Việc điều chỉnh giá điện là một giải pháp hỗ trợ, giảm bớt áp lực cho ngành điện, song ở chiều ngược lại cũng đặt thêm gánh nặng chi phí cho hoạt động sản xuất-kinh doanh và đời sống của người dân.
Nhiều doanh nghiệp cho biết đã xây dựng các phương án để có thể tối ưu các máy móc và quy trình hoạt động, nâng cao hiệu suất sử dụng điện, giảm bớt những tác động tiêu cực do chi phí đầu vào mang lại.
Nhân viên EVNHANOI kiểm tra vận hàng lưới điện
Áp lực tăng chi phí đầu vào
Ngày 3/2/2023, Chính phủ ban hành Quyết định số 02/2023/QĐ-TTg về khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân. So với mức khung cũ, giá tối thiểu tăng 220 đồng, giá tối đa tăng 538 đồng một kWh. Mặc dù việc nới khung chưa ảnh hưởng tới giá bán lẻ điện, song cộng dồn các khoản chi phí mà ngành điện đang phải gánh chịu gần 4 năm vừa qua cho thấy, việc điều chỉnh giá điện là hiện hữu.
Ông Phạm Quang Nam, Giám đốc công ty sản xuất điện cơ Nam Sơn (Hà Nội) dự đoán khả năng điều chỉnh tăng giá điện trong thời gian tới là khó tránh. Tuy vậy, giá điện tác động khá lớn tới chi phí sản xuất nên sẽ gây áp lực lớn tới giá thành sản phẩm của doanh nghiệp.
“Lường trước khả năng giá điện tăng, chúng tôi đã thực hiện nhiều giải pháp tiết kiệm năng lượng để hạ chi phí sản xuất, kinh doanh. Theo đó, công ty hạn chế sử dụng điện trong giờ cao điểm, tổ chức bảo dưỡng máy móc thường xuyên; đồng thời áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để giảm chi phí, tiết kiệm điện...,” ông Phạm Quang Nam nói.
Là đơn vị chuyên sản xuất bánh răng và các loại phụ tùng cho động cơ, Công ty Trách nhiệm hữu hạn CreditUp Industry Việt Nam có 5 trạm biến áp riêng để vận hành những cỗ máy dập 4.000 tấn và các lò nung cao tần.
Để gia công được những chi tiết cơ khí chính xác thì mỗi tháng, công ty tiêu thụ hết 1,1 triệu KWh điện, tương ứng với khoảng hơn 2 tỷ đồng tiền điện. Dù nhu cầu phục hồi sản xuất, đáp ứng những đơn hàng sau đại dịch COVID-19 là bức thiết, tuy nhiên để tối ưu hóa mọi chi phí, lãnh đạo công ty cũng đã phối hợp với EVNHANOI thực hiện điều chỉnh phụ tải để giảm lượng điện năng tiêu thụ.
“Công ty đã chủ động các giải pháp như bố trí ca làm việc vào giờ thấp điểm, tận dụng công nhân bảo dưỡng, vệ sinh máy móc nhà xưởng, cũng như ưu tiên các phần đóng gói bao bì, đồng thời tối ưu hóa các công đoạn sản xuất, nhằm tiết kiệm chi phí, tạo thêm nhiều giá trị khác cho doanh nghiệp,” ông Chu Jen Chuan, Giám đốc điều hành CreditUp Industry Việt Nam cho biết.
Còn tại Trung tâm thương mại AEON Mall Hà Đông, sau đại dịch COVID-19, trung tâm này thu hút khách hàng rất đông quay trở lại mua sắm, sử dụng các dịch vụ nên công suất tiêu thụ điện cũng tăng cao.
Để tối ưu chi phí, trung tâm dù đã sử dụng phương pháp làm mát bằng nước thay vì khí gas như các hệ thống điều hòa nhiệt độ thông thường nhằm tiết kiệm điện năng, nhưng mỗi tháng, hệ thống làm mát, chiếu sáng cũng như các tiện ích sử dụng điện khác của trung tâm này cũng tiêu thụ tới gần 7 tỷ đồng tiền điện.
“Chúng tôi thực hiện tối ưu hệ thống chiếu sáng và điều hòa trung tâm nhưng vẫn đảm bảo việc vận hành Trung tâm thương mại, thực hiện chương trình ECO-DAY nhằm tiết kiệm năng lượng vào mỗi thứ 6 cuối cùng của tháng…,” đại diện AEON Mall Hà Đông thông tin thêm.
Doanh nghiệp sắp xếp lại quy trình sản xuất để tối ưu hóa các chi phí.
Tối ưu các giải pháp tiết kiệm năng lượng
Theo các chuyên gia, trong bối cảnh giá năng lượng ngày càng đắt đỏ, việc điều chỉnh giá cũng nhằm giúp ngành điện tăng cường công tác đầu tư, song cũng cần có chính sách để kiểm soát chặt chẽ hàng hóa, tránh “tát nước theo mưa” gây áp lực khó khăn cho đời sống người dân.
Ông Nguyễn Tiến Thỏa, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết chi phí sản xuất, kinh doanh điện thực tế đã tăng quá cao cũng cần phải xem xét điều chỉnh giá bán điện lên mức độ phù hợp.
Dẫn ví dụ trường hợp điều chỉnh giá điện lên 15%, theo ông sẽ đẩy lạm phát trực tiếp vòng 1 tăng khoảng 0,5% chưa kể tác động đến vòng hai và tác động lên các ngành, như: đẩy giá thành sản xuất thép tăng khoảng 0,9%; giá thành sản xuất xi măng tăng khoảng 2,25%; ngành dệt may tăng khoảng 1,95%...
Vì vậy, chuyên gia này cho rằng để giảm thiểu tác động của giá điện lên sản xuất, đời sống và lạm phát có thể tính tới chia lộ trình điều chỉnh ra làm 2 đợt và mỗi đợt điều chỉnh tăng khoảng từ 7-8%.
“Với mức điều chỉnh này, có thể đẩy lạm phát vòng 1 của đợt 1 lên khoảng 0,2%. Nếu những tháng cuối năm mà nó thuận lợi, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát vẫn kiểm soát thì có thể thực hiện điều chỉnh giá đợt 2,” ông nói.
Ngoài ra, ông Nguyễn Tiến Thỏa khuyến nghị Nhà nước phải có những giải pháp tổng thể để kiểm soát, để bình ổn mặt bằng giá, ngăn ngừa tác động lan tỏa của việc điều chỉnh giá điện đến mặt bằng giá của nền kinh tế, của hàng hóa, dịch vụ khác mà sử dụng sản phẩm điện; lợi dụng việc tăng giá điện để đẩy giá, ảnh hưởng đến mục tiêu kiểm soát lạm phát.
“Các bộ, ngành cũng cần thiết phải có chương trình tiết kiệm tiêu dùng điện. Đồng thời các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh cũng cần thiết phải có phương án, các giải pháp tổng thể tính toán để làm sao tiết giảm được chi phí sản xuất và giá thành sản phẩm, để những sản phẩm do mình sản xuất ra thích ứng được với thị trường và cạnh tranh được với thị trường trong điều kiện giá đầu vào, giá điện nó có tác động làm cho giá thành tăng lên,” ông nói thêm.
Còn theo ông Cao Hữu Hiếu, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), giá điện nằm trong cơ cấu chi phí của một doanh nghiệp, khi giá điện tăng buộc biên lợi nhuận của các doanh nghiệp phải giảm vì hiện tại doanh nghiệp sản xuất khó có thể bắt người mua hàng phải san sẻ mỗi khi chi phí đầu vào tăng cao.
“Đấy là bàn về mặt tiêu cực của việc tăng giá điện, còn nếu bàn về mặt tích cực thì có lẽ việc tăng giá điện sẽ buộc các doanh nghiệp phải tìm mọi cách thức, phương pháp để tăng năng suất, tiết kiệm điện năng nhằm tiết kiệm chi phí,” ông Hiếu cho hay.
- Cơ cấu nguồn phát điện trong năm 2022:
Trước những yêu cầu về tiết kiệm năng lượng, Vinatex đã xây dựng các chương trình kêu gọi và khuyến nghị các đơn vị thành viên tích cực thực hiện các biện pháp tiết kiệm năng lượng sản xuất, tiết kệm gas, điện, cũng như áp dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật trong trang thiết bị máy móc sản xuất để nâng cao năng suất, cắt giảm chi phí sản xuất để từ đó giảm thiểu ảnh hưởng tiêu cực của việc tăng giá điện đối với chi phí và lợi nhuận đến mức thấp nhất.
Nguồn: Vietnam+