Thứ sáu, 22/11/2024 | 07:43 GMT+7

Nguồn năng lượng tái tạo tiềm năng

06/06/2011

Tháng 4/2011 vừa qua, Hiệp hội Mía đường Việt Nam đã chính thức gửi văn bản số 529/HHMĐ tới Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương, Bộ NNPTNT, Uỷ ban Kinh tế và Ngân sách Quốc hội về vấn đề phát điện từ bã mía. Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã ban hành công văn 2553/VPCP – KTN giao Bộ Công Thương đưa nguồn điện phát từ bã mía của các nhà máy đuờng vào Chiến lược Quy hoạch phát triển nguồn năng lượng mới và tái tạo Việt Nam, trình Thủ tướng xem xét phê duyệt

Hiện nay vấn đề tận dụng phế liệu, phế phẩm, bã mía từ cây mía để sản xuất điện đã được một số nhà máy đường triển khai và bước đầu mang lại những hiệu quả nhất định. Trên cơ sở đó Hiệp hội Mía đường Việt Nam đã và đang có những đề xuất với Chính phủ để có các chính sách ưu đãi về giá mua, lãi suất cho vay đầu tư thiết bị sản xuất.

 

Theo ông Phạm Hồng Dương, Giám đốc Nhà máy đường Bourbon, sản xuất điện từ bã mía là công nghệ hiện đại và hiệu quả. Năng lượng điện phát ra từ nguồn nhiên liệu bã mía có ưu điểm là không gây hiệu ứng nhà kính do sử dụng lò hơi công nghệ hiện đại; không ảnh hưởng đến môi trường do không sử dụng nhiên liệu hóa thạch, không phải ngăn dòng chảy sông ngòi gây mất cân bằng sinh thái; lại có thể sẽ không cạn kiệt như dầu mỏ hay nguy hiểm như điện hạt nhân.


mia-sxdien.jpg


Quy trình sản xuất điện từ bã mía không nhiều phức tạp. Sau khi ép mía để lấy đường, lượng bã mía còn lại được đưa vào trong lò hơi để đốt sinh hơi, sau đó áp lực hơi được đưa vào lò hơi làm quay tuabin phát điện.

 

Tháng 4/2011 vừa qua, Hiệp hội Mía đường Việt Nam đã chính thức gửi văn bản số 529/HHMĐ tới Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương, Bộ NNPTNT, Uỷ ban Kinh tế và Ngân sách Quốc hội về vấn đề phát điện từ bã mía.

Ngày 25/4/2011, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã ban hành công văn 2553/VPCP – KTN giao Bộ Công Thương đưa nguồn điện phát từ bã mía của các nhà máy đuờng vào Chiến lược Quy hoạch phát triển nguồn năng lượng mới và tái tạo Việt Nam, trình Thủ tướng xem xét phê duyệt

 Mùa vụ 2010-2011, sản lượng đường của Nhà máy đường Bourbon (Tây Ninh) là 720 tấn đường/ngày. Để sản xuất được lượng đường này phải cần đến 8.000 tấn mía/ngày, tương đương lượng bã mía thải ra 2.800 tấn/ngày. Với 560MW điện/ngày được tạo ra, Bourbon chỉ tiêu thụ 210 MW/giờ để vận hành máy móc, còn lại 350 MW/giờ bán ra lưới điện quốc gia. Giai đoạn II (có thể từ 2012-2014) đường Bourbon sẽ nâng công suất lên 16.000 tấn mía/ngày, sản lượng điện sẽ tăng gấp đôi.

 

Năm 2010, sản lượng điện sản xuất từ bã mía của Công ty CP Buorbon Tây Ninh đạt trên 50 nghìn KWh. Đây là con số chưa lớn nhưng do Tây Ninh là địa bàn cuối nguồn của điện lưới quốc gia nên sản lượng điện nói trên không chỉ giúp tăng nguồn điện cho địa phương mà còn giúp giảm tổn thất trong quá trình truyền tải lưới điện

 

Một trường hợp khác là Công ty Đường Ninh Hòa (Khánh Hòa), mỗi ngày chế biến 3.000 tấn mía cây nhưng không phải dùng điện lưới. Toàn bộ nhu cầu điện được đáp ứng nhờ tổ máy nhiệt điện công suất 6MW, nhiên liệu đốt lò hơi là bã mía. Công ty Mía đường Sóc Trăng cũng sử dụng bã mía để sản xuất điện với nguồn điện năng mỗi giờ được 3MW.


Theo đánh giá của các chuyên gia, khi các nhà máy điện giải quyết được tất cả lượng bã mía tồn đọng thông qua sản xuất điện và phát được điện lên lưới, ngoài việc giải quyết được vấn đề môi trường nó còn giúp doanh nghiệp có điều kiện mua mía của nông dân với giá tốt hơn. Đó không chỉ là lợi ích cho doanh nghiệp, cho người nông dân mà là lợi ích chung cho quốc gia.


Trong năm 2011, dự báo tình hình thiếu điện sẽ vẫn diễn ra, ngành mía đường muốn góp sức cùng Chính phủ giảm thiểu tình trạng thiếu điện trong mùa khô. Theo ông Nguyễn Bá Chủ, Tổng giám đốc Công ty CP Bourbon Tây Ninh, hiện nay nhiều nhà máy đường muốn “nhảy” vào lĩnh vực sản xuất điện nhưng chỉ khi giá điện tốt mới thực sự tạo động lực và kích thích các nhà máy đường đầu tư sản xuất. “Việc sản xuất điện của các nhà máy đường là theo thời vụ sản xuất đường với suất đầu tư rất lớn. Vì vậy Nhà nước nên có cơ chế khuyến khích bằng giá mua điện hoặc ưu đãi thuế, lãi suất… để các nhà máy quan tâm đầu tư thiết bị sản xuất”, ông Chủ nhận định.


Với trách nhiệm của doanh nghiệp, các nhà máy đường rất muốn tự chủ một phần nguồn điện năng phục vụ sản xuất. Tuy nhiên do suất đầu tư trang thiết bị máy móc ban đầu rất lớn, thiết bị đầu tư tốn kém nhất hiện nay là lò hơi và tuabin phát điện nên ngành mía đường mong Chính phủ sẽ sớm có những chính sách hỗ trợ về giá mua điện để các nhà máy đường mạnh dạn đầu tư thiết bị.


Hiện công nghệ phát điện từ bã mía chủ yếu nhập khẩu từ châu Âu như Đức, Thuỵ Sỹ. Một số công ty cũng đã quan tâm đầu tư sản xuất điện từ bã mía như Công ty Mía đường Lam Sơn (Thanh Hoá), Công ty Mía đường Sóc Trăng… nhưng việc xác định giá điện còn khó khăn, phụ thuộc vào chính sách mua điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) bởi giá mua điện từ bã mía mà thấp hơn mua điện từ các nhà máy thuỷ điện thì sẽ khó thu hồi vốn. “Theo tính toán, điện sản xuất từ bã mía phải có giá bán từ 5-6 cent/KWh mới có thể đảm bảo cho các NMĐ hoàn vốn để tái đầu tư. Nhưng hiện tại không có khung giá chung mà chỉ có giá do EVN đàm phán với các NMĐ trong từng thời điểm để “chốt” giá”, ông Chủ cho hay./.


Theo Báo Kinh tế Việt Nam