa trên sự chênh lệch nhiệt độ, đủ để sạc pin và cung cấp nhiên liệu cho hệ thống điện của một chiếc ô tô. Ngoài ra, công nghệ chuyển hóa nhiệt năng thành điện năng còn có thể ứng dụng trong việc sản xuất pin năng lượng mặt trời thế hệ mới.

Theo Báo ĐT Đài Tiếng nói Việt Nam