Thứ bảy, 02/11/2024 | 17:36 GMT+7
Yêu cầu cấp bách...
Khó có thể tưởng tượng được rằng, cùng với đường phố, ngõ
xóm (miền Nam
gọi là ngách, hẻm rộng từ 3-5 mét) ở Hà Nội khi chưa mở rộng đã có chiều dài
gần 1.500 km, dài hơn đường sắt Bắc-Nam. Ở Thành phố Hồ Chí Minh, theo con số
thống kê chưa dầy đủ, ngách, hẻm cũng có chiều dài 1.200 km.
Hiện nay, quá trình
đô thị hóa đang phát triển, có gần 750 đô thị với hàng chục ngàn km đường phố
thì cũng có tới 4/5 con số đó là ngõ, xóm, là ngách, hẻm. Đây là những khu vực
đường xá giao thông nhỏ bé, còn tạm bợ, nhưng có lúc lưu lượng giao thông lớn,
tình hình an ninh trật tự phức tạp, hoạt động tội phạm thường xảy ra vào lúc
trời tối. Chính vì vậy, việc chiếu sáng ngõ xóm trở nên cấp thiết để đảm bảo an
toàn giao thông, an toàn trật tự. Không những thế, việc chiếu sáng ngõ xóm hiệu
quả và tiết kiệm còn thể hiện trình độ văn minh của đô thị và sự bình đẳng của
người dân cùng sống trong khu đô thị.
Tuy vậy, việc chiếu sáng ngõ xóm còn nhiều bật cập do nhận
thức, do kinh phí hạn hẹp và do chưa có quy hoạch tổng thế về xây dựng và chiếu
sáng. Trong nhiều năm qua, việc chiếu sáng ngõ xóm ở nhiều khu vực thường thiết
kế mạng lưới điện không khoa học, dùng đèn sợi đốt, đèn thủy ngân cao áp, không
chóa, mắc trực tiếp vào cột điện không có cần đèn hoặc mắc vào cành cây, tường
rào làm hao tốn điện năng, không có mỹ quan và không an toàn cho người dân.
Thực tế đã đặt ra yêu cầu chiếu sáng cho các ngõ xóm và được
các nhà khoa học về chiếu sáng tổng kết thì, chiếu sáng ngõ xóm phải đảm bảo ba
yêu cầu:
Một là, đảm bảo an toàn cho các phương tiện giao thông cơ giới, thô sơ và người đi bộ trong điều kiện ngõ xóm không có vỉa hè và dùng đường ngõ xóm để kinh doanh.
Hai là, đảm bảo người đi bộ dưới ánh sáng đèn nhìn rõ chướng ngại vật trên mặt đường để tránh xảy ra tai nạn giao thông, đồng thời có thể nhìn rõ mặt người ở khoảng cách từ 4 mét trở lên và phân biệt được hình dáng ở khoảng cách 9 mét trở lên để đảm bảo an ninh.
Ba là, tăng thêm vẻ đẹp của đô thị, của các khu dân cư.
Để đảm bảo 3 yêu cầu trên, mạng lưới chiếu sáng ngõ xóm phải có hiệu quả, thiết kế lắp đặt khoa học, lựa chọn nguồn sáng và các thiết bị khác đảm bảo độ rọi trung bình từ 3 đến 10 lux (có thể giảm đi khi ngõ xóm ít phương tiện giao thông đi lại và tình hình an ninh, trật tự tốt); phải có ánh sáng đơn sắc, ánh sáng trắng như bóng đèn compact, bóng đèn phóng điện cường độ điện cao (HID). Điều đáng chú ý là, chiếu sáng ngõ xóm phải tiết kiệm điện năng, tiết kiệm kinh phí của Nhà nước và sự đóng góp của nhân dân.
... Và việc thực hiện chiếu sáng ngõ xóm
Hiện nay, cả nước có khoảng 800.000 bóng đèn chiếu sáng công
cộng với các loại công suất khác nhau. Năm 2009, tổng điện năng tiêu thụ cho
lĩnh vực chiếu sáng chiếm khoảng 25% tổng điện năng thương phẩm, tương đương
trên 21 nghìn tỷ kWh/năm. Trong khi đó, tổng công suất điện chiếu sáng ngõ xóm
bằng 1/3 (có nơi gần bằng 1/2) điện chiếu sáng đường phố. Như vậy, tiết kiệm
điện chiếu sáng ngõ xóm là một việc làm hết sức cần thiết.
Nhiều cuộc Hội thảo quốc gia, khu vực do Hội Chiếu sáng đô
thị Việt Nam và các tổ chức khác đứng ra tổ chức đã bước đầu xác định những mô
hình chiếu sáng ngõ xóm sao cho có hiệu quả và tiết kiệm và được nhiều địa
phương thực hiện. Cách đây 5 năm, thành phố Hà Nội đã tổ chức lắp đặt hệ thống
chiếu sáng đạt gần 70% ngõ xóm, với chiều dài chiếu sáng gần 1.100 km, tiêu
thụ 49,5% tổng lượng điện năng tiêu thụ
cho chiếu sáng ở Hà Nội. Thành phố Hồ Chí Minh đã lắp đặt 50.000 bóng đèn cho
các ngách, hẻm, tiêu tốn 1/3 lượng điện chiếu sáng của Thành phố. Từ đó đến
nay, Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh đã có nhiều cải tiến kỹ thuật, nhiều biện
pháp tiết kiệm điện cho việc chiếu sáng ngõ xóm, như chọn các thiết bị chiếu
sáng, nguồn sáng phù hợp, sử dụng chấn lưu tổn hao thấp. Việc lắp đặt, trồng
cột, lắp đèn đã đảm bảo đúng kỹ thuật, đảm bảo tính thẩm mỹ và chống câu móc
điện.
Thành phố Đà Nẵng đã áp dụng rộng rãi đề tài "Nghiên
cứu, chế tạo và lắp đặt đèn chiếu sáng ngõ xóm áp dụng công nghệ nano phát
sáng" do kỹ sư Phạm Tài - Giám đốc Công ty Quản lý vận hành điện chiếu
sáng công cộng Đà Nẵng chủ nhiệm. Đây là đề tài đã được Bộ Khoa học và Công
nghệ và Liên hiệp Hội Khoa học - Kỹ thuật Việt Nam
trao giải sáng tạo Khoa học Công nghệ Việt Nam năm 2009 (VIFOTEC - 2009). Đèn
LED Nano 24W được lắp đặt ở 12 ngõ xóm của Đà Nẵng so với đèn Mercury 125W, 80W
và đèn compact 50W, tiết kiệm điện năng hơn 50% và rất thuận tiện đối với những
nơi có nguồn điện không ổn định.
Sử dụng đèn LED Nano chiếu sáng lắp đặt ở đầu đường dây,
cũng như cuối đường dây thì độ phát sáng không thay đổi, đồng thời chi phí duy
tu bảo dưỡng, thay thế thấp. Ở Hải Phòng, Bắc Ninh, Huế, Cần Thơ, Đà Lạt... và
nhiều thành phố khác cũng có nhiều biện pháp tích cực lắp đặt hệ thống chiếu
sáng ngõ xóm. Năm 2010, nhân dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long, đã có hàng ngàn
ngõ xóm được cải tạo, lắp đặt hệ thống chiếu sáng. Tuy nhiên, trong quá trình
đô thị hoá diễn ra nhanh chóng hàng ngày, hàng giờ như hiện nay, thì việc chiếu
sáng ngõ xóm còn phải tập trung nhiều nguồn lực, phải có kế hoạch, phải xã hội
hóa cao mới nhanh chóng thực hiện đầy đủ yêu cầu hiệu quả và tiết kiệm. Quyết
định 1874/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 11/10/2010 phê duyệt
Định hướng phát triển chiếu sáng đô thị Việt Nam đến năm 2025 đã khẳng định: Đến
năm 2025, tỷ lệ chiếu sáng ngõ, xóm phải đạt từ 75-100% chiều dài đường. Đây
chính là mục tiêu phấn đấu của các địa phương, các ngành, các cấp và các doanh
nghiệp trong giai đoạn tới./.
Yến Tuyết