Thứ tư, 15/01/2025 | 18:16 GMT+7

Tiết kiệm năng lượng: Giải pháp then chốt để giảm các-bon cho doanh nghiệp nhựa

23/03/2023

Để ngành nhựa trong nước tiếp tục phát triển tiến đến hội nhập kinh tế thế giới, các doanh nghiệp buộc phải giảm tiêu hao năng lượng để giảm phát thải carbon trong sản xuất.

Với sản lượng sản xuất lớn hàng năm, chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019 - 2030 (VNEEP3) đã đặt ra mục tiêu giảm tiêu hao năng lượng bình quân đối với ngành sản xuất nhựa từ 18 - 22% giai đoạn đến năm 2025 và từ 21 - 24% giai đoạn đến năm 2030.
Để đạt được các mục tiêu đề ra cũng như phù hợp với xu thế phát triển và tiêu thụ năng lượng của ngành, Bộ Công Thương đã chỉ đạo triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện tiết kiệm năng lượng. Tuy nhiên, từ các khảo sát đã thực hiện, Hiệp hội Nhựa Việt Nam (VPA) cho biết, hiện nay mức độ tuân thủ quy định về định mức tiêu hao năng lượng của doanh nghiệp ngành nhựa còn hạn chế. 
Giảm tiêu hao năng lượng là giải pháp then chốt giúp các doanh nghiệp nhựa giảm các-bon
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, trong đó, nguyên nhân chủ yếu đến từ  việc doanh nghiệp thiếu thông tin hoặc không biết đến thông tư về định mức tiêu hao năng lượng trong ngành nhựa. Mặt khác, các sản phẩm nhựa đa dạng về chủng loại, kích thước, nguyên liệu, dẫn đến định mức chưa chính xác, nhất là các nhà máy có nhiều dòng sản phẩm khác nhau.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp nhựa cũng gặp không ít khó khăn trong việc thay đổi công nghệ và thực hiện các biện pháp tiết kiệm năng lượng. Đặc biệt là doanh nghiệp thiếu công tơ phụ và thiết bị thu thập dữ liệu (cơ sở sản xuất nhiều loại sản phẩm khác nhau).
Do đó, giải pháp then chốt để giảm các-bon cho doanh nghiệp nhựa là cần xây dựng lộ trình cụ thể để giảm tiêu hao năng lượng. Lộ trình này được thực hiện thông qua việc tăng cường và tuyên truyền ý thức sử dụng của người tiêu dùng, phân loại rác thải tại nguồn, góp phần hỗ trợ công tác thu gom, tái chế, tái sử dụng theo định hướng phát triển kinh tế tuần hoàn.
Quy định thu phí EPR (phí trách nhiệm mở rộng nhà sản xuất) được quy định tại Điều 54 của Luật Bảo vệ Môi trường có hiệu lực từ ngày 01/01/2024 cũng sẽ góp phần thúc đẩy ngành tái chế Nhựa phát triển.
Đồng thời, Chính phủ, cũng như các tổ chức quốc tế cần hỗ trợ các nhà máy nhựa tăng cường xây dựng và lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời để giảm tiêu hao năng lượng. Còn các doanh nghiệp cần có sự đầu tư để đổi mới công nghệ.
Ngoài ra, về phía nhà nước, cần có những chính sách cụ thể hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tùy vào quy mô sản xuất, doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ kinh phí để đầu tư các thiết bị tiết kiệm năng lượng, cũng như tổ chức các khóa đào tạo cho cán bộ đi học và thực hành để giảm thiểu năng lượng tốt nhất có thể.
Ngành nhựa là lĩnh vực tăng trưởng tiêu thụ năng lượng cao thứ ba trong các ngành công nghiệp, chỉ sau viễn thông và dệt may. Theo thống kê tiêu thụ năng lượng năm 2019, tiêu thụ điện trong lĩnh vực cao su và nhựa tăng từ 5,7 tỷ kWh năm 2016 lên 7,62 tỷ kWh năm 2019. 
Tuệ Lâm