Chủ nhật, 22/12/2024 | 19:18 GMT+7
Trong buổi làm việc ngày 27/4/2011 với các bộ, ngành, các tập đoàn liên quan nhằm góp ý cho dự thảo Quyết định cơ chế hỗ trợ phát triển điện gió tại Việt Nam, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu Bộ Công Thương, cơ quan đầu mối lập dự thảo sớm phối hợp lấy ý kiến của các bộ, ngành để trình Chính phủ ngay đầu tháng 5 tới.
Bộ Công Thương cho biết, hiện cả nước có 21 dự án điện gió quy mô nối lưới phổ biến công suất 30 MW đang được nghiên cứu triển khai tập trung ở Bình Thuận, Ninh Thuận, Bình Định và Lâm Đồng - những địa phương có tiềm năng điện gió với công suất thiết kế khoảng trên 2.000 MW.
Đầu tư điện gió ở Việt Nam chưa phát triển do gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là
suất đầu tư cao, mức dao động lớn. Cao nhất là 2,77 triệu USD/MW, thấp nhất là
1,77 triệu USD/MW và trung bình là 2,2 triệu USD/MW.
Dự thảo cơ chế hỗ trợ phát triển điện gió tại Việt Nam (lần thứ tư) đã làm rõ
hơn những cơ chế ưu đãi tạo điều kiện cho nhà đầu tư để triển khai các dự án điện
gió tại Việt Nam, như quy định về trách nhiệm mua điện đối với các dự án điện
gió, ưu đãi về vốn đầu tư, thuế, phí, ưu đãi về hạ tầng đất đai, hỗ trợ giá điện
đối với dự án điện gió.
Theo Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam Đinh Quang Tri, việc ban hành
chính sách sớm sẽ góp phần giải quyết một phần tình trạng thiếu điện hiện nay,
bởi việc đầu tư các dự án điện gió nhanh. Hơn nữa việc thu hút nguồn vốn đầu tư
cũng khá thuận lợi, vì qua làm việc với các đối tác, ngân hàng đều quan tâm và
ưu tiên việc hỗ trợ đầu tư các dự án năng lượng tái tạo.
Tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu Bộ Công Thương, cơ
quan đầu mối lập dự thảo sớm phối hợp lấy ý kiến của các bộ, ngành để trình
Chính phủ ngay đầu tháng 5 tới.