Theo báo cáo của Sở Công thương Hà Nội, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đang là xu thế phát triển chung của các quốc gia trên thế giới, phù hợp với các cam kết quốc tế. Tại Việt Nam, việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục; là một trong những ưu tiên hàng đầu, gắn với phát triển kinh tế-xã hội của mỗi địa phương, trong đó không thể không nhắc đến Thủ đô Hà Nội.
Những năm qua, Sở Công thương Hà Nội đã chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành TP, UBND các quận, huyện, thị xã và các đơn vị có liên quan tham mưu UBND TP. Hà Nội tổ chức triển khai Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả với nhiều hoạt động thiết thực.
Theo đó, năm 2022, TP đã hỗ trợ thực hiện kiểm toán năng lượng 57 doanh nghiệp; đánh giá hiệu quả năng lượng cho 12 cơ sở tòa nhà, công trình xây dựng; xây dựng hệ thống quản lý năng lượng cho 12 đơn vị; đánh giá thiết kế kiến trúc thông qua mô phỏng năng lượng cho 6 tòa nhà; vận động trên 100 cơ sở tham gia công nhận danh hiệu Cơ sở sử dụng năng lượng xanh theo Tiêu chí của TP, trong đó công nhận 55 cơ sở đạt danh hiệu cơ sở, công trình xây dựng sử dụng năng lượng xanh…
Mùa hè năm 2023, dự báo có khả năng xảy ra các đợt nắng nóng kéo dài làm tăng nhu cầu sử dụng điện, gây quá tải cho hệ thống điện của TP.
Theo Phó Tổng Giám đốc EVNHANOI Nguyễn Anh Dũng, dự kiến mức tiêu thụ điện trong mùa hè năm 2023 tăng cao, tuy nhiên việc cung ứng điện đang gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân là do nguồn điện cấp cho Hà Nội vẫn chủ yếu từ các nhà máy điện than và thủy điện, trong khi giá than tăng cao và nguồn cung ứng không ổn định; các hồ thủy điện phụ thuộc rất nhiều vào thủy năng.
Ngoài ra, TP Hà Nội hiện đang triển khai quyết liệt kế hoạch phát triển kinh tế, tập trung giải ngân vốn đầu tư công, đẩy nhanh tiến độ thi công đưa các công trình, dự án trọng điểm vào hoạt động; các doanh nghiệp tập trung triển khai các dự án hạ tầng kỹ thuật khu, cụm công nghiệp và tổ chức sản xuất, kinh doanh, dự báo nhu cầu sử dụng điện cũng là rất lớn.
“Tất cả điều này là những khó khăn thách thức lớn cho ngành điện trong việc bảo đảm cung ứng đủ điện đặc biệt trong mùa nắng nóng. Do đó, TP Hà Nội đã phát động cao điểm hè về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả năm 2023 cũng như thực hiện các Chương trình quốc gia về Quản lý nhu cầu điện, tiết kiệm điện, sử dụng năng lượng hiệu quả”, ông Nguyễn Anh Dũng cho hay.
Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan đề nghị EVN Hà Nội tăng số lượng, tần suất, thời lượng, nội dung các chương trình, hoạt động tuyên truyền sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả.
Trong đó, khuyến khích gia tăng số lượng doanh nghiệp, người dân tham gia vào các chương trình quản lý nhu cầu điện, cắt giảm phụ tải đỉnh, cam kết hỗ trợ nguồn phát, luân phiên giờ làm việc, ca sản xuất, ứng dụng nhiều hơn các thiết bị điện hiệu suất cao...
Các doanh nghiệp, người dân trên địa bàn cũng cần xây dựng kế hoạch, nghiên cứu áp dụng chuyển đổi công nghệ, thiết bị tiết kiệm năng lượng; sử dụng đúng công suất và biểu đồ phụ tải đã ký kết trong hợp đồng mua bán điện; thực hiện kế hoạch sản xuất hợp lý...
"Trong năm 2023, Sở Công thương phối hợp EVN Hà Nội và các đơn vị liên quan sẽ tiếp tục tổ chức phát động các chương trình, phong trào tiết kiệm điện, các cuộc thi tìm hiểu kiến thức về sử dụng tiết kiệm điện, tiết kiệm năng lượng, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; đào tạo, tập huấn về sử dụng năng lượng cho các doanh nghiệp sản xuất, các nhà hàng khách sạn, trung tâm thương mại, hộ gia đình. Bên cạnh đó, tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, chuyển giao công nghệ mới, hiện đại, tiết kiệm năng lượng; khen thưởng, tôn vinh các cơ sở, đơn vị có thành tích trong công tác này", bà Trần Thị Phương Lan nhấn mạnh.
Theo: Pháp luật và xã hội