Thứ tư, 06/11/2024 | 20:44 GMT+7
Tây Ban Nha có tiềm năng lớn trong việc sản xuất điện Mặt Trời từ các tấm panel đặt trên nóc các chung cư và các tòa nhà thương mại.
Theo nhà phân tích Rupesh Medlani ở Barclays Capital, những tấm pin Mặt Trời đặt trên các nóc nhà có thể làm hồi sinh ngành công nghiệp vốn đang bị chững lại sau khi Tây Ban Nha trở thành nước sản xuất điện từ năng lượng Mặt Trời lớn thứ hai thế giới.
Theo giới phân tích, giá bán lẻ điện được cung cấp từ các tấm panel Mặt Trời cỡ
nhỏ đặt trên các nóc nhà sẽ trở nên cạnh tranh hơn so với nguồn điện được sản
xuất từ các tấm panel lớn được đặt dưới mặt đất. Giá các tấm panel quang điện
đã giảm nhiều trong những năm gần đây, trong khi giá điện bán lẻ tăng đã khiến
điện Mặt Trời trở nên hấp dẫn hơn nhiều.
Năng lượng Mặt Trời hiện thỏa mãn 2% nhu cầu điện của Tây Ban Nha và các nhà sản
xuất cần có sự hỗ trợ để vận hành các nhà máy. Giá điện bán buôn tại nước này
hiện vào khoảng 0,05 EUR/KWh, trong khi giá bán lẻ là 0,17 EUR/KWh và giá điện
sản xuất từ các tấm panel được đặt trên nóc nhà có thể ở dưới mức này vào năm
2016.
Tập đoàn Asif cho rằng năng lượng Mặt Trời có thể giúp đáp ứng nhu cầu điện của
Tây Ban Nha nói chung. Người phát ngôn Tomas Diaz của Asif nói không cần phải
phủ kín panel Mặt Trời trên các nóc nhà mà vấn đề ở chỗ là lắp đặt các tấm
panel như thế nào cho hiệu quả nhất.
“Nhất cử, lưỡng tiện”
Các tấm panel quang điện với khả năng biến ánh sáng Mặt Trời thành dòng điện đã
cung cấp điện trực tiếp cho người tiêu dùng và tránh được thất thoát trong quá
trình truyền tải, vốn chiếm tới 8% sản lượng. Việc đặt các tấm panel lên nóc
nhà thay vì đặt dưới mặt đất cũng góp phần hạn chế việc làm giảm diện tích đất
nông nghiệp vốn đang bị thu hẹp.
Theo báo cáo gần đây của tập đoàn kiểm toán KPMG, việc lắp panel Mặt Trời lên
các nóc nhà ở Tây Ban Nha có thể góp phần giảm mức tiêu thụ điện của các tòa
nhà ở khoảng 60-80%, và các tòa nhà thương mại và công nghiệp 40-60% vào năm
2015.
Tại Đức, nước sản xuất điện Mặt Trời lớn nhất thế giới, hầu hết các tấm pin đều
được lắp trên nóc nhà. Công suất điện Mặt Trời của Đức gấp hơn 4 lần Tây Ban
Nha, mặc dù lượng ánh sáng Mặt Trời chưa bằng 1/3 của Tây Ban Nha.
Giám đốc hãng tư vấn Climate Strategy, Peter Sweatman, cho rằng trong khi các
nước như Đức, Mỹ có thể phát triển mạnh năng lượng Mặt Trời thì không có lý do
gì Tây Ban Nha, với nhiều vùng có nhiều giờ nắng hơn, lại không thành công.
Theo dự báo của Asif, các tấm panel Mặt Trời lắp trên các nóc nhà ở quần đảo
Canary ở phía Nam Tây Ban Nha đã mang lại lợi nhuận, khi đây là khu vực mà việc
tiếp cận điện lưới không thuận lợi và rất tốn kém.
Tương lai rộng mở
Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế, năng lượng Mặt Trời có thể đáp ứng tới 1/4 nhu
cầu điện của thế giới vào năm 2050, song các nhà sản xuất cần được chính phủ hỗ
trợ trước khi thu lợi nhuận. Giá điện Mặt Trời phát vào lưới điện hoặc sử dụng
tại chỗ ở mức cao đã giúp Tây Ban Nha trở thành thị trường điện Mặt Trời lớn nhất
thế giới năm 2008, song đổi lại chính phủ nước này đã phải bỏ ra hàng tỷ Euro.
Năm ngoái, giá bán điện Mặt Trời ở Tây Ban Nha đã giảm 45%.
Ông Daiz nói việc trợ giá 10.000-25.000 nghìn EUR (14.050-35.130 nghìn USD) cho
mỗi tấm panel lắp trên các nóc nhà là đơn giản hơn nhiều so với việc hỗ trợ một
dự án khác. Những người muốn lắp đặt các tấm pin Mặt Trời trên các nóc nhà cần
được cung cấp tín dụng, song sẽ không phải là những khoản lớn. Ông
Sweatmen cho rằng những người sử dụng điện Mặt Trời vào mục đích thương mại và
công nghiệp sẽ dễ dàng nhận được sự hỗ trợ khi lắp đặt. KPMG dự đoán điện Mặt
Trời thương mại sẽ chiếm phần lớn sản lượng quang điện của Tây Ban Nha vào năm
2020 vốn được dự kiến sẽ cao gấp 4-5 lần mức hiện nay.
Theo Tamnhin.net