Thứ bảy, 07/12/2024 | 02:45 GMT+7
Thành phố công nghiệp phía bắc Baotou gần như không có cây xanh, nằm ở vùng Nội Mông cách tây bắc Bắc Kinh khoảng 650km. Càng đi lên phía bắc, phong cảnh càng buồn tẻ, hiu quạnh với nhiều đồi trọc, đường sá đầy bụi và gió rét căm căm. Nhưng đây lại là một khu vực đầy hấp dẫn đối với những nhà sản xuất điện gió. Hiện ở đây đang mọc lên hàng loạt máy điện gió.
Nhà máy điện gió Zhangze ở tỉnh Shanxi hiện có 33 turbin với công suất lên tới 50 megawatt (MW), đủ để cung cấp điện cho khoảng 40.000 hộ gia đình. Nhà quản lý Guo Juyang cho hay, tới đây công suất sẽ được nâng lên 200 MW.
Chính phủ Trung Quốc đề ra nhiều chính sách hỗ trợ ngành
năng lượng điện gió như nhà sản xuất không phải trả tiền thuê đất và nhà nước
có kế hoạch cung cấp điện sạch trên cả nước. Đây là một chính sách quan trọng trong
phát triển nguồn năng lượng sạch. Hiện nay, bình quân một tuần ở Trung Quốc có
một nhà máy nhiệt điện mới được đưa vào hoạt động.
Bắc Kinh muốn từ nay đến năm 2020 đẩy mạnh hơn nữa phát triển
năng lượng hạt nhân và năng lượng tái tạo: nâng sản lượng điện nguyên tử từ 9
lên 86 gigawatt (GW), thủy điện từ 196 lên 300 GW, năng lượng gió từ 16 lên 150
GW, điện mặt trời từ dưới 1 lên 20 GW.
Trung Quốc chủ trương trong 10 năm tới giảm tỉ trọng của các
nhà máy nhiệt điện từ 74% xuống còn 61% để hạn chế tiêu thụ nguồn nhiêu liệu
than đá đang dần trở nên khan hiếm. Để làm được điều này thì chính quyền Bắc
Kinh trong kế hoạch 5 năm tới, bắt đầu từ năm 2011, phải đầu tư trên 540 tỉ
euro cho năng lượng tái sinh.
Sự vươn lên mạnh mẽ của năng lượng xanh ở Trung Quốc thu hút
hàng loạt nhà đầu tư. Riêng trong quý II năm nay, các ngân hàng quốc tế, các
hãng bảo hiểm, dự định đầu tư 11,5 tỉ USD vào các nhà máy điện sinh thái và các
cơ sở sản xuất nhiên liệu sinh học ở Trung Quốc. Đây là lần đầu tiên khoản đầu
tư này nhiều hơn khoản đầu tư vào thị trường xanh hàng đầu thế giới là Mỹ và
châu Âu.
Sau khi Trung Quốc giành được vị trí số 1 thế giới về công
nghiệp sản xuất năng lượng mặt trời, Chính phủ Trung Quốc lại muốn đưa ngành
công nghiệp gió lên vị trí hàng đầu thế giới. Cho đến lúc này, các doanh
nghiệp điện gió Mỹ và châu Âu vẫn đang đi trước một bước. Mặt khác, Trung Quốc
muốn kìm hãm mức độ tàn phá môi trường ghê gớm do khai thác nguồn tài nguyên để
sản xuất điện. Sự tàn phá môi trường để lại những hệ lụy khủng khiếp.
Theo nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới, ô nhiễm không khí, ô nhiễm đất, nguồn nước khiến khoảng 750.000 người chết vì viêm phổi, viêm phế quản và ung thư phổi, gây tổn thất từ 5 đến 8% năng lực kinh tế của nước này.
Các hãng chế tạo thiết bị điện gió Trung Quốc như Goldwind,
Sinovel hay các hãng chuyên sản xuất thiết bị điện mặt trời như Suntech,
Yingli và JA hiện đã đứng trong hàng ngũ các "ông lớn". Nhờ nhận được
các đơn hàng cỡ tiền tỉ từ thị trường nội địa nên các doanh nghiệp
Trung Quốc càng có sức cạnh tranh lớn hơn và họ có thể tấn công vào sân các đối
thủ cạnh tranh nước ngoài.
Các doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có các doanh nghiệp Mỹ
và châu Âu thường gặp nhiều khó khăn khi muốn tham gia đấu thầu ở Trung Quốc. Họ
thường bị gạt thẳng thừng vì mắc mớ về thủ tục. Các doanh nghiệp này từng hy vọng
sẽ thu được lợi nhờ sự bùng nổ điện gió ở Trung Quốc. Riêng trong năm 2010,
Trung Quốc đã lắp đặt các cơ sở điện gió với tổng công suất trên 9 GW, tương
đương với công suất của 9 nhà máy nhiệt điện cỡ lớn.
Ông Steve Sawyer, Tổng thư ký Hội đồng Năng lượng gió Global
Wind Energy Council nói: "Chỉ trong vòng vài năm, Trung Quốc đã trở thành
thị trường lớn nhất về năng lượng gió và đã vượt nước Đức".
Với mong muốn kiếm được những đơn đặt hàng cỡ lớn, nhiều
hãng chế tạo quạt gió như Vestas của Đan Mạch hay Nordex và Repower của Đức
đã tham gia xây dựng các nhà máy ở Trung Quốc. Nhưng cuối cùng các doanh nghiệp
cung cấp trang thiết bị của Trung Quốc lại chiếm được 80% đơn hàng. Giá sản phẩm
của các hãng này rẻ hơn từ 20 đến 30% trong khi chất lượng sản phẩm của
nhà chế tạo hàng đầu như Goldwind cũng tương đương tiêu chuẩn châu Âu.
Goldwind là một ví dụ điển hình về chiến lược phát triển của các hãng chế tạo Trung Quốc đối với các loại công nghệ tương lai. Hiện nay, Goldwind có 8 nhà máy ở Trung Quốc và có nhiều nghiên cứu cải tiến công suất quạt gió để vươn ra thế giới.
Với lợi thế sân nhà, một loạt hãng chế tạo của Trung Quốc như Sinovel, Dongfang hay United Power đang chuẩn bị một cách có hệ thống cho những bước tiếp theo để chiếm lĩnh thị trường thế giới. Các chuyên gia của Investmentbank Goldman Sachs đánh giá: khoảng cách về chất lượng giữa các turbin của Trung Quốc và của nước ngoài đang dần thu hẹp lại". Theo dự báo thì không lâu nữa Trung Quốc sẽ đẩy mạnh xuất khẩu.
Hãng Goldwind phấn đấu chậm nhất trong 5 năm tới đưa doanh
thu ở thị trường nước ngoài lên 30%, đồng thời thực hiện sản xuất tại nước
ngoài. Việc vận chuyển các thiết bị nặng, cồng kềnh bằng đường biển rất tốn
kém, vì vậy nhà chế tạo Trung Quốc chủ trương xây dựng nhà máy của mình ngay
trên đất Mỹ và châu Âu. Goldwind đã thực hiện bước đi đầu tiên.
Cách đây 2 năm, họ đã thôn tính hãng chế tạo Vensys ở Neunkirchen của Đức. Mới đây, Goldwind đã xây cất xong nhà xưởng, chuẩn bị sản xuất turbin để tiêu thụ trên thị trường Đức. Các hãng Trung Quốc thực hiện chiến lược kép, một mặt thông qua mua bản quyền và liên doanh với các doanh nghiệp điện gió của phương Tây để thu hút chất xám, mặt khác Bắc Kinh cung cấp tín dụng giá rẻ giúp doanh nghiệp của họ phát triển đồng thời bảo hộ thị trường nội địa của mình.
Trong lĩnh vực điện mặt trời, từ lâu người Trung Quốc đã
ngang tầm với các đối thủ cạnh tranh phương Tây. Theo nhà nghiên cứu Hummel của
HTW thì người Trung Quốc đã thành công ngoạn mục trên thị trường quang điện.
Các doanh nghiệp của Trung Quốc như Suntech ở Wuxi gần Thượng Hải hay
Yingli ở Baoding bán sản phẩm của họ có chất lượng tương đương với châu Âu
nhưng với giá thấp hơn 20% so với đối thủ Đức. Chi phí sản xuất các modul ở các
nhà máy hàng đầu Trung Quốc rẻ hơn 50%. Chính vì thế, nhu cầu đối với sản phẩm
của Trung Quốc ngày càng lớn.
Các nhà phân tích của Goldman Sachs cho rằng, đến cuối
năm nay các hãng chế tạo của Trung Quốc sẽ chiếm lĩnh 65% thị phần thế giới
về Fotovoltaik - năm 2009 tỷ lệ này mới đạt 50%. Với đà phát triển này, sắp tới
đây các hãng sản xuất ở các nước khác chỉ còn đóng vai trò thứ yếu.
Suntech Power là nhà chế tạo tấm pin mặt trời lớn nhất của
Trung Quốc và đứng hàng thứ hai thế giới sau First Solar của Mỹ. Để có thể cung
cấp cho thị trường Mỹ và châu Âu những sản phẩm hảo hạng, nhà sáng lập đồng thời
là Chủ tịch HĐQT Shi Zhengrong đặc biệt quan tâm đến việc mua chất xám của nước
ngoài.
Năm 2006, ông đã mua đối thủ cạnh tranh MSK của Nhật Bản với
giá 200 triệu USD. Người Nhật khi đó đã phát triển một giải pháp làm cho
tế bào pin mặt trời trở thành vô hình trên những tấm kính che chắn mặt tiền. Cạnh
đó, Suntech Power đã nhanh chóng nâng cao năng lực sản xuất và liên tục cải tiến
công nghệ của mình.
Tại trụ sở chính ở Wuxi, Suntech Power vận hành 4 nhà máy, ông Shi có một trung tâm nghiên cứu và phát triển rất đồ sộ, hàng năm hãng đầu tư 30 triệu USD cho công tác nghiên cứu. Nhờ đó năm 2010, mặt hàng Solarmodule đã đem lại cho Suntech Power 1,7 tỉ USD. Trên 95% doanh thu của doanh nghiệp thu được từ bên ngoài Trung Quốc, trong đó gần 40% tại thị trường Đức.
Theo Tuần Kinh tế