Thứ bảy, 11/01/2025 | 15:53 GMT+7
Phát triển kinh tế xanh là những hoạt động kinh tế dựa trên các nguyên tắc của phát triển bền vững, không gây tổn hại hoặc giảm thiểu tác động xấu đến môi trường. Ý tưởng phát triển kinh tế xanh được bắt đầu từ thập niên 70 của thế kỷ XX do áp lực từ cuộc khủng hoảng năng lượng 1972, 1973. Hiện nay, cuộc khủng hoảng tài chính – kinh tế đã làm lộ diện khá rõ tính chất thiếu bền vững của hệ thống kinh tế thế giới cũng như mô hình tăng trưởng của nhiều nước, do vậy đã đặt ra yêu cầu ngày càng cấp bách về phát triển kinh tế xanh.
“Năng lượng xanh” ở Đức
Đức là nước xây dựng chiến lược nền kinh tế “năng lượng xanh” đầu tiên trên thế
giới. Theo đó, nước này đang có nhiều nỗ lực để trở thành cường quốc công nghiệp
đầu tiên trên thế giới sử dụng 100% “năng lượng xanh” tái tạo và hướng tới “mục
tiêu xanh” vào năm 2050. Bộ Môi trường Đức đã công bố Bản lộ trình mới phác thảo
tiến trình thực hiện các kế hoạch hướng tới một nền kinh tế sử dụng hoàn toàn
năng lượng tái tạo. Năm 2008, năng lượng tái tạo chiếm 7% tổng lượng tiêu thụ
năng lượng gốc của Đức. Nhưng con số dự đoán sẽ tăng lên 33% vào năm 2020 khi
nước này nhanh chóng vượt lên các quốc gia châu Âu khác trong phát triển năng
lượng tái tạo.
Bản lộ trình của Đức đã nêu nhiều biện pháp, kế hoạch nâng cao hiệu suất năng lượng, trong đó có việc xây dựng mạng lưới “điện thông minh”, giảm tiêu thụ điện năng khoảng 28% trong vòng 20 năm tới, từ 384,5 tỉ kWh năm 2007 xuống 333,3 tỉ kWh vào năm 2020 và 277,7 tỉ kWh vào năm 2030. Thực hiện kế hoạch giảm tiêu thụ năng lượng, nước Đức sẽ tiết kiệm được hàng tỉ USD chi trả cho nhập khẩu năng lượng.
Ước tính đến năm 2030, nước Đức sẽ có tới 50% năng lượng điện tiêu thụ lấy từ nguồn năng lượng tái tạo. Dự báo khoảng 20 năm nữa, một “mạng lưới thông minh” kết nối với toàn bộ mạng lưới điện châu Âu sẽ được thiết lập. Bản lộ trình của Đức đã lên kế hoạch cho biết, đến năm 2020 xe hơi điện sẽ sử dụng pin sạc bằng năng lượng tái tạo, làm giảm nhu cầu về xăng dầu và làm giảm lượng phát thải các loại khí nhà kính. Đức có nhiều tài nguyên năng lượng tái tạo để thực hiện lộ trình “năng lượng xanh”.
Riêng tài nguyên gió ở Đức đã và đang được khai thác tốt nhất. Dọc theo bờ biển phía bắc nước Đức là các bãi tuabin xa bờ khổng lồ có khả năng sản xuất hơn 10.000 MW điện. Bên cạnh đó, năng lượng tái tạo là năng lượng sinh học cũng sẽ đóng góp vai trò quan trọng trong ngành năng lượng quốc gia, nhưng nguồn năng lượng sinh học phụ thuộc vào sự phát triển những loại cây trồng không cạnh tranh với các loại cây lương thực khác. Với rất nhiều các dự án nghiên cứu đang được khởi động, nước Đức được kỳ vọng sẽ có nhiều bước đột phá hơn nữa nhằm trở thành nền kinh tế năng lượng xanh đầu tiên của thế giới.
“Kinh tế xanh” ở Mỹ
Sau khi lên nắm quyền, Tổng thống Obama đã thực hiện các chính sách mới nhằm chấn
hưng nền kinh tế nước Mỹ, trong đó có chiến lược phát triển năng lượng, phát
triển kinh tế xanh, thực hiện chính sách tiết kiệm năng lượng, giảm bớt ô nhiễm
môi trường và thực hiện chính sách tái tạo năng lượng. Tổng thống Obama quyết
tâm đầu tư 150 tỉ USD để thực hiện chính sách “kinh tế xanh” trong 10 năm, nhằm
mục tiêu chấn hưng nền kinh tế, thúc đẩy kinh tế phát triển và tạo thêm 5 triệu
việc làm mới. Hiện chưa thể biết được Tổng thống Obama thành công hay thất bại,
nhưng chính sách này được giới nghiên cứu đánh giá là có sức mạnh để duy trì nền
kinh tế Mỹ ở vị trí hàng đầu thế giới.
Đặc khu “kinh tế xanh” ở Trung Quốc
Trung Quốc (TQ) là nước đông dân nhất thế giới đã xây dựng nhiều đặc khu kinh tế
theo định hướng thị trường. Tuy nhiên, do hầu hết các đặc khu kinh tế này đều
gây ô nhiễm môi trường, nên hiện nay các nhà lãnh đạo TQ đang nỗ lực hướng đất
nước vào quĩ đạo phát triển bền vững, thông qua các đặc khu “kinh tế xanh”.
Chi tiết của sáng kiến trên chưa được công bố đầy đủ, nhưng cơ quan hoạch định chính sách kinh tế hàng đầu của TQ đã kêu gọi đưa ra những bước đột phá mạnh mẽ và sáng tạo trong chiến dịch bảo tồn nguồn năng lượng và bảo vệ môi trường sinh thái. Hai nhóm thành phố thí điểm lần này là nhóm Vũ Hán thuộc tỉnh Hồ Bắc và nhóm Chu Châu thuộc tỉnh Hồ Nam. Nhóm Vũ Hán gồm 9 thành phố, với Vũ Hán – thủ phủ tỉnh Hà Bắc – là trung tâm. Nhóm Chu Châu gồm 3 thành phố thuộc tỉnh Hồ Nam: Trương Sa, Chu Châu và Tương Đàm. Theo các quan chức TQ, những thành phố này được chọn vì phần lớn đều có nền công nghiệp lạc hậu, đã khai thác đến cạn kiệt các tài nguyên thiên nhiên và gây ô nhiễm môi trường. Các thành phố này bị tụt hậu cũng vì kiểu phát triển bất chấp hậu quả.
Sự lựa chọn trên phù hợp với chủ trương của Chính phủ TQ, đó là thúc đẩy tăng trưởng kinh tế các thành phố miền Trung. Lý do là khu vực này vẫn phát triển chậm hơn nhiều so với các tỉnh phía Nam và vùng duyên hải, nơi tăng trưởng kinh tế đang bùng nổ.
“Tăng trưởng xanh” của Hàn Quốc
Hàn Quốc được coi là nước khởi động “cuộc cách mạng xanh” hơi muộn, nhưng chiến
lược “tăng trưởng xanh” của nước này được cho là rất ấn tượng, với 38 tỉ USD
dành cho chiến dịch giảm thiểu CO2 và xanh hóa 9 ngành công nghiệp chủ lực. Hơn
nữa còn tạo gần 1 triệu việc làm mới từ nay đến năm 2012, kích thích khôi phục
kinh tế mà không làm tổn hại môi trường. Theo họ, hiệu quả sử dụng năng lượng
và tính thân thiện với môi trường đang trở thành yếu tố then chốt để tăng cường
ưu thế cạnh tranh.
Chương trình procalsol của Mexico
Chương trình Procalsol (sưởi bằng năng lượng mặt trời) của Mexico ra đã phát triển mạnh. Năm 2007, Mexico đã xuất khẩu lượng sản phẩm pin mặt trời trị giá 2,3 tỉ USD. Chương trình này được triển khai khắp Mexico, dự kiến đến cuối năm 2011 sẽ mang lại 100.000 việc làm mới cho quốc gia này. Với những động thái trên, Mexico hoàn toàn có thể tham gia tốp đi đầu trong nền kinh tế xanh của thế giới.
Như vậy, chiến lược năng lượng mới nhằm tạo lập một nền “kinh tế xanh” hiện không chỉ là giải pháp phát triển bền vững, mà còn là một trong những cứu cánh để tránh thảm họa khôn lường do biến đổi khí hậu gây ra. Theo ông Achim Steiner, Phó tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, Giám đốc UNEP: “Chúng ta cần một cuộc cách mạng xanh trong một nền kinh tế xanh. Chúng ta cần thay đổi không những về cách thức sản xuất lương thực mà còn về cách phân phối, tiêu thụ và tiêu dùng. Chúng ta cần một cuộc cách mạng giúp tăng sản lượng thuận với tự nhiên hơn là trái với tự nhiên”.
Theo Congnghedaukhi.com