Thứ năm, 25/04/2024 | 22:28 GMT+7

Triển vọng tiết kiệm năng lượng trong ngành công nghiệp Việt Nam

10/06/2022

Ông Hà Đăng Sơn – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Tăng trưởng xanh đã có những chia sẻ xung quanh vấn đề triển vọng và thách thức tiết kiệm năng lượng trong ngành công nghiệp, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đưa ra cam kết net-zero vào năm 2050.

Tiết kiệm năng lượng được coi là giải pháp hiệu quả trong việc đảm bảo an ninh năng lượng và chuyển dịch năng lượng bền vững của nước ta. Tiềm năng tiết kiệm năng lượng trong lĩnh vực công nghiệp được các chuyên gia đánh giá còn nhiều dư địa. Tuy nhiên thách thức cũng không nhỏ. Trang thông tin Chương trình VNEEP đã trao đổi với ông Hà Đăng Sơn – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Tăng trưởng xanh về vấn đề này. 
Ông Hà Đăng Sơn – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Tăng trưởng xanh.
PV: Ông đánh giá như thế nào về vai trò của tiết kiệm năng lượng trong lộ trình tiến tới mục tiêu phát thải ròng bằng "0", đặc biệt trong lĩnh vực công nghiệp? 
Ông Hà Đăng Sơn: Ngay từ đầu năm 2019, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 280/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019 – 2030. Theo đó đặt mục tiêu tiết kiệm từ 8-10% tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc trong giai đoạn này. Tại COP26, Thủ tướng Chính phủ cũng đưa ra cam kết đạt mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050. Đây có thể nói là những cam kết mạnh mẽ, và đầy tham vọng.  
Sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả là một biện pháp thiết thực để cắt giảm phát thải khí nhà kính, đóng góp cho các mục tiêu trên. Vừa qua, tại Tọa đàm “Tiết kiệm năng lượng - Giải pháp bảo đảm cung ứng điện mùa nắng nóng 2022”, đại diện Bộ Công Thương đã đánh giá tiềm năng tiết kiệm năng lượng trong ngành công nghiệp Việt Nam còn rất cao, ước tính có thể lên tới 30%. Với một tiềm năng như vậy, việc cắt giảm để tiến đến đến thực hiện mục tiêu Net Zero đối với ngành công nghiệp là khả thi.
Tuy nhiên, vẫn còn những rào cản nhất định, trong đó liên quan rất nhiều đến vấn đề huy động các nguồn vốn để hỗ trợ cho doanh nghiệp. Việc đầu tư tiết kiệm năng lượng lúc này cần phải đi vào những giải pháp liên quan đến đổi mới công nghệ của từng doanh nghiệp thay vì chỉ áp dụng những giải pháp chung của Nhà nước. Như vậy, chúng ta phải xem xét đến việc khuyến khích các doanh nghiệp tự đổi mới công nghệ đối với những khâu sản xuất chính của từng doanh nghiệp. 
Tất cả những vấn đề này đòi hỏi các nguồn vốn rất cao, cũng như việc chuyển giao công nghệ từ các quốc gia tiên tiến khác cho Việt Nam. 
PV: Nhà quản lý nên tập trung giải quyết những vấn đề gì để giúp doanh nghiệp dỡ bỏ các rào cản tiếp cận vốn hay thực hiện các dự án tiết kiệm năng lượng một cách hiệu quả?
Ông Hà Đăng Sơn: Thách thức rất lớn đối với việc áp dụng các giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả hiện nay là chi phí năng lượng. Ví dụ, ở thời điểm này giá điện của Việt Nam được đánh giá là thấp so với nhiều quốc gia trong khu vực. Việc điều chỉnh giá điện lại không dễ dàng. Trong khi đầu tư cho các giải pháp tiết kiệm năng lượng thì thời gian hoàn vốn tương đối dài. Như vậy cần phải xem xét đến các yếu tố như an sinh xã hội, động lực phát triển kinh tế... để thúc đẩy doanh nghiệp thực hiện các dự án tiết kiệm năng lượng. 
Thứ nhất, chúng ta bắt buộc phải xem xét lại những biện pháp kích cầu. Ví dụ, các cơ chế phải được đơn giản hóa, làm sao để cắt giảm tối đa các chi phí về mặt hình thức, về mặt hành chính cũng như về mặt thủ tục đối với các doanh nghiệp.
Thứ hai, phải có những trợ giá để giúp cho doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn với chi phí hợp lý. Đồng thời, cần có biện pháp đảm bảo thu hồi vốn, như chia sẻ rủi ro, đối với các doanh nghiệp khi áp dụng các giải pháp này.
Nếu như thiếu hai yếu tố này, tôi nghĩ rằng việc triển khai về hoạt động sử dụng tiết kiệm năng lượng hiệu quả đối với các doanh nghiệp, đặc biệt là trong các khu công nghiệp sẽ rất khó khăn.
PV: Theo ông, doanh nghiệp đã sẵn sàng đến đâu, cả về năng lực kỹ thuật lẫn tài chính, để thực hiện trách nhiệm tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải?
Ông Hà Đăng Sơn: ​Nhiều các doanh nghiệp đã có nhận thức tốt về những lợi ích và sự cần thiết của các giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả. Đặc biệt, với thách thức về vấn đề đảm bảo nguồn cung ứng điện trong thời gian tới, đây chính là yếu tố liên quan trực tiếp đến phát triển bền vững của doanh nghiệp.
Tuy nhiên, tất cả những nhận thức này cần được chuyển thành hành động. Các doanh nghiệp phải có sự phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý nhà nước, đặc biệt là với những người đưa ra chính sách. Như chúng ta đã biết, Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cũng như các Nghị định, Thông tư hướng dẫn đã được ban hành. Tuy nhiên, khi gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn cũng như công nghệ phù hợp, thông thường các doanh nghiệp sẽ tìm cách đáp ứng các yêu cầu mang tính chất ngắn hạn. 
Quay trở lại câu chuyện để doanh nghiệp thật sự cân nhắc những giải pháp dài hạn và bền vững, bắt buộc phải có những quy định rõ ràng hơn. Cụ thể là sự tham gia của doanh nghiệp như thế nào, lợi ích của doanh nghiệp ra sao.
Ngoài ra, như chúng ta đã biết, từ năm 2025 trở đi sẽ có những bước tiến đầu tiên trong thị trường carbon ở Việt Nam. Ban đầu, thường sẽ mang tính chất tự nguyện, vậy làm sao để các doanh nghiệp tham gia, từ đó nhận thấy những lợi ích khi áp dụng giải pháp tiết kiệm năng lượng mang lại. Đồng thời, ngoài tiêu chí carbon, cần có những hệ thống như nhãn carbon, nhãn sinh thái… nhằm hỗ trợ doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận các thị trường, đặc biệt là các thị trường cao cấp. 
Xin cảm ơn ông.
Phương Loan - Giang Nguyễn