Thứ sáu, 22/11/2024 | 02:14 GMT+7

Đề xuất dán "Nhãn năng lượng" với ô tô 9 chỗ

09/03/2016

Dán nhãn năng lượng nhằm công khai, minh bạch mức tiêu thụ nhiêu liệu của từng loại xe để người dân lựa chọn.

Dán nhãn năng lượng nhằm công khai, minh bạch mức tiêu thụ nhiêu liệu của từng loại xe để người dân lựa chọn.

Hầu hết các doanh nghiệp tại Hà Nội đều dán nhãn năng lượng trên kính

Cục Đăng kiểm Việt Nam (VR) vừa tổng kết 1 năm thực hiện Thông tư số 43 của liên Bộ GTVT và Bộ Công thương quy định về dán nhãn năng lượng đối với xe ô tô con loại từ 7 chỗ trở xuống, có hiệu lực thi hành từ 1/1/2015. Theo thông tư, trên kính xe (nhập khẩu, sản xuất, lắp ráp) trước khi bán ra thị trường phải có nhãn chứa đựng thông tin này về tiêu thụ nhiên liệu.

Sau 1 năm thực hiện, VR đã đánh giá, cấp chứng nhận mức tiêu thụ nhiên liệu cho 430 kiểu loại xe (271 kiểu loại xe nhập khẩu và 159 kiểu loại sản xuất, lắp ráp trong nước). Thông tin cụ thể về mức tiêu thụ nhiên liệu của từng kiểu loại xe được đăng tải trên trang điện tử của VR.

VR đã kiểm tra 24 cửa hàng, khu vực trưng bày xe tại Hà Nội và ghi nhận các xe đều dán nhãn năng lượng trên kính. Tuy nhiên, vẫn còn một số doanh nghiệp chưa cập nhật thông tin về tiêu thụ nhiên liệu trong tài liệu giới thiệu xe hoặc trang điện tử của doanh nghiệp; hoặc thông số không phù hợp với thông tin trên nhãn năng lượng. Tới đây, VR sẽ kiểm tra, siết chặt việc thực hiện theo thông  tư.

Mẫu nhãn năng lượng do doanh nghiệp tự công bố được dán trên xe ô tô từ 7 chỗ ngồi trở xuống, thể hiện mức độ tiêu thụ nhiên liệu

Ông Nguyễn Văn Phương, Phó trưởng phòng Chất lượng xe cơ giới của VR cho biết, việc dán nhãn năng lượng đã tạo ra sự công khai, minh bạch mức tiêu thụ nhiêu liệu của từng loại xe trên thị trường để người dân so sánh, lựa chọn và góp phần nâng nhận thức xã hội về sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả.

Ông Đoàn Trần Thái, đại diện Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô VN (WAMA) cũng cho biết, thông qua việc so sánh mức tiêu thụ năng lượng, khách hàng có xu hướng chọn xe tiêu thụ ít nhiên liệu hơn và điều này sẽ tạo ra sự chạy đua, cạnh tranh giữa các nhà sản xuất.

Đề cập vấn đề thử nghiệm và chi phí thử nghiệm mức tiêu thụ nhiên liệu (để cho công bố trên nhãn năng lượng), ông Phương khẳng định không có chuyện mỗi chiếc xe phải chi phí thêm 16 triệu đồng. “Vừa qua có bài báo nói rằng khi mỗi xe khi xuất xưởng phải trả thêm 16 triệu phí thử nghiệm. Điều này hoàn toàn không đúng. Bởi Giấy chứng nhận là cho kiểu loại xe. Khi thử nghiệm tiêu thụ nhiên liệu kết hợp với thử nghiệm nhiên liệu với khí thải, nên chỉ phải trả một lần tiền. Có khi một mẫu xe sản xuất tới 20.000 chiếc, nên nếu “chia thô”, có khi chỉ 2.000 đồng/xe, rất là thấp”, ông Phương nói.

Tại hội nghị VR và WAMA cùng đề xuất sửa đổi Thông tư 43 theo hướng mở rộng phạm vi áp dụng dán nhãn năng lượng đối với xe ôtô từ 9 chỗ ngồi trở xuống để phù hợp với quy định quốc tế về phân loại xe. Bởi lẽ nhiều nước quy định loại xe 8 chỗ, trong khi Việt Nam chỉ quy định 7 chỗ, 9 chỗ…

Ngoài ra, Cục Đăng kiểm VN cũng đề nghị xem xét mở rộng dán nhãn năng lượng cho các loại phương tiện khác theo một lộ trình phù hợp, nhằm tăng hiệu quả sử dụng năng lượng tiết kiệm và giảm ô nhiễm môi trường.

Theo Báo Giao Thông