Thứ sáu, 22/11/2024 | 22:53 GMT+7
Cuối quí I/2011, chúng tôi có dịp đến làm việc tại Trạm Tuy Phong thuộc Nhà máy Phong điện 1 (Bình Thuận). Từ xa, nhìn những trụ điện gió đang quay chẳng khác gì ảnh chụp ở những cánh đồng điện gió lớn trên thế giới. Từ những trụ điện chạy bằng sức gió ấy, bước đầu hàng triệu kWh điện đã hòa vào điện lưới quốc gia, góp phần tăng nguồn cung vốn đang khó khăn của ngành Điện.
Cột điện gió Tuy Phong, Bình Thuận
Nhà máy Phong
điện 1 là dự án điện gió có quy mô lớn đầu tiên tại Việt Nam do Công ty cổ phần
Năng lượng tái tạo Việt Nam (REVN) làm chủ đầu tư. Cho đến thời điểm này, giai
đoạn 1 của Dự án đã hoàn thành gồm 20 tuabin chiều cao cột 85 m, đường kính
cánh quạt 77 m, công suất 1,5 MW/cột, tổng trọng lượng tuabin là 89,4 tấn, cột
tháp là 165 tấn. Tổng mức đầu tư giai đoạn 1 gần 820 tỷ đồng. Khi cả 20 tổ máy
đi vào hoạt động ổn định, sản lượng điện theo công suất thiết kế là 30 MW. Đây
không phải là một con số lớn nhưng lại vô cùng có ý nghĩa, mở đầu cho ngành
công nghiệp điện gió tại Việt Nam.
Cả Ban quản lý và
đội vận hành chỉ có 30 người, nhưng phải đảm nhiệm một khối lượng công việc rất
lớn. Bắt đầu thực hiện Dự án từ năm 2008, sau 1 năm đã lắp dựng được 5 tổ máy
và đến 5/8/2009, chính thức hòa lưới điện quốc gia. Đến 2/3/2011, Trạm đã hoàn
thành lắp dựng xong 15 tổ máy tiếp theo và đến thời điểm tháng 5/2011, cả 20 tổ
máy đã hòa lưới điện.
Quá trình lắp ráp
một trụ điện gió được tiến hành như sau: xây dựng trụ móng bêtông cốt thép nặng
800 tấn, lắp bốn đốt tháp thành một trụ cao 85m, tuabin được cẩu lên ráp vào
đầu trụ tháp, ba cánh quạt (dài 37,5m, nặng 5,5 tấn/cánh) được lắp vào đầu
“hup” dưới mặt đất, sau đó được hai cần cẩu 500 tấn nâng lên ráp vào đầu
tuabin.
Mỗi trạm phong điện trục ngang này gồm một máy phát điện có công suất 1,5MW. Tốc độ gió cho phép vận hành và phát điện là từ 3m/s đến dưới 25m/s (90km/h), trong khi tại Tuy Phong, tốc độ gió trung bình vào khoảng 8-14m/s. Theo kế hoạch, giai đoạn 2 của Dự án sẽ xây dựng và lắp đặt 60 trụ điện gió, nâng tổng công suất của Nhà máy Phong điện 1 Bình Thuận lên 120MW.
Theo kỹ sư Vũ Minh Thái –Trưởng Ban quản lý Dự án Đầu tư Xây dựng công trình phong điện 1 Bình Thuận, trạm Tuy Phong, hiện nay, các thiết bị để xây dựng trụ điện đã được nội địa hóa khoảng 30%, chỉ còn tuabin và cánh là nhập khẩu (cánh quạt hiện vẫn nhập của Thụy Điển, tuabin của Đức). Còn cột tuabin, trước phải nhập thì nay đã có Nhà máy UBI TOWER của Việt Nam sản xuất được. Phần móng trước kia phải thuê tư vấn nước ngoài, thì nay phía Việt Nam cũng đã tự làm được. Dự kiến, sau 3 năm, Dự án sẽ hoàn thành giai đoạn 2 để đưa vào vận hành 80 trụ điện gió, hòa 120 MW điện vào lưới điện quốc gia, giảm sức ép thiếu điện cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam.
Minh Châu