Thứ sáu, 01/11/2024 | 21:40 GMT+7

Chung quanh việc phát triển năng lượng hạt nhân

18/06/2011

Nếu ngừng hoạt động các nhà máy điện hạt nhân sẽ làm gia tăng nguy cơ phụ thuộc nguồn nhiên liệu hóa thạch và hậu quả là tăng lượng khí thải độc hại gây ra các hậu quả về môi trường, dẫn tới hiện tượng nóng lên toàn cầu. Việc phát triển năng lượng hạt nhân hiện là vấn đề còn gây nhiều tranh cãi giữa các nước trên thế giới.

Sau khi xảy ra sự cố ở Nhà máy điện hạt nhân Phư-cư-si-ma của Nhật Bản (ngày 11-3), Chính phủ Ðức đã tuyên bố đóng cửa tất cả các nhà máy điện hạt nhân ở nước này từ nay đến năm 2022. Tuy nhiên, quyết định này của Béc-lin đã gây lo ngại cho nhiều nước trên thế giới khi năng lượng hạt nhân phần nào thay thế các nguồn nhiên liệu hóa thạch đang dần cạn kiệt.


Ðức là một trong nhiều quốc gia châu Âu chú trọng phát triển điện hạt nhân trong chính sách năng lượng của mình. Các nhà máy điện hạt nhân đáp ứng khoảng 22% nhu cầu tiêu thụ điện của quốc gia này. Năm 2010, Ðức đã quyết định kéo dài thêm 12 năm thời gian hoạt động của các nhà máy điện hạt nhân.


hat nhan.jpg


Tuy nhiên, chỉ sau ba ngày xảy ra thảm hoạ hạt nhân tại Nhật Bản, Chính phủ Ðức đã đóng cửa bảy nhà máy được xây dựng từ trước những năm 80 của thế kỷ trước và tiến hành đóng cửa theo từng giai đoạn các nhà máy còn lại đến năm 2022. Ðức muốn chứng minh cho thế giới thấy một nền kinh tế phát triển có thể chuyển đổi thành công sang việc sản xuất và sử dụng năng lượng tái tạo. Quyết định trên của Béc-lin được đưa ra trong bối cảnh thế giới đang ngày càng lo ngại về độ an toàn và nguy cơ rò rỉ phóng xạ từ các nhà máy điện hạt nhân, đe doạ trực tiếp sức khoẻ của con người. Tuy nhiên, nguồn năng lượng này từ lâu đã giải quyết vấn đề tiêu thụ điện năng ngày càng tăng, trong khi nguồn nhiên liệu truyền thống đứng trước nguy cơ cạn kiệt. Do đó, việc đóng cửa các nhà máy điện hạt nhân đã tác động không nhỏ tới Ðức, châu Âu và nhiều nước trên thế giới.  


Ðể đạt được tham vọng trở thành quốc gia điển hình trong việc phát triển năng lượng sinh học và tái tạo, Ðức phải tìm ra phương án thay thế 22% sản lượng điện do các lò phản ứng hạt nhân cung cấp. Trong khi đó, các nguồn nhiên liệu khác ở nước này như năng lượng gió và mặt trời chỉ chiếm 17%, khí đốt tự nhiên chiếm 13% và hơn 40% là từ than đá sẽ không thể cung cấp đủ điện cho nền kinh tế lớn thứ hai châu Âu này. Theo cơ quan giám sát lưới điện châu Âu, ngay sau khi đóng cửa bảy nhà máy điện hạt nhân, Ðức đã phải nhập khẩu 50 tỷ kW giờ điện/ ngày từ các quốc gia láng giềng như Pháp và CH Séc. Bên cạnh đó, giá điện của Ðức cũng tăng lên đáng kể, nhất là tại các khu vực phụ thuộc nguồn năng lượng hạt nhân. Nhiều công ty điện lực và một số nghị sĩ quốc hội nước này bày tỏ lo ngại trước việc đóng cửa toàn bộ các nhà máy điện hạt nhân của chính phủ; cho rằng, đây có thể là một quyết định sai lầm.


Theo các nhà phân tích, việc đóng cửa hàng loạt nhà máy điện hạt nhân cùng một lúc sẽ khiến con người sẽ phải phụ thuộc nhiều hơn nguồn nhiên liệu hóa thạch, dẫn đến lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính tiếp tục tăng cao. Nhiều nước trong Liên hiệp châu Âu (EU) cũng bày tỏ lo ngại trước quyết định của Ðức sẽ kéo theo những tác động không mong muốn cho các quốc gia chưa sẵn sàng thay đổi chiến lược hạt nhân vào thời điểm này. Năng lượng hạt nhân là lựa chọn khả thi đối với nhiều nước ở thời điểm hiện tại khi giá dầu mỏ thế giới tăng cao và thiếu nguồn năng lượng thay thế hiệu quả. Phần lớn các nước vẫn cho rằng, biện pháp hữu hiệu nhất là tìm ra giải pháp an toàn cho các lò phản ứng hạt nhân.


Theo Bộ trưởng Môi trường Thụy Ðiển A. Can-gơ-ren, Ðức khó có thể giảm sự tiêu hao năng lượng hóa thạch, nhất là năng lượng từ các-bon trong thời gian tới. Ðiều này đi ngược lại mục tiêu nhằm giảm lượng khí thải các-bon đi-ô-xít và tạo thêm tranh cãi mới giữa các nước trong EU về việc giải quyết vấn đề giảm năng lượng hạt nhân và giảm khí thải gây biến đổi khí hậu.


Nhiều quốc gia vẫn lựa chọn năng lượng hạt nhân, nhất là Trung Quốc và Ấn Ðộ khi nhu cầu điện năng tăng cao trong những năm gần đây. Năng lượng hạt nhân là giải pháp tối ưu đối với các nền kinh tế mới nổi trong việc giảm giá thành điện và lượng khí thải gây ô nhiễm môi trường. Dù lo lắng về vấn đề an toàn hạt nhân đang lan rộng nhưng Hàn Quốc và nhiều quốc gia khác vẫn tiếp tục thực hiện chính sách năng lượng hạt nhân để đối phó tình trạng thiếu năng lượng nghiêm trọng hiện nay.


Thực tế cho thấy, nếu ngừng hoạt động các nhà máy điện hạt nhân sẽ làm gia tăng nguy cơ phụ thuộc nguồn nhiên liệu hóa thạch và hậu quả là tăng lượng khí thải độc hại gây ra các hậu quả về môi trường, dẫn tới hiện tượng nóng lên toàn cầu. Việc phát triển năng lượng hạt nhân hiện là vấn đề còn gây nhiều tranh cãi giữa các nước trên thế giới.


Theo Báo Nhân dân