Thứ năm, 07/11/2024 | 02:34 GMT+7
Trong buổi khai mạc Diễn đàn Đầu tư và Hợp tác kinh doanh Việt Nam – Tây Ban Nha diễn ra ngày 23-11, ông Fernando Salazar cho biết thêm: “Nói như thành ngữ Việt Nam là, chúng tôi (Tây Ban Nha) không muốn trở thành 'trâu chậm uống nước đục' khi vào đầu tư tại Việt Nam”.
Diễn đàn Đầu tư và Hợp tác kinh doanh Việt Nam – Tây Ban Nha diễn ra từ ngày 23 đến 24-11 tại khách sạn Caravelle (TP.HCM). Dự kiến, trong hai ngày 26 công ty Tây Ban Nha sẽ gặp khoảng 150 công ty Việt Nam, với khoảng 200 cuộc họp song phương.
“Đã đến lúc các doanh nghiệp của Tây Ban Nha tăng cường đầu tư vào Việt Nam. Chúng tôi không thể đợi thêm được nữa”, ông Fernando Salazar, giám đốc điều hành của Viện ngoại thương Tây Ban Nha (ICEX) cho biết.
Ông Fernando Salazar đang cùng 26 công ty Tây Ban Nha đến tìm cơ hội đầu tư tại Việt Nam. Nhiều trong số các công ty Tây Ban Nha muốn tiến hành sản xuất hàng hoá tại Việt Nam, như may mặc, giầy dép, vật liệu xây dựng, linh kiện ô tô.
Ngoài ra, trong đó cũng có nhiều công ty trong lĩnh vực xây dựng, năng luợng, xử lý thải,… Các công ty này được ICEX lựa chọn dựa trên cam kết và kế hoạch đầu tư của họ vào Việt Nam.
Theo ông Fernando Salazar, có nhiều lý do để Việt Nam thu hút các nhà đầu tư Tây Ban Nha, như việc Việt Nam xem đầu tư nước ngoài là ưu tiên để thúc đẩy kinh tế, tập trung phát triển cơ sở hạ tầng và ký hiệp định thương mại tự do với nhiều nước.
Tây Ban Nha đã đầu tư tại nhiều nước ở Mỹ La Tinh, Bắc Phi, Đông Âu trong nhiều năm qua và có chuyên môn trong một số lĩnh vực, như cơ sở hạ tầng, năng lượng sạch và logistics. Hiện nước này bắt đầu tăng cường đầu tư vào châu Á và Trung Đông.
Doanh nghiệp Tây Ban Nha được biết đến với khả năng cạnh
tranh cao trong các lĩnh vực hợp tác công tư và biết tận dụng lợi thế am hiểu
thị trường của các công ty địa phương ở các nước.
Bà Nguyễn Thị Bích Vân, Phó cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, cho Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online biết, doanh nghiệp Tây Ban Nha có thế mạnh về cung cấp thiết bị, do đó Việt Nam khuyến khích họ tham gia các dự án cung cấp thiết bị chuyên ngành công nghệ cao.
Bà Vân cũng cho biết thêm: “Tây Ban Nha hiện cũng chỉ mới đầu tư ở những lĩnh vực nhỏ lẻ mang tính sử dụng nhiều nhân công tại Việt Nam. Qua những cuộc cung cấp thông tin và trao đổi như thế này sẽ có nhiều nhà đầu tư Tây Ban Nha quan tâm nhiều hơn đến các dự án lớn cơ sở hạ tầng và các dự án sản xuất các thiết bị hiện đại”.
Theo Bộ Kế hoạch và đầu tư, tính đến ngày 30-10-2010, Tây Ban Nha xếp vị trí thứ 58/93 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư vào Việt Nam, hiện 17 dự án vẫn còn hiệu lực với tổng số vốn đăng ký đầu tư hơn 21 triệu đô la Mỹ trong các lĩnh vực sản xuất, chế tạo công nghiệp và sản xuất vật liệu xây dựng.
Các lĩnh vực tiềm năng Tây Ban Nha có thể đầu tư vào Việt Nam trong thời gian tới là năng lượng sạch, cơ sở hạ tầng kỹ thuật và chế biến thực phẩm.
Thương mại song phương Việt Nam – Tây Ban Nha trung bình tăng 20%/năm và đạt 1,1 tỷ đô la Mỹ trong năm 2009. Hiện Tây Ban Nha là nhà nhập khẩu lớn thứ 7 của Việt Nam.
Theo TBKTSG