Thứ sáu, 22/11/2024 | 20:22 GMT+7

Thúc đẩy sử dụng năng lượng sinh khối trong sản xuất công nghiệp

04/11/2021

Tổ chức Thúc đẩy Đầu tư Năng lượng Sạch (CEIA) vừa qua đã tổ chức hội thảo trực tuyến với chủ đề “Thúc đẩy thị trường các giải pháp carbon thấp cho quá trình nhiệt trong công nghiệp tại Việt Nam”.

​Chương trình có sự tham gia của đại diện nhiều tập đoàn đa quốc gia lớn đang vận hành các nhà máy sản xuất tại Việt Nam như Heineken, H&M, Nike… cùng đại diện Cơ quan Năng lượng tái tạo quốc tế (IRENA). Các đại biểu, chuyên gia, đại diện doanh nghiệp đã cùng thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm về giải pháp giảm thiểu lượng phát thải khí nhà kính trong quá trình sản xuất tại Việt Nam, bao gồm việc đẩy mạnh sử dụng nguồn năng lượng sinh khối để giảm dần việc sử dụng năng lượng hoá thạch trong thời gian tới.
Năng lượng sinh khối (biomass energy) là năng lượng được tạo ra từ các vật liệu dư thừa như trấu, rơm rạ, bã mía hoặc chất thải từ các hoạt động sinh hoạt của con người (rác, bùn/nước cống). Sinh khối là sử dụng các vật liệu này chuyển hóa thành điện năng (sinh hóa, hóa học) hoặc nhiệt năng (đốt).
Tiềm năng về năng lượng sinh khối của Việt Nam được đánh giá là rất đa dạng và có trữ lượng khá lớn. Theo tính toán của Viện Năng lượng Việt Nam, tổng nguồn sinh khối vào khoảng 118 triệu tấn/năm bao gồm khoảng 40 triệu tấn rơm rạ, 8 triệu tấn trấu, 6 triệu tấn bã mía và trên 50 triệu tấn vỏ cà phê, vỏ đậu, phế thải gỗ... Nguồn sinh khối chủ yếu của nước ta gồm gỗ và phụ phẩm cây trồng, trong đó gồm rừng tự nhiên, rừng trồng, cây trồng phân tán, cây công nghiệp và cây ăn quả, phế phẩm gỗ công nghiệp.
Trong đó, tiềm năng sinh khối gỗ năng lượng lên đến gần 25 triệu tấn, tương đương với 8,8 triệu tấn dầu thô. Riêng tiềm năng năng lượng sinh khối phụ phẩm nông nghiệp của nước ta gồm rơm, rạ, trấu, bã mía và các loại nông sản khác lên đến gần 53,5 triệu tấn, tương đương với 12,8 triệu tấn dầu thô. Ðặc biệt nguồn năng lượng này sẽ liên tục được tái sinh và tăng trưởng đều đặn trong vòng 30 năm.
Nhiều nhà máy sản xuất đường tại Việt Nam đang tận dụng lượng bã mía, bã bùn mía thải bỏ sau quá trình sản xuất để làm nhiên liệu đốt lò, sản xuất hơi với áp suất cao để chạy máy phát điện phục vụ hoạt động sản xuất
Trong Quy hoạch điện VII (điều chỉnh), mục tiêu phát triển điện sinh khối trong tổng sản lượng điện là 2,1% vào năm 2030. Nâng cao sử dụng, nghiên cứu về năng lượng sinh học bền vững ở Việt Nam sẽ giúp cải thiện các điều kiện tiền đề cho việc sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên sinh khối cho sản xuất điện, nhiệt trong cả nước. Từ đó hướng đến phát triển bền vững nền kinh tế và góp phần bảo vệ môi trường.
Phát biểu tại hội thảo, ông Jinlei Feng, đại diện Trung tâm chính sách tri thức và tài trợ thuộc IRENA đánh giá: "Ở châu Á, chi phí cho sản xuất nhiệt từ năng lượng mặt trời thấp hơn so với năng lượng sinh khối, điển hình là vốn đầu tư và chi phí vận hành. Tuy nhiên, cần kết hợp các ngành năng lượng này với nhau để đảm bảo nguồn năng lượng dự trữ khi một ngành khác không thể đáp ứng. Ví dụ như khi thiếu nguồn cung điện mặt trời do yếu tố thời tiết thì năng lượng sinh khối sẽ phát huy tác dụng, đồng thời góp phần giảm thiểu phế phẩm nông nghiệp gây ô nhiễm môi trường". 
Các chuyên gia cho biết năng lượng sinh khối tại Việt Nam hiện chủ yếu được sử dụng cho quá trình tạo nhiệt trong sản xuất công nghiệp. Theo đó, bà Aude Petelot, chuyên gia về năng lượng bền vững thuộc Tổ chức phi chính phủ về chống biến đổi khí hậu Geres, đề xuất các nhà máy dệt may tại Việt Nam cần chú trọng nghiên cứu và ứng dụng năng lượng sinh khối để có quá trình tạo nhiệt công nghiệp bền vững hơn trong hoạt động sản xuất.
Đại diện các doanh nghiệp quốc tế có nhà máy sản xuất ở Việt Nam đồng thuận với đề xuất trên và khẳng định sự cần thiết của việc sử dụng năng lượng sinh khối vào tạo nhiệt trong dây chuyền sản xuất và chia sẻ về kinh nghiệm sử dụng năng lượng này trong thời gian qua. Cụ thể, đại diện doanh nghiệp thời trang H&M cho biết, doanh nghiệp hiện có 10 nhà máy ở Việt Nam đang sử dụng hệ thống nhiệt từ năng lượng sinh khối để chế tạo vải cho các sản phẩm của hãng.
Bà Lê Thị Ngọc Mỹ, Giám đốc Phát triển bền vững của Heineken Việt Nam chia sẻ, nhiệt sản xuất từ sinh khối của Heineken ở Việt Nam chiếm 60% nhiệt năng sử dụng trong sản xuất. Trong năm 2022, Heineken phấn đấu đạt mục tiêu 100% sử dụng nhiệt năng từ sinh khối trong sản xuất. Hướng đến phát triển bền vững và bảo vệ môi trường, công ty đã tận dụng các cơ hội về sinh khối của Việt Nam vào dây chuyền sản xuất của mình. Trong đó, tận dụng thị trường, công nghệ, nguồn nguyên liệu có sẵn về sinh khối; dễ dàng đạt được chỉ tiêu về năng lượng tái tạo; không cần chi phí vốn; giảm lượng thất thoát nhiệt năng và giá thành rẻ hơn so với dầu diesel.
Tuy nhiên, các chuyên gia đánh giá hiện năng lượng sinh khối mới được phổ biến ở các doanh nghiệp lớn, những cơ sở sản xuất nhỏ lẻ vẫn chưa được tiếp cận với nguồn năng lượng này. Một phần do việc đầu tư vào các nhà máy sinh khối yêu cầu hàm lượng công nghệ, kỹ thuật tiên tiến cũng như các khung pháp lý, chính sách hỗ trợ đối với nguồn năng lượng này chưa được hoàn thiện. Để thúc đẩy việc tận dụng nguồn năng lượng sinh khối, cần có sự nghiên cứu, đầu tư chuyên sâu vào thực hiện dự án kết hợp các giải pháp đồng bộ của Chính phủ và của khu vực tư nhân.
Tổ chức Thúc đẩy Đầu tư Năng lượng Sạch (CEIA) kỳ vọng hội thảo này giúp các bên liên quan trong thị trường năng lượng tái tạo cùng chia sẻ thông tin, cập nhật về thị trường, trao đổi kinh nghiệm, hiểu biết để cùng xác định và hướng tới các chính sách, quy định và tài chính cần thiết đáp ứng cho những mục tiêu năng lượng sạch và thúc đẩy chuyển dịch năng lượng ở Việt Nam.
Theo: Tạp chí Công Thương