Thứ sáu, 22/11/2024 | 21:34 GMT+7
Có lĩnh vực đầu tư nào mà có thể thu hồi vốn trong vài tháng, thậm chí là chỉ trong 1-2 tuần không? Câu trả lời là có và đó chính là đầu tư vào tiết kiệm năng lượng.
Coca-Cola: tiết kiệm đến 50% lượng điện tiêu thụ
Tập đoàn Coca-Cola của Mỹ đang phát động một triết lý kinh
doanh mới trên toàn cầu mang tên Live Positively (tạm dịch là sống tích cực),
nó gắn kết phương châm phát triển bền vững vào tất cả các lĩnh vực hoạt động và
kinh doanh của doanh nghiệp.
Triết lý này được Coca-Cola cụ thể hóa thành bảy lĩnh vực, chủ yếu liên quan đến đời sống cộng đồng và bảo vệ môi trường. Trong đó, kết quả mà Coca-Cola Việt Nam đã làm trong lĩnh vực tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường là một ví dụ minh họa đầy ấn tượng.
Ông Malcolm Gibbons, Tổng giám đốc Coca-Cola Việt Nam, cho
biết đến nay công ty đã giảm được một nửa lượng điện tiêu thụ trên một đơn vị sản
phẩm so với năm 2004 tại cả ba nhà máy ở TPHCM, Hà Nội và Đà Nẵng. Nhưng đây vẫn
chưa phải con số cuối cùng. Coca-Cola Việt Nam dự kiến sẽ giảm thêm ít nhất 10%
điện năng tiêu thụ nữa vào năm 2015.
Theo bà Nguyễn Thị Ngọc Diễm, Giám đốc chuỗi cung ứng toàn quốc của Coca-Cola Việt Nam, giải pháp công ty đã thực hiện trong bảy năm qua để giảm mức tiêu thụ điện khá đa dạng.
Từ những thay đổi đơn giản như yêu cầu nhân viên tắt điện
trước khi ra về, lắp tôn sáng trên nóc nhà kho để tận dụng ánh sáng mặt trời...
cho đến chọn những thiết bị có hiệu suất năng lượng cao để lắp đặt cho các nhà
máy.
“Nâng cao hiệu suất sử dụng năng lượng cho dây chuyền sản xuất
không có nghĩa là phải thay toàn bộ máy móc thiết bị hiện có”, bà Diễm khẳng định
và đưa ra một ví dụ minh họa, “các nhà máy của Coca-Cola Việt Nam đều sử dụng hệ
thống rửa chai bằng nước nóng. Chúng tôi chỉ cần lắp đặt thêm thiết bị thu hồi
hơi nước thoát ra trong quá trình súc rửa, rồi dẫn trở lại lò hơi để tái sử dụng,
là đã tiết kiệm được rất nhiều năng lượng”.
Bà còn cho biết thêm, quá trình đầu tư cho tiết kiệm năng lượng ở cả ba nhà máy của Coca-Cola Việt Nam trong những năm qua cho thấy, thời gian thu hồi vốn trung bình chỉ có bốn tháng.
Hiệu quả của đầu tư trong lĩnh vực tiết kiệm năng lượng ở Coca-Cola Việt Nam là rất rõ ràng và đây không phải là kết quả cá biệt. Trong các cuộc hội thảo về đề tài này diễn ra trong mấy năm gần đây, nhiều báo cáo nghiên cứu từ thực tế đã chứng minh, thời gian thu hồi vốn phổ biến cho một dự án đầu tư vào tiết kiệm năng lượng chỉ khoảng 3-6 tháng. Ngay với những công trình cần vốn đầu tư đến hàng chục tỉ đồng, cũng chỉ cần tới 1-2 năm để hoàn vốn đầu tư. Thậm chí, giải pháp ngăn ngừa thất thoát nhiệt ở công đoạn nạp nguyên liệu và xuất phôi, được đề xuất cho một nhà máy thép ở Philippines, chỉ sau một tuần đã có thể lấy lại vốn.
Thành công trong việc hạ thấp mức tiêu thụ điện năng của Coca-Cola Việt Nam là gợi ý rất thiết thực và hữu ích cho chính sách năng lượng của Việt Nam. Một công ty, với những dây chuyền sản xuất hiện đại mà vẫn có thể tiết giảm tới 50% lượng điện tiêu thụ và còn tiếp tục giảm nữa, cho thấy tiềm năng tiết kiệm điện của Việt Nam là rất lớn. Đây chính là chìa khóa để giải bài toán an ninh năng lượng của Việt Nam.
Lâu nay, Việt Nam luôn ở trong tình trạng nguồn cung điện không đủ đáp ứng nhu cầu và Chính phủ đã cố gắng xây dựng thêm nhiều nhà máy điện để tăng nguồn cung. Đây là giải pháp rất tốn kém. Chưa nói nhu cầu vốn đầu tư hàng năm đến 4 tỉ đô la Mỹ, là bài toán khó giải với ngành điện. Việc chạy đua để đáp ứng nhu cầu gia tăng quá mạnh so với tốc độ tăng trưởng kinh tế, do sử dụng lãng phí, chẳng những là cách làm kém hiệu quả, mà còn đặt ra nhiều rủi ro liên quan đến an ninh năng lượng.
Hiệu quả và tiết kiệm năng lượng - không thể khác hơn
Từ câu chuyện của Coca-Cola, không khó để dự đoán tiềm năng tiết kiệm điện của Việt Nam là rất lớn. Nếu cả nước có thể tiết giảm được 30-50% và đưa mức tăng nhu cầu điện xuống bằng hoặc thấp hơn tốc độ tăng GDP, thì với nguồn điện hiện nay, cũng đủ đáp ứng nhu cầu của cả nền kinh tế trong 7-10 năm tới
Thay vì chỉ tập trung nguồn lực cho phát triển nguồn điện, Nhà nước nên thành lập một quỹ đủ lớn để tài trợ cho chương trình tiết kiệm năng lượng của các doanh nghiệp hoặc khuyến khích thành lập các quỹ đầu tư tư nhân trong lĩnh vực này. Hiện nay, tốc độ tăng nhu cầu tiêu thụ điện của Việt Nam gấp 1,7-2 lần so với tăng trưởng GDP. Theo Giáo sư Nguyễn Khắc Nhẫn, nguyên Cố vấn Nha kinh tế dự báo chiến lược EDF Paris, hệ số này của Việt Nam thuộc vào loại cao nhất thế giới. Nó cũng cho thấy, Việt Nam đang sử dụng điện lãng phí đến mức nào. Trong khi ở nhiều quốc gia khác, nhu cầu điện thường tăng không nhanh hơn so với tốc độ tăng GDP, thậm chí ở Pháp, mức tăng nhu cầu điện chỉ bằng một nửa so với tăng trưởng GDP. |
Rõ ràng, sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả là giải pháp tối ưu để giải bài toán cung cầu điện. Hiệu quả giải pháp này mang lại không đơn thuần là hóa đơn tiền điện mỗi doanh nghiệp, mỗi gia đình phải trả ít đi, mà còn tạo ra nhiều tác động lan tỏa tích cực cho cả nền kinh tế.
Trước hết, số tiền hàng tỉ đô la Mỹ, thay vì để xây nhà máy điện, Nhà nước có thể tập trung để đầu tư cho các công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu khác. Đồng thời, tăng hiệu quả sử dụng điện cũng đồng nghĩa với nâng cao năng lực cạnh tranh và chất lượng phát triển của nền kinh tế. Chủ động hơn trong việc bảo đảm an ninh năng lượng và tiết kiệm lượng lớn ngoại tệ để nhập than, xăng dầu, khí đốt... cùng những lợi ích to lớn khác về môi trường.
Hơn 10 năm trước, chủ trương sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đã được Chính phủ đặt ra. Từ đó đến nay, nhiều văn bản pháp luật liên quan đến vấn đề này đã được ban hành. Không ít chương trình vận động cùng các cơ quan điều hành từ Trung ương đến địa phương cũng đã ra đời. Nhưng kết quả vẫn rất hạn chế. Ấy là do các chính sách khuyến khích cũng như chế tài chưa đủ mạnh, mà chủ yếu vẫn chỉ là tuyên truyền, vận động. Để có thể nhanh chóng cải thiện tình trạng sử dụng lãng phí năng lượng, cần có những giải pháp mạnh mẽ hơn.
Trước hết, thay vì chỉ tập trung nguồn lực cho phát triển nguồn điện, hay năng lượng nói chung, Nhà nước nên thành lập một quỹ đủ lớn để tài trợ cho chương trình tiết kiệm năng lượng của các doanh nghiệp, nhất là những công ty nhỏ và vừa gặp khó khăn về tài chính; hoặc khuyến khích thành lập các quỹ đầu tư tư nhân trong lĩnh vực này.
Tiếp đến, cần thay đổi các chính sách thuế, đa dạng hóa biểu giá bán điện theo hướng khuyến khích các doanh nghiệp đạt hiệu suất sử dụng năng lượng cao và chế tài những công ty lãng phí. Đồng thời, Nhà nước cũng nên dùng công cụ thuế để hướng dẫn hành vi tiêu dùng. Những sản phẩm tiêu tốn nhiều năng lượng, chẳng hạn như các loại xe máy tay ga, phải bị đánh thuế nặng hơn, để giảm sức mua.
Ngoài ra, chính sách thu hút đầu tư nước ngoài cũng nên được xem xét và điều chỉnh. Chúng ta rất cần nguồn vốn này, nhưng không thể thu hút bằng mọi giá, nhất là những dự án gây ra gánh nặng về cung ứng năng lượng và các vấn đề môi trường. Đồng thời, việc nhập khẩu máy móc thiết bị và công nghệ cần được kiểm soát chặt chẽ, để tránh biến Việt Nam trở thành điểm đến cho những thiết bị rẻ tiền nhưng có hiệu suất năng lượng thấp.
Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn
|