Thứ sáu, 19/04/2024 | 13:44 GMT+7

Xây dựng năng lực đánh giá và kiểm tra việc tuân thủ nhãn năng lượng

20/01/2015

Trong 2 ngày 20 và 21/1/2015, tại Hà Nội, Tổng cục Năng lượng – Bộ Công Thương đã tổ chức Hội thảo “Xây dựng năng lực đánh giá và kiểm tra tuân thủ nhãn năng lượng”.

 

Trong 2 ngày 20 và 21/1/2015, tại Hà Nội, Tổng cục Năng lượng – Bộ Công Thương đã tổ chức Hội thảo “Xây dựng năng lực đánh giá và kiểm tra tuân thủ nhãn năng lượng”. 

Ông Đặng Hải Dũng – Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Tiết kiệm năng lượng (TKNL) – Tổng cục Năng lượng – Bộ Công Thương cho biết, chương trình dán nhãn năng lượng đã bắt đầu được triển khai từ tháng 7/2013 nhằm chứng nhận hiệu suất năng lượng cho các thiết bị sử dụng điện. Các sản phẩm được chứng nhận từ 1 sao đến 5 sao tương ứng cho mức tiết kiệm năng lượng tương ứng. Đối tượng liên quan đến chương trình bao gồm các Sở Công Thương, doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu và người tiêu dùng. 

Hội thảo được tổ chức với mục đích tập huấn cho cán bộ của Bộ Công Thương và doanh nghiệp sử dụng hệ thống đăng ký các sản phẩm trực tuyến để dự báo mức TKNL từ chương trình dán nhãn và chương trình MEPS. Bên cạnh đó rà soát lại nguồn thông tin sẵn có để thông báo đánh giá (bao gồm Chương trình VEESL và các dữ liệu khác). Ngoài ra, hội thảo cũng nhằm xây dựng kỹ năng đánh giá chính sách sử dụng hệ thống đăng ký sản phẩm trực tuyến, khảo sát thị trường, các hoạt động tuân thủ và thực thi. Đồng thời xây dựng phạm vi và lập kế hoạch để các dự án thí điểm được thực hiện vào tháng 2 và tháng 3 tới. 

 

 

Ông Charles Michalis phát biểu tại hội thảo

Các chuyên gia nước ngoài tại hội thảo đã chia sẻ những kinh nghiệm trong việc thực hiện dán nhãn năng lượng. Ông Charles Michalis – chuyên gia TKNL cho biết, việc đầu tiên và quan trọng nhất là xây dựng chính sách về dán nhãn năng lượng. Theo đó, các quy định về dán nhãn năng lượng phải dựa trên những tác động tích cực đối với các người dân và doanh nghiệp. “Câu hỏi đặt ra là những chính sách đó sẽ tác động như thế nào đối với người dân? Người dân sẽ chọn mua những sản phẩm hiệu suất ở mức nào khi chính sách có hiệu lực? Doanh nghiệp sẽ thực thi những chính sách này ra sao trong hoàn cảnh tình hình tiêu thụ năng lượng không ngừng gia tăng, người dân có nhu cầu chọn mua các sản phẩm hiệu suất cao và nếu không chủ động sản xuất thì các sản phẩm hiệu suất thấp của Việt Nam sẽ bị loại bỏ?”. 

Bên cạnh đó, việc giám sát thực thi để đánh giá hiệu quả của chính sách cũng phải được đặc biệt quan tâm để đảm bảo doanh nghiệp sản xuất sản phẩm đúng với cam kết và người dân được mua những sản phẩm chính hãng. Việc người dân thường chọn mua sản phẩm ở mức mấy sao, hiệu quả tiết kiệm như thế nào cũng phải được thống kê đầy đủ để xác định những dòng sản phẩm tiêu biểu, cần tập trung sản xuất để đáp ứng nhu cầu của người dân và đạt được mức TKNL cao nhất. “Việc này không chỉ là trách nhiệm của Bộ Công Thương mà còn đòi hỏi sự vào cuộc của cả cơ quan thống kê” – ông Charles Michalis cho hay.

Hội thảo cũng giới thiệu hệ thống đăng ký dán nhãn trực tuyến. Hệ thống này ngoài việc giảm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp sản xuất còn có tác dụng dự báo mức tiết kiệm năng lượng (TKNL) từ chương trình này. Đây là hình thức dán nhãn năng lượng khá phổ biến tại nhiều quốc gia phát triển trên thế giới. 

Bảo Anh