Thứ bảy, 23/11/2024 | 12:21 GMT+7
Mức tiêu thụ năng lượng của Pháp đã tăng 7% và ở châu Âu chỉ có Đan Mạch và Ai-len có tỷ lệ tiêu thụ năng lượng trên một đơn vị GDP thấp hơn Anh. Theo báo cáo của Ủy ban Năng lượng EU, Anh là một trong những thành viên có hiệu suất sử dụng năng lượng cao nhất châu Âu.
Anh là nước duy nhất ở Châu Âu đã giảm mức tiêu thụ năng lượng, giảm hơn 5% từ năm 2000 tới năm 2008. Mức tiêu thụ năng lượng của Đức không đổi, trong khi mức tiêu thụ của Pháp tăng 7%. Nhìn chung, mức tiêu thụ năng lượng ở 27 nước thuộc EU đã tăng hơn 4%.
Theo bản báo cáo dự thảo, Anh có cường độ sử dụng năng lượng rất thấp (chỉ cao hơn Đan Mạch và Ai-len). Cường độ sử dụng năng lượng cho biết để tạo ra một đồng euro sản lượng kinh tế thì cần dùng bao nhiêu năng lượng, chỉ số này càng thấp chứng tỏ việc sử dụng năng lượng càng hiệu quả. Xét trong cả EU thì cường độ sử dụng năng lượng đã giảm 10% trong vòng 8 năm.
Bản báo cáo dự thảo là một phần trong chiến lược nâng cao hiệu suất năng lượng của EU, chi tiết của chiến lược sẽ được đưa ra trong tuần tới. Ông Günther Oettinger sẽ kêu gọi chính phủ các nước nhanh chóng hành động để đạt được mục tiêu nâng hiệu suất sử dụng năng lượng của EU thêm 20% vào năm 2020.
Ủy ban cũng ước tính kế hoạch này sẽ góp phần tạo ra khoảng 2 triệu việc làm. Nhiều người đang mong đợi ông Günther Oettinger, Ủy viên năng lượng Châu Âu sẽ khuyến nghị từng thành viên đưa ra các mục tiêu hiệu suất năng lượng riêng, phù hợp với nền kinh tế mỗi nước. Một số các nước thành viên ở Đông Âu đã rất thành công trong việc sử dụng năng lượng hiệu quả trong những năm gần đây.Tuy nhiên, những nước này vẫn còn rất nhiều cơ hội để nâng cao hiệu suất sử dụng năng lượng với chi phí thấp hơn so với những nền kinh tế ở Tây Âu.
Thời gian đưa ra bản báo cáo hiệu suất sử dụng năng lượng đã được lên kế hoạch cẩn thận. Ủy viên về vấn đề thay đổi khí hậu của EU sẽ đưa ra lộ trình tới năm 2050 để EU có thể cắt giảm ít nhất 80% khí thải gây hiệu ứng nhà kính, phù hợp với những cam kết quốc tế.
Lộ trình này đang gây ra nhiều tranh cãi do sự mâu thuẫn ngày càng sâu sắc giữa Ủy viên Năng lượng EU và một nhóm các nước muốn đặt mục tiêu cắt giảm khí thải cao hơn, từ mục tiêu 20% hiện tại lên 30%. Ông Oettinge phản đối ý kiến của những nước này, cho rằng điều đó sẽ ảnh hưởng lớn tới nền công nghiệp của EU. Chris Huhne, Bộ trưởng Năng lượng và Biến đổi khí hậu Anh đang đi đầu trong việc kêu gọi nâng mục tiêu cắt giảm khí thải, với sự ủng hộ của các tập đoàn lớn như BSkyB, Vodafone and Marks & Spencer.
Theo như lộ trình, nếu mục tiêu hiệu suất năng lượng hiện nay có thể hoàn thành, thì trong mọi trường hợp lượng khí thải của EU sẽ giảm 25% vào năm 2020. Điều đó có nghĩa là việc cắt giảm khí thải 30% vào năm 2020 sẽ mang lại hiệu quả chi phí hơn và giữ một mục tiêu thấp.
Kim Anh (theo guardian.co.uk)