Thứ bảy, 23/11/2024 | 17:31 GMT+7

Tiết kiệm năng lượng trong xây dựng

16/06/2011

Xây dựng là một trong những ngành tiêu thụ năng lượng rất lớn, ở hầu hết các giai đoạn trong chu trình sống của công trình. Bởi vậy, trong điều kiện biến đổi khí hậu hiện nay, vấn đề tiết kiệm năng lượng trong xây dựng cần được tính đến ở mọi giai đoạn xây dựng.

Xây dựng là một trong những ngành tiêu thụ năng lượng rất lớn, ở hầu hết các giai đoạn trong chu trình sống của công trình. Bởi vậy, trong điều kiện biến đổi khí hậu hiện nay, vấn đề tiết kiệm năng lượng trong xây dựng cần được tính đến ở mọi giai đoạn xây dựng.


1.jpg


Trong điều kiện hiện nay, khi biến đổi khí hậu xảy ra mạnh mẽ thì vấn đề tiết kiệm năng lượng không phải là chuyện của riêng ngành xây dựng. Đó là công việc chung của mọi ngành, nếu không chung tay góp sức, thì kết quả rất hạn chế. Tuy nhiên, theo số liệu của các nước tiên tiến, chỉ riêng tổng năng lượng tiêu thụ cho các công trình xây dựng đã chiếm đến 40% - 70% tổng năng lượng cung cấp cho đô thị. Từ thiết kế, thi công, khai thác sử dụng công trình đến sản xuất vật liệu xây dựng đều phải tiêu thụ năng lượng. 


Chỉ riêng việc xem xét tiêu thụ năng lượng điện trong nhà ở tại các khu đô thị mới đã thấy có nhiều vấn đề cần giải quyết. Đó là tiêu thụ điện trực tiếp (chạy máy điều hòa không khí, quạt máy, đun nước nóng, chiếu sáng, thiết bị điện sinh hoạt, thang máy và các động cơ khác…) và tiêu thụ gián tiếp (vật liệu xây dựng, nước sinh hoạt,...) Rõ ràng là để sử dụng năng lượng tiết kiệm và có hiệu quả đều phải xét đến tổng tiêu thụ điện trực tiếp và gián tiếp ngay trong từng căn hộ, cũng như việc tiêu thụ năng lượng ở các khu vực công cộng, như: các hệ thống cung cấp điện chiếu sáng, cấp nước, cấp nhiệt, thông tin, thang máy,… Từ đó, lựa chọn và sử dụng các trang thiết bị cho từng căn hộ cũng như các hệ thống điều khiển tự động của cả công trình.
 


Việt Nam có những điều kiện thuận lợi nếu biết khai thác, tận dụng hợp lý để tiết kiệm năng lượng trong xây dựng.


Ngay từ khâu thiết kế thì việc chọn số liệu khí hậu thích hợp (về bức xạ mặt trời, nhiệt độ không khí, độ ẩm tương đối, gió, điều kiện tiện nghi vi khí hậu công trình,…) để phát triển công trình xanh, tiết kiệm năng lượng trên cơ sở tận dụng tối đa điều kiện khí hậu thiên nhiên và cảnh quan tự nhiên. Nhất là trong vấn đề tổ chức thông gió tự nhiên và tận dụng ánh sáng tự nhiên.


2.jpg


Cũng trong khâu thiết kế, việc chọn kiểu dáng, hình khối nhà cao tầng không chỉ thuần túy về phương diện thẩm mỹ kiến trúc mà còn có tác dụng tiết kiệm năng lượng trong quá trình xây dựng và vận hành, sử dụng. Chẳng hạn, thứ tự ưu tiên lựa chọn hình khối nhà cao tầng để tiết kiệm năng lượng là khối trụ tròn, khối đa diện đều, khối trụ vuông, khối trụ chữ nhật rồi mới đến các khối có hình thù lồi lõm phức tạp khác.



Việc lựa chọn hệ thống cửa sổ nhằm tận dụng ánh sáng tự nhiên để chiếu sáng cho phòng cũng là một biện pháp hữu hiệu để tiết kiệm năng lượng trong xây dựng. Chẳng hạn, chọn loại cửa sổ cao và hẹp thì sẽ tốt hơn loại cửa thấp mà rộng (so với cùng một diện tích của cửa). Cửa dễ dàng đóng mở nhưng cũng đảm bảo yêu cầu che nắng. Việc áp dụng kinh nghiệm sử dụng cửa truyền thống (trong kính, ngoài chớp) vẫn là một gợi ý tốt bậc nhất trong xây dựng.


Trong sản xuất sử dụng vật liệu xây dựng, việc tiết kiệm và sử dụng có hiệu quả năng lượng là rất rõ ràng.


Chẳng hạn, sử dụng gạch không nung trong xây dựng, đỡ tốn kém nhiên liệu nung, giảm khí thải và ô nhiễm nhiệt, tạo loại vật liệu thân thiện với môi trường. Trong điều kiện khí hậu nhiệt đới nóng ẩm Việt Nam, nếu vật liệu xây dựng không đảm bảo tốt các yếu tố: cách nhiệt, chống thấm dột, ẩm mốc, bền vững, khó bị hư hoại trước những tác động khắc nghiệt… thì trong quá trình vận hành các công trình xây dựng sẽ phải sử dụng thiết bị điều hòa, thông gió nhân tạo, có thể hiệu quả, xong tốn nhiều năng lượng.


Việc sử dụng loại sản phẩm cách nhiệt, có khả năng ngăn bức xạ mặt trời hoặc được thiết kế với hệ thống thông gió tự nhiên tốt sẽ tạo điều kiện cho các công trình xây dựng có thể không dùng nhiều điện năng làm mát mà vẫn đảm bảo không bị nóng. Đó là chưa kể các loại cấu kiện tiền chế như tấm tường, tấm sàn có chiều dày mỏng, vận chuyển dễ dàng trong thi công, tạo điều kiệm tiết kiệm năng lượng, chất đốt cho xe cộ…


Sử dụng cây xanh để làm giảm nhiệt độ mặt đệm và làm sạch không khí đối với công trình xây dựng cũng là một biện pháp tiết kiệm năng lượng cần được nhắc đến.


Nếu không gian xung quanh khu nhà ở được “lục hóa” thì sẽ tạo môi trường không khí trong khu nhà ở thấp hơn, sạch hơn, mát hơn, ít phải sử dụng máy điều hòa không khí và tiết kiệm điện năng một cách rõ rệt.


Thúy Hằng