Thứ bảy, 02/11/2024 | 09:24 GMT+7

Tiết kiệm điện, nước trong nông nghiệp: Tăng hiệu quả, giảm áp lực

26/07/2011

Bộ NN&PTNT vừa chỉ đạo các ngành, địa phương tăng cường tiết kiệm điện, nước để bảo đảm nguồn cung ổn định, không ảnh hưởng đến sản xuất.

Trong hoàn cảnh thiếu điện và hạn hán luôn rình rập như hiện nay thì biện pháp tiết kiệm điện, nước vẫn được coi là hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp cũng như đối với nhiều ngành nghề khác.

19fbddeb9_hambiogas.jpg

Mô hình hầm biogas góp phần tạo nguồn năng lượng sinh học để đun nấu, chạy máy phát điện, nâng cao
chất lượng cuộc sống, xanh - sạch môi trường nông thôn


Biện pháp này một mặt đối phó với diễn biến phức tạp của biến đổi khí hậu, mặt khác làm tăng giá trị sản xuất, giảm ngày công lao động. Nhận thức rõ điều này, Bộ NN&PTNT vừa chỉ đạo các ngành, địa phương tăng cường tiết kiệm điện, nước để bảo đảm nguồn cung ổn định, không ảnh hưởng đến sản xuất.

Hiệu quả từ thực tế

Trên cánh đồng rau của HTX Tiền Lệ, xã Tiền Yên (huyện Hoài Đức), 18 hộ dân đang trồng rau an toàn đã thực hiện triệt để các biện pháp tiết kiệm nước nhưng vẫn bảo đảm năng suất và chất lượng cây trồng. Với tổng diện tích 2,5ha, các hộ đóng cọc bê tông, làm giàn phủ lưới. Người dân ở đây cho biết, biện pháp này rất dễ làm và mang lại hiệu quả cao đối với cây trồng, vừa tránh bầm dập cho rau khi mưa lớn, vừa ngăn nước bốc hơi, giữ độ ẩm trong đất, tiết kiệm điện, nước vì giảm đáng kể số lần tưới trong ngày. Ngoài HTX Tiền Lệ, nhiều hộ dân trồng rau ở HTX Phương Bảng, Phương Viên (xã Song Phương) của huyện Hoài Đức cũng áp dụng phương pháp này và trung bình mỗi hộ tiết kiệm được hàng triệu đồng trên một hécta canh tác. Đối với các đơn vị thủy lợi, Sở NN&PTNT Hà Nội cũng chỉ đạo tăng cường nạo vét kênh mương, khơi thông dòng chảy để tiết giảm nhu cầu sử dụng điện, nước. Theo thống kê, từ đầu năm đến nay, các đơn vị thủy lợi của TP đã tổ chức nạo vét, khơi thông 166 tuyến kênh tưới; 120 bể hút với khối lượng đất, đá lên đến 550 nghìn mét khối. Ngoài ra, các đơn vị cũng tập trung dọn bèo, rác, phát quang bờ kênh để tạo thông thoáng dòng chảy. Trong một đánh giá sơ bộ mới đây của Công ty Khai thác công trình thủy lợi sông Nhuệ, nhờ thực hiện giải pháp sử dụng nước hồi quy từ chân ruộng cao tưới xuống chân ruộng thấp nhằm tăng hiệu quả sử dụng nước, từ tháng 3-2011 đến nay, điện năng tiêu thụ để bơm nước đã giảm 8% so với cùng kỳ.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi Vũ Văn Thặng cho rằng, chỉ cần thực hiện những biện pháp đơn giản như quản lý chặt nguồn nước, đắp kín bờ vùng, bờ thửa, tu sửa kênh mương, chống rò rỉ… cũng sẽ giảm tối đa lãng phí nước. Theo thống kê trong 3 tháng (từ tháng 3 đến tháng 5-2011), các địa phương đã giảm được gần 5,5 triệu Kwh điện và khoảng 400 triệu mét khối nước, tương đương 30 tỷ đồng.

Và giải pháp lâu dài

Trung tâm Dự báo KTTV trung ương cho biết, những năm gần đây, dòng chảy các sông Bắc bộ từ thượng lưu đến hạ lưu giảm nhanh. Lượng mưa cũng thiếu hụt, ngoài địa bàn miền núi phía Bắc, các tỉnh, thành khu vực Đồng bằng sông Hồng thời gian gần đây dù trong mùa mưa nhưng cũng rất ít mưa. Nguy cơ thiếu nước, thiếu điện luôn thường trực đã gây khó khăn lớn cho sản xuất điện và nhu cầu nước tưới cho nông nghiệp. Tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, hai năm 2009 và 2010 không có lũ, khiến lượng phù sa bồi đắp giảm và gây nguy cơ khô hạn vào cuối vụ. Tình trạng xâm nhập mặn cũng diễn ra gay gắt và gây thiệt hại lớn cho sản xuất khi diện tích đất nông nghiệp bị thu hẹp. Trước tình hình này, Bộ NN&PTNT vừa yêu cầu các ngành, địa phương tăng cường tiết kiệm điện, nước, trong đó biện pháp quan trọng nhất là điều chỉnh linh hoạt cơ cấu mùa vụ, hạn chế thấp nhất ảnh hưởng của khô hạn, úng ngập, đồng thời, áp dụng các biện pháp khoa học tưới tiết kiệm nước. Đối với lúa, vận động nông dân "dồn điền, đổi thửa", làm phẳng mặt ruộng, tránh ứ đọng nước, hạn hán cục bộ; với cây trồng cạn, áp dụng hiệu quả tưới phun mưa, tưới nhỏ giọt… Trong lĩnh vực chăn nuôi, khuyến khích các hộ, trang trại chăn nuôi xây hầm biogas để tạo nguồn năng lượng sinh học sử dụng để đun nấu và chạy máy phát điện phục vụ nhu cầu tại chỗ. Đối với lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, đẩy mạnh các hình thức kinh tế hợp tác, thực hành quy trình sản xuất nông nghiệp tốt, bền vững (Global GAP); áp dụng công nghệ tiên tiến trong xử lý ao nuôi, sử dụng nước ngọt tiết kiệm; hỗ trợ phát triển nuôi biển và ven các đảo xa. Song song với đó, tập trung xây dựng và nhân rộng mô hình nuôi thủy sản khép kín theo tiêu chuẩn tiên tiến, nhằm tiết kiệm nước và kiểm soát dịch bệnh, bảo đảm điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm.
.
Bộ NN&PTNT vừa ban hành Chỉ thị 1623 yêu cầu các địa phương tăng cường tiết kiệm điện, nước trong nông nghiệp. Chỉ thị yêu cầu xây dựng lịch bơm cấp nước, bảo đảm hoạt động đồng bộ toàn hệ thống giữa các trạm bơm nhỏ với trạm bơm lớn, chú ý theo dõi thường xuyên mực nước, tranh thủ bơm vào các giờ thấp điểm để tận dụng nguồn điện lưới và tiết kiệm. Bộ chỉ đạo kiểm tra, đánh giá hiện trạng nguồn nước (lượng mưa, hồ chứa, sông suối, xâm nhập mặn...) để xây dựng kế hoạch sử dụng nước cân đối với khả năng đáp ứng của nguồn nước.

Theo Báo Hà Nội mới