Thứ sáu, 01/11/2024 | 23:26 GMT+7
Hơn 1 năm thực hiện dán nhãn năng lượng cho các thiết bị gia dụng, đến nay, các sản phẩm tiêu thụ điện được dán nhãn năng lượng ngày càng trở nên phổ biến và được người tiêu dùng tin tưởng lựa chọn. Theo Bộ Công Thương, năm 2015 – năm cuối cùng thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm, hoạt động này sẽ đi vào chiều sâu hơn.
Thiết bị dán nhãn được ưa chuộng
Dạo một vòng quanh các siêu thị điện máy lớn của Hà Nội, có thể nhận thấy sự đa dạng của các sản phẩm tiêu thụ điện được dán nhãn năng lượng, từ tivi, điều hòa, máy giặt, đến quạt điện, nồi cơm điện của hầu hết các thương hiệu lớn như Panasonic, LG, Daikin, Mitsubishi…
Chọn một chiếc máy giặt được dán nhãn năng lượng ở mức cao nhất (5 sao), chị Nga (Thái Hà – Hà Nội) cho biết, trước đây, khi đi mua đồ điện, tôi không phân biệt được đâu là thiết bị tiết kiệm điện. Muốn mua một thiết bị tiết kiệm điện, hoặc là nghe người giới thiệu đây là thiết bị có inverter, hoặc xem quảng cáo. Bây giờ, chỉ nhìn số lượng sao là có thể biết được đâu là thiết bị hiệu suất cao nên rất thuận tiện.
Những người như chị Nga bây giờ không hiếm, bởi lẽ các thiết bị sử dụng năng lượng tiết kiệm đang ngày càng trở thành xu hướng tiêu dùng trong giai đoạn hiện nay, đặc biệt trong hoàn cảnh giá năng lượng đang không ngừng tăng lên. Nắm bắt được nhu cầu đó, các thiết bị sử dụng điện được dán nhãn năng lượng đã và đang được bày bán ngày càng nhiều tại các siêu thị điện máy lớn.
Bắt đầu từ ngày 1/7/2013, một số sản phẩm thuộc nhóm thiết bị gia dụng đã bắt buộc thực hiện dán nhãn năng lượng khi tiêu thụ trên thị trường. Tiếp đến thời điểm 1/1/2014 lộ trình dán nhãn năng lượng bắt buộc được thực hiện đối với tủ lạnh, máy giặt lồng ngang và máy thu hình. Từ ngày 1-1-2015, nhóm phương tiện giao thông vận tải gồm xe ô tô con từ 7 chỗ trở xuống cũng phải dán nhãn năng lượng bắt buộc. Theo thông tin từ Cục Đăng kiểm Việt nam, hiện đã có 88/95 bộ hồ sơ về nhãn năng lượng của các kiểu loại xe được 9 doanh nghiệp gồm Toyota, Hyundai, Honda, Suzuki, Ford, Nissan, Audi, BMW và Kia được xem xét.
Có thể nói, sau hơn 1 năm triển khai dán nhãn năng lượng bắt buộc, hiệu quả trước tiên mà chương trình mang lại là tạo được sự minh bạch về hiệu suất năng lượng của sản phẩm trên thị trường, giúp người tiêu dùng lựa chọn sản phẩm tiết kiệm năng lượng hơn thông qua thông tin hiển thị trên nhãn năng lượng. Tính đến hết năm 2014, tổng số mã sản phẩm được dán nhãn năng lượng đã lên con số 6.268 (từ năm 2010 – 2014).
Ông Trịnh Quốc Vũ – Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và TKNL – Tổng cục Năng lượng – Bộ Công Thương cho biết, chương trình dán nhãn năng lượng được thực hiện thời gian qua đã đạt được những kết quả hết sức khích lệ khi giúp loại bỏ được những sản phẩm không đạt được mức hiệu suất năng lượng và tạo được thói quen cho người dân trong việc sử dụng các sản phẩm có hiệu suất năng lượng cao. Sự thay đổi này cũng khiến các nhà sản xuất và nhập khẩu thay đổi những dây chuyền sản xuất lạc hậu hoặc tập trung nhiều hơn vào các loại hàng hóa nhập khẩu có hiệu suất năng lượng cao để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.
Đẩy mạnh hơn nữa hoạt động dán nhãn
Năm 2015 cũng là năm cuối cùng thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2, do đó, ông Trịnh Quốc Vũ cho biết, trong năm 2015, chương trình dán nhãn năng lượng sẽ tiếp tục được đẩy mạnh triển khai, trong đó tập trung kiện toàn việc xây dựng và ban hành các tiêu chuẩn về hiệu suất năng lượng của các thiết bị và tiêu chuẩn thử nghiệm để chứng nhận nhãn năng lượng cho các thiết bị. Bên cạnh đó tổ chức triển khai công tác hậu kiểm để đảm bảo sự tuân thủ của các đơn vị tham gia chương trình dán nhãn năng lượng. Với những hoạt động đi vào chiều sâu như vậy, chương trình dán nhãn năng lượng được kỳ vọng sẽ mang lại hiệu quả cao hơn cho doanh nghiệp cũng như cho Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả thời gian tới.
Nguyên tắc của việc dán nhãn năng lượng là doanh nghiệp tự dán nhãn cho các lô hàng của mình sau khi lô hàng đó đã được kiểm nghiệm. Do đó, không ít người tiêu dùng tỏ ra lo ngại rằng sau khi được chứng nhận dán nhãn, doanh nghiệp sẽ tự ý dán nhãn cho các sản phẩm sau này (kể cả khi sản phẩm không có đủ hiệu suất năng lượng như mức được dán nhãn). Với lo ngại này, ông Trịnh Quốc Vũ giải đáp: “Để bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng, thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tổ chức 3 buổi tập huấn về nhãn năng lượng cho cán bộ quản lý thị trường tại cả 3 miền Bắc, Trung, Nam nhằm nâng cao nhận thức cho lực lượng này về nhãn năng lượng. Theo đó, trong thời gian tới, hoạt động quản lý việc thực thi nhãn năng lượng của các doanh nghiệp sẽ được kiểm soát chặt hơn và doanh nghiệp sẽ hoàn toàn phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra sai phạm về hoạt động dán nhãn”.
Mùa nắng nóng đang tới gần, nhu cầu tiêu thụ điện chắc chắn sẽ tăng lên. Lựa chọn một sản phẩm hiệu suất cao, tiết kiệm điện đã và đang ngày càng trở nên cấp thiết, giúp mang lại lợi ích kinh tế cho người tiêu dùng, đồng thời giảm áp lực cho lưới điện quốc gia, góp phần thực hiện hiệu quả Chương trình Mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Nhãn năng lượng với tác dụng giúp người tiêu dùng dễ dàng phân biệt được đâu là sản phẩm hiệu suất cao, tiết kiệm điện đã và đang ngày càng trở nên quen thuộc và thiết bị được dán nhãn năng lượng chắc chắn sẽ ngày càng phổ biến và được tiêu thụ mạnh hơn trong thời gian tới.
Bảo Anh