Thứ bảy, 21/12/2024 | 22:52 GMT+7

Doanh nghiệp hưởng lợi kép từ tiết kiệm năng lượng

28/03/2023

Bình quân mỗi năm, Đồng Nai tiêu thụ hơn 15 tỷ kWh điện, trong đó nhóm ngành công nghiệp - xây dựng chiếm hơn 70%. Tiết kiệm năng lượng (TKNL) trong lĩnh vực này được tỉnh đặc biệt coi trọng.

Tăng lợi thế cạnh tranh
Thông qua việc hỗ trợ đổi mới công nghệ, đào tạo nhân lực, kiểm toán năng lượng…, ngày càng có nhiều doanh nghiệp (DN) sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả.
Công ty CP Visual Plastic (Khu công nghiệp Biên Hòa 2) thuộc nhóm cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm (là cơ sở có mức tiêu thụ năng lượng trong một năm quy đổi ra một ngàn tấn dầu tương đương trở lên), trung bình mỗi tháng tiêu thụ 450-500 triệu đồng tiền điện. Năm 2022, công ty đã tiết kiệm 12% điện năng trên mỗi đơn vị sản phẩm.
Ông Nguyễn Đình Quy, Phó giám đốc kỹ thuật Công ty CP Visual Plastic giới thiệu các giải pháp tiết kiệm năng lượng trong nhà máy.
Ông Nguyễn Đình Quy, Phó giám đốc kỹ thuật Công ty CP Visual Plastic cho rằng, năng lượng chiếm khoảng 30% giá thành sản phẩm nhựa. Để tiết giảm chi phí, công ty đã áp dụng nhiều giải pháp, trong đó có bọc các đường ống tránh thất thoát nhiệt, thay thế motor công suất lớn bằng motor công suất vừa đủ, đầu tư Timer tự động tắt thiết bị điện khi không có người và theo dõi chỉ số điện hàng giờ nhằm kịp thời phát hiện bất thường, tìm nguyên nhân khắc phục.
Năm 2021, nhà máy tiêu thụ hơn 2,7 triệu kWh điện và tạo ra 1,5 triệu kg nhựa. Năm 2022, chúng tôi sử dụng hơn 2,5 triệu kWh điện nhưng tạo ra hơn 1,6 triệu kg nhựa. Sản phẩm nhiều hơn nhưng tiêu thụ điện ít hơn, tính ra mỗi kg nhựa tiết kiệm được 400 đồng” - ông Huy chia sẻ.
Công ty CP Taekwang Vina Industrial (ở Khu công nghiệp Biên Hòa 2, TP.Biên Hòa) có 3 biện pháp nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng được áp dụng là: Đổi mới công nghệ, quản lý năng lượng chặt chẽ và nâng cao nhận thức của cán bộ, công nhân viên.
Ông Vũ Đình Quân, Giám đốc Phát triển bền vững Công ty CP Taekwang Vina Industrial cho biết, các thiết bị công nghệ lạc hậu, hao tốn điện dần được thay thế bằng sản phẩm ít tốn điện hơn. Bóng đèn, máy bơm, quạt thông gió cũng là sản phẩm có gắn nhãn tiết kiệm điện. Ngoài ra, công ty đầu tư hàng loạt máy may điện tử cài đặt tự động kết hợp lắp motor liền trục giúp tiết kiệm 70-80% điện năng so với các dòng máy may cơ, giảm lỗi sai 40-50%, đồng thời tăng hiệu suất lao động 20%.
TKNL đối với các cơ sở sản xuất tiêu tốn nhiều điện năng là quy định bắt buộc. Điều này giúp DN tiết kiệm tiền điện, hạ giá thành sản phẩm, tăng lợi nhuận và khả năng cạnh tranh. Đồng thời, giúp giảm áp lực đầu tư hạ tầng lưới điện, giảm tác động tiêu cực đến môi trường.
Theo ông Trương Đình Quốc, Phó giám đốc Công ty TNHH MTV Điện lực Đồng Nai, hiện nay hầu hết các DN đều có ý thức và thực hiện các quy định của Nhà nước về TKNL. Để hỗ trợ khách hàng, công ty phối hợp với Sở Công thương, các tổ chức,  đoàn thể tuyên truyền, tập huấn giải pháp sử dụng điện an toàn, hiệu quả. Đồng thời, thông qua tổng đài chăm sóc khách hàng giải đáp thắc mắc và tư vấn giải pháp tiết kiệm điện.
Đồng hành cùng DN
Năm 2022, toàn tỉnh tiết kiệm được hơn 330 triệu kWh điện, tương đương hơn 2% tổng lượng điện tiêu thụ. Trong đó, lĩnh sản xuất công nghiệp tiết kiệm nhiều nhất với hơn 250 triệu kWh.
Phó giám đốc Sở Công thương Thái Thanh Phong cho biết, Sở đã yêu cầu các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm thực hiện nghiêm việc lập kế hoạch và báo cáo thực hiện kế hoạch sử dụng năng lượng tiết kiệm. Đối với các nhóm ngành: Nhựa, thép, ngành nước giải khát và ngành giấy thì 3 năm/lần phải kiểm toán năng lượng. Ngoài ra, Sở Công thương tổ chức tập huấn giới thiệu mô hình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, đào tạo cán bộ quản lý năng lượng cho các DN.
Để tiếp tục đồng hành cùng DN, ngày 17-3 vừa qua, Phó chủ UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng ký ban hành kế hoạch thực hiện chương trình Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trên địa bàn tỉnh Đồng Nai năm 2023. Trong kế hoạch này, UBND tỉnh đề ra 4 giải pháp cơ bản là: huy động các nguồn lực hỗ trợ và ưu đãi cho phát triển, ứng dụng sản phẩm TKNL; đào tạo, nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý tại doanh nghiệp; phát triển dịch vụ tư vấn sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; tăng cường thanh, kiểm tra việc thực hiện kế hoạch, Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả của DN.
Tỉnh yêu cầu các cơ sở sản xuất công nghiệp, cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm thực hiện nghiêm túc các quy định về TKNL. Áp dụng mô hình quản lý năng lượng tiên tiến, đảm bảo thực hiện định mức tiêu hao năng lượng theo yêu cầu của tỉnh. Đồng thời, tỉnh khuyến khích phát triển các nguồn năng lượng xanh, năng lượng tái tạo phục vụ sản xuất, kinh doanh.
Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng, sử dụng TKNL sẽ mang lại nhiều lợi ích cho DN, nền kinh tế và xã hội. Tỉnh đồng hành, hỗ trợ các DN thực hiện TKNL, phát triển các nguồn năng lượng mới thân thiện với môi trường.
Cơ sở sản xuất phải TKNL từ 1,5-2%
UBND tỉnh mới ban hành Kế hoạch số 64/KH-UBND tỉnh về thực hiện Chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trên địa bàn tỉnh Đồng Nai năm 2023. Kế hoạch đặt mục tiêu tiết kiệm 1,5-1,7% mức tiêu hao năng lượng đối với các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm; tối thiểu 2% điện năng trên mỗi đơn vị sản phẩm đối với các cơ sở sản xuất công nghiệp khác.
Theo: Báo Đồng Nai