Thứ sáu, 01/11/2024 | 23:26 GMT+7

7289 mẫu sản phẩm được dán nhãn năng lượng

18/05/2015

Hết năm 2014, chương trình tiêu chuẩn và nhãn hiệu suất năng lượng (VEESL) tại Việt Nam đã dán nhãn năng lượng cho 15 chủng loại với 7.289 mẫu sản phẩm.

Sáng 18-5 tại Hà Nội, đã diễn ra "Hội thảo Tổng kết chương trình tiêu chuẩn và nhãn hiệu suất năng lượng (VEESL) tại Việt Nam". Dự án được triển khai bởi Bộ Công Thương từ năm 2012 với sự tài trợ của Chính phủ Australia. Australia được biết đến là quốc gia tiên phong, có nhiều kinh nghiệm trong việc thực hiện chương trình dán nhãn năng lượng và đưa ra các tiêu chuẩn về hiệu suất năng lượng.

Phát biểu tại Hội thảo, ông Layton Pike, Phó đại sứ - Đại sứ quán Australia tại Việt Nam nhận định, sự tăng trưởng kinh tế khiến Việt Nam phải sử dụng nhiều năng lượng hơn trong giao thông vận tải, trong công nghiệp và phát triển đô thị. Điều này đẩy Việt Nam đối mặt với những vấn đề như: phát triển không bền vững, cạn kiệt nguồn năng lượng và ô nhiễm môi trường.

Ông Layton Pike, Phó đại sứ Đại sứ quán Australia tại Việt Nam

Chính phủ Việt Nam đã nhận ra những thách thức nói trên và có nhiều chính sách để khắc phục. Trong đó, việc thúc đẩy các chính sách về hiệu suất năng lượng và dán nhãn năng lượng là một trong những nỗ lực đáng kể.

Ngoài ra, ông Layton Pike còn chỉ ra tầm quan trọng của hiệu suất năng lượng đối với sự phát triển của Việt Nam: “Hiệu suất năng lượng là yếu tố then chốt góp phần phát triển kinh tế, giảm đói nghèo, giảm chi phí sử dụng điện năng cho các hộ gia đình, thúc đẩy phát triển mạng lưới điện. Đồng thời, làm tăng khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp và bảo vệ người tiêu dùng khỏi những sản phẩm kém chất lượng”.

Đánh giá về tầm quan trọng của dự án, ông Trịnh Quốc Vũ, Vụ trưởng Vụ khoa học công nghệ và Tiết kiệm năng lượng, Bộ Công Thương cho biết, tính đến hết năm 2014, dự án đã hỗ trợ dán nhãn năng lượng cho 15 chủng loại với 7.289 mẫu sản phẩm. Bên cạnh đó, dự án cũng góp phần nâng cao năng lực cho các phòng thử nghiệm, thúc đẩy hoạt động dán nhãn năng lượng trực tuyến và khuyến khích người tiêu dùng lựa chọn các thiết bị gia dụng có hiệu suất năng lượng cao.

Ông Trịnh Quốc Vũ, Vụ trưởng Vụ khoa học công nghệ và Tiết kiệm năng lượng

Nghiên cứu của dự án VEESL chỉ ra rằng, nhu cầu sử dụng điện của Việt  Nam sẽ tăng gấp 4 lần vào năm 2030. Trong đó, mức tiêu thụ điện năng tại các hộ gia đình sẽ tăng trung bình 10% mỗi năm, tập trung vào việc sử dụng các thiết bị gia dụng như: điều hòa, tủ lạnh, TV, thiết bị đun nước và thiết bị chiếu sáng.                      

Ước tính đến năm 2030, sử dụng các thiết bị có hiệu suất năng lượng cao và dán nhãn năng lượng sẽ giúp Việt Nam tiết kiệm được 68 nghìn GWh điện, tương đương tiết kiệm 100 ngàn tỷ đồng. Với khoảng 25 triệu hộ gia đình vào năm 2030, tính trung bình, mỗi hộ gia đình sẽ tiết kiệm được khoảng 400 ngàn đồng tiền điện mỗi năm.

Chia sẻ về việc thúc đẩy các hoạt động về tiêu chuẩn hiệu suất năng lượng và nhãn năng lượng trong thời gian sắp tới, ông Đặng Hải Dũng – Vụ phó Vụ Khoa học công nghệ và tiết kiệm năng lượng cho biết sẽ đề xuất dán thêm nhãn năng lượng cho thiết bị sạc (adapter). Đồng thời, xây dựng thử nghiệm hệ thống chia sẻ mẫu phiếu thử nghiệm đối với hoạt động dán nhãn năng lượng trực tuyến.

Trong chiều ngày 18 và sáng ngày 19, hội thảo sẽ tiếp tục ghi nhận những báo cáo và thảo luận về các Trung tâm thử nghiệm và hệ thống đăng ký dán nhãn năng lượng trực tuyến. 

Minh Trang - Mai Lan