Cùng với xu hướng sử dụng nguồn năng lượng thiên nhiên thân thiện môi trường và được khuyến khích từ chính phủ, các dự án điện năng lượng mặt trời ngày càng phổ biến, phát triển đa đạng đặc biệt là các dự án kết hợp sản xuất nông nghiệp. Hiện nay, đã bắt đầu xuất hiện các mô hình như điện mặt trời áp mái trên các trang trại gia súc, các trang trại trồng cây xen kẽ các tấm pin mặt trời hay điện mặt trời với nuôi thủy sản.
Mô hình nuôi tôm kết hợp năng lượng mặt trời
Nhờ điều kiện khí hậu đặc trưng, Đồng bằng sông Cửu Long không những là vùng sản xuất thủy sản lớn của cả nước mà còn là nơi có nhiều tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo. Bên cạnh những nhà máy điện mặt trời với công suất lớn, nhiều hộ nông dân đã đầu tư và phát triển điện mặt trời ở chính những trang trại tôm, vừa đảm bảo được nguồn điện ổn định và vừa mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Trước đây, gia đình ông Lâm Minh Lớn ở xã Hòa Tú 2, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng phải chi trả khoảng 18 triệu đồng tiền điện để vận hành ao nuôi tôm rộng chừng 2000 mét vuông/tháng. Từ cuối năm 2020, sau khi đầu tư 400 triệu đồng lắp đặt điện mặt trời áp mái, ông đã tiết kiệm khoảng 7 triệu đồng tiền điện mỗi tháng. "Tôi thấy việc lắp điện năng lượng mặt trời này nó mang lại hiệu quả rất là tốt, trước hết là mình xài trong gia đình, nếu mà còn thừa nữa thì mình bán cho điện lực nhà nước" - ông Lâm Minh Lớn cho hay.
Trước đó, ông Ngô Công Luận ở Hợp tác xã nông ngư 14/10, Hòa Tú 2, Mỹ Xuyên, Sóc Trăng đã mạnh dạn lắp đặt hệ thống năng lượng mặt trời khi có chương trình thích ứng với biến đổi khí hậu vùng đồng bằng sông Cửu Long hỗ trợ 120 triệu đồng. Mỗi tháng, nhà ông sản xuất được 25 kWh điện, thu về khoảng 5,7 triệu đồng. Bên cạnh đó, cuối năm 2020, ông còn tự bỏ tiền lắp đặt thêm một hệ thống 25 kWp. Với hai hệ thống, ông đã tiết kiệm được hơn 10 triệu đồng mỗi tháng chi phí sử dụng điện.
Ông Ngô Công Luận cho biết: "Ban ngày, thời gian từ 9h30 đến 11h30 mà mình xài điện sản xuất nó sẽ thuộc giờ cao điểm nhưng nếu mình xài được điện năng lượng mặt trời thì giá bình thường. Tại vì điện mặt trời nhà mình làm ra thì nó sẽ giảm đi chi phí trong quá trình sản xuất."
Ông Ngô Công Luận, Phó Giám đốc Hợp tác xã 14/10 đã lắp đặt hệ thống năng lượng mặt trời để tiết kiệm điện trong nuôi tôm (Ảnh: Báo Công Thương)
Tiết kiệm điện trong nuôi tôm vẫn luôn là một vấn đề đau đầu đối với ngành điện. Theo nghiên cứu, 1 tấn tôm thâm canh sẽ tiêu thụ 4.172 kWh điện. Với năng suất 40 tấn tôm một năm, tính riêng ruộng tôm nhà ông Luận tiêu tốn gần 167.000 kWh điện. Với công suất 2 hệ thống trên đạt 50kWh, ông Luận đã tiết kiệm được rất nhiều chi phí sử dụng điện, tăng hiệu quả năng suất tạo ra một sản phẩm chất lượng cao, sạch một cách toàn diện.
Ông Lớn và ông Luận không phải là trường hợp cá biệt khi kết hợp mô hình nuôi tôm và sản xuất năng lượng điện mặt trời. Trên thực tế, trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng và các tỉnh phía Nam - nơi có số giờ nắng trong năm dao động từ 2.000 - 2.600 giờ thì mô hình “nhà máy điện mặt trời nhỏ” được người nông dân ứng dụng đã mang lại hiệu quả kinh tế cũng như đảm bảo được nguồn cung điện ổn định. Tôm được nuôi dưỡng trong môi trường nước đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, mang lại nguồn lợi lớn cho người dân và doanh nghiệp.
Công ty TNHH MTV Long Mạnh, huyện Hoà Bình, tỉnh Bạc Liêu là một trang trại nuôi tôm rộng 4ha, ước tính sản lượng tôm hàng năm đạt khoảng 75 - 80 tấn, doanh thu khoảng 20 tỷ đồng. Sản phẩm của công ty chủ yếu xuất khẩu sang châu Âu vì vậy, công ty phải chú ý đến các tiêu chí xuất khẩu, trong đó có những tiêu chí về môi trường. “Sử dụng điện mặt trời là một tiêu chí rất quan trọng để đạt được chứng chỉ ASC (Aquaculture Stewardship Council - Hội đồng quản lý nuôi trồng thủy sản). Khách hàng sẽ đánh giá rất cao nếu chúng ta quan tâm đến vấn đề môi trường”, ông Long Văn Nghĩa, chủ doanh nghiệp cho biết thêm.
Ông Long Văn Nghĩa (bên trái) trao đổi với TS Nguyễn Ngọc Huy, cố vấn cao cấp về biến đổi khí hậu của Tổ chức Oxfam tại Việt Nam về mô hình nuôi tôm kết hợp sử dụng năng lượng mặt trời (Ảnh: Nangluongsachvietnam.vn)
Đánh giá về lợi ích mà điện mặt trời mang lại với các mô hình nuôi tôm, đặc biệt là nuôi tôm công nghệ cao, tiến sỹ Nguyễn Ngọc Huy, cố vấn cao cấp về biến đổi khí hậu của tổ chức Oxfam cho rằng: "Thực ra điện mặt trời trong nuôi tôm có rất nhiều lợi ích kép, bao gồm có thể che nắng trong các ao lắng và giảm việc phát triển của tảo, giảm được chi phí tiền điện. Như rất nhiều hộ gia đình đã chia sẻ với khoảng 25 kWp họ có thể giảm được khoảng 6 triệu đồng tiền điện cho một tháng và số tiền này nếu chúng ta nhân lên, quy mô lớn hơn thì số tiền tiết kiệm được rất là lớn."
Mô hình phát triển năng lượng mặt trời kết hợp nuôi tôm tại đồng bằng sông Cửu Long đang trở nên "hot" hơn bao giờ hết khi mang lại doanh thu cao và tận dụng tối ưu năng lượng tái tạo. Có thể nói, việc lắp đặt điện mặt trời sẽ đáp ứng phần nào nhu cầu tiêu thụ cho các thiết bị điện đặc biệt là sục khí, giảm nhiệt độ cho một phần trong ao nuôi, giảm chi phí điện, tăng tính ổn định, tiết kiệm nguồn năng lượng truyền thống và góp phần bảo vệ môi trường.
Mai Anh