Thứ bảy, 23/11/2024 | 12:03 GMT+7
Theo bộ trưởng Môi trường Pháp Nathalie Kosciusko-Morizet, năm ngoái, số lượng nhập khẩu pin mặt trời của Pháp tăng gấp đôi. Đó là do các nhà phát triển ở nước này đã nhập vào số lượng lớn pin mặt trời từ các nhà sản xuất nước ngoài và gần như phụ thuộc vào họ.
Các số liệu của hải quan Pháp cho thấy thâm hụt về hoạt động nhập khẩu pin mặt trời đã tăng từ 800 triệu euro năm 2008 tới 1.5 tỉ euro năm 2010.
Bà Kosciusko-Morizet nói: “Chúng ta không thể bỏ qua vấn đề này. Khung pháp lí mới của chúng ta buộc phải đem lại lợi ích cho nền công nghiệp Pháp”.
Tháng 9 vừa qua, Pháp đã tạm dừng các dự án pin mặt trời trong 3 tháng để nghiên cứu vấn đề đo lường và cắt giảm những trợ cấp có thể, nhằm hạn chế sự phát triển của nó trong ngành công nghiệp sau một thời gian lắp đặt quá nhiều pin mặt trời mà chủ yếu từ Trung Quốc. Việc tạm dừng được áp dụng cho dự án với công suất lớn hơn 3 kilowatt, đủ để cung cấp cho một hộ gia đình.
Theo thông tin từ bộ trưởng công nghiệp Pháp Eric Besson, bản báo cáo phát triển năng lượng mặt trời sẽ được nộp cho chính phủ vào ngày 11.2, và sau đó, luật mới sẽ được công bố. Bộ luật mới này sẽ “có tính ổn định và lâu dài”.
Thủ tướng Pháp Francos Fillon cũng công bố quyết định ngừng những thứ mà ông gọi là “hiểu biết hời hợt” về công nghiệp năng lượng quang điện, tạo điều kiện cho chính phủ có thêm thời gian để ban hành bộ luật mới.
Theo ông Robert Gillette, chủ tịch hội đồng quản trị công ty Mỹ , dự án xây dựng nhà máy pin mặt trời công suất 120 kilowatt tại Blanquefort (Pháp) của tập đoàn First Solar và EDF Energies Nouvelles SA (chuyên trách mảng năng lượng tái tạo của Electricite de France SA) sẽ tiếp tục bị tạm dừng.
“Để thu hút và giữ chân các nhà đầu tư, Pháp cần phải có một khung pháp lí ổn định, đem lại lợi ích cho những người có cống hiến cho việc tạo ra công ăn việc làm tại địa phương. Chúng ta vẫn hi vọng vào một tương lai mà mọi người đều đồng lòng ủng hộ thị trường quang điện bền vững tại Pháp”.
Bà Kosciusko-Morizet cho biết một trong những biện pháp mà Pháp có thể sẽ sử dụng là tăng cường sự phát triển của hệ thống pin mặt trời lắp đặt tập trung trên mái.
Công suất sản xuất năng lượng mặt trời của Pháp đã tăng lên trong khi chi phí lại giảm xuống và thuế mà EDF SA phải trả cho loại năng lượng vẫn duy trì ở mức khá cao. Theo cơ quan quản lí năng lượng, công suất được kì vọng là sẽ tăng lên khoảng 2,150 megawatt tới cuối năm 2011.
“Việc tạm dừng này đã tác động mạnh mẽ vào tâm lí và kinh tế của nhiều công ty”. Theo ý kiến của ông Andre Antolini, chủ tịch hiệp hội các ngành công nghiệp năng lượng Pháp Syndicat des Energies Renouvelables, “nên nhẹ tay hơn với các dự án đã hoàn tất đăng ký thực hiện”.
Chính phủ nên có những bảo đảm về thuế FiT cho các ngành công nghiệp năng lượng trước khi quyết định đầu tư, trong khi đó nền công nghiệp Pháp cũng cần có những sản phẩm của riêng mình. Chi phí dành cho các thiết bị năng lượng mặt trời đã giảm khoảng 2/3 trong vòng 3 năm trở lại đây.
Ông Jean-Michel Charpin, kiểm toán viên chính phủ, người đang thực hiện báo cáo về nền công nghiệp này cho biết: “Pháp không phải là quốc gia duy nhất thường xuyên thay đổi chính sách về năng lượng mặt trời. Rõ ràng là việc quản lí thuế FiT còn khó khăn khi số lượng cần thiết còn khá nhiều”.
“Chính phủ và những nhà quản lí sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc duy trì lợi nhuận cho ngành công nghiệp năng lượng mặt trời. Nhưng tín hiệu đáng mừng là tới tháng 3, chúng ta sẽ có một khung pháp lí mang tính lâu dài”.
Lê My (theo Bloomberg.com)