Thứ bảy, 23/11/2024 | 15:59 GMT+7

Lồng ghép biện pháp tiết kiệm năng lượng vào kế hoạch thực hiện tại địa phương

14/04/2021

63 tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương có thể chia thành 7 nhóm địa phương với mục tiêu tiết kiệm năng lượng khác nhau

Trong một nghiên cứu gần đây của Ngân hàng Thế giới và Bộ Công Thương về khả năng phân bổ mục tiêu quốc gia về tiết kiệm năng lượng cho các địa phương của Việt Nam cho thấy, 63 tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương có thể chia thành 7 nhóm địa phương với mục tiêu tiết kiệm năng lượng khác nhau căn cứ vào đặc điểm tương đồng về tiềm năng tiết kiệm năng lượng, cơ cấu kinh tế, đặc điểm dân cư...

Thanh niên Thủ đô hưởng ứng Giờ Trái đất

Như vậy, về mặt khoa học chúng ta có thể phân bổ mục tiêu tiết kiệm năng lượng 8 – 10% của cả nước cho từng địa phương. Trên cơ sở đó, Bộ Công Thương cùng với các địa phương xác định mục tiêu hàng năm và giai đoạn cho từng tỉnh, thành phố và gắn trách nhiệm của người đứng đầu địa phương đối với việc đảm bảo thực hiện mục tiêu đã được thống nhất xác định.

UBND tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương, với vai trò quản lý nhà nước tại địa phương cần có những biện pháp cụ thể để đảm bảo mục tiêu tiết kiệm năng lượng của địa phương mình. Tùy thuộc vào đặc điểm tình hình cụ thể của địa phương, những biện pháp sau có thể lồng ghép vào kế hoạch thực hiện tại địa phương.

Hướng giải pháp về cải thiện hành vi sử dụng điện/năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, bao gồm:

- Tuyên truyền, nâng cao nhận thức theo hướng đối tượng về cải thiện hành vi sử dụng điện/năng lượng đối với: Người lao động, người quản lý tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; Cộng đồng dân cư thông qua các tổ chức đoàn thể xã hội, chính quyền cơ sở như: Chi bộ Đảng cơ sở; Chi hội Nông dân; Chi hội Phụ nữ; Chi hội Cựu chiến binh; Tổ dân phố/Thôn/Bản…; Khách hàng, khách lưu trú tại các cơ sở kinh doanh thương mại, dịch vụ, nhà hàng, cơ sở lưu trú...; Người học tại các cơ sở giáo dục và đào tạo.

- Xây dựng và tổ chức triển khai các quy tắc xã hội/cộng đồng, nội quy, quy định về hành vi sử dụng điện/năng lượng: Quy tắc về sử dụng điện tại công sở, văn phòng, trường học, bệnh viện…; Quy tắc về sử dụng điện/năng lượng an toàn, tiết kiệm và hiệu quả tại các cơ sở sản xuất, chế biến, gia công sản phẩm hàng hóa, cơ sở chế tạo, sửa chữa phương tiện, thiết bị, cơ sở khai thác mỏ, cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp, cơ sở kinh doanh, dịch vụ (siêu thị, trung tâm thương mại, nhà hàng, cơ sở lưu trú, cửa hàng, cửa hiệu...);

- Xây dựng và tuyên truyền lối sống tiết kiệm điện/năng lượng đến hộ gia đình: Tập huấn, hướng dẫn việc sử dụng các chế độ vận hành tiết kiệm điện đối với các thiết bị gia dụng tiêu thụ nhiều điện (tủ lạnh, điều hòa không khí, quạt, bình nước nóng, máy giặt, hệ thống chiếu sáng...) đến từng hộ gia đình (thông qua sinh hoạt cộng đồng/khu dân cư: tổ dân phố, xóm, bản, thôn…); Phát động phong trào gia đình tiết kiệm điện tại khu dân cư.

- Xây dựng và tổ chức công bố rộng rãi định kỳ kết quả thực hiện tiết kiệm điện/năng lượng của các tổ chức, đơn vị trực thuộc: Các quận, huyện, thành phố trực thuộc tỉnh; Các xã, phường, thị trấn trực thuộc huyện; Các phòng, ban trong sở, ban, ngành; Các phân xưởng sản xuất, cơ sở kinh doanh, cơ sở dịch vụ trong công ty, doanh nghiệp, trung tâm dịch vụ thương mại.

Hướng giải pháp về công nghệ - kỹ thuật phục vụ tiết kiệm điện/năng lượng

- Xây dựng và lồng ghép triển khai chương trình tài trợ cho các nghiên cứu, triển khai ứng dụng các kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ về tiết kiệm điện/năng lượng vào chương trình, kế hoạch nghiên cứu khoa học và công nghệ của địa phương.

- Phát động phong trào về sáng kiến, cải tiến kỹ thuật về tiết kiệm điện tại các cơ sở sản xuất kinh doanh trong doanh nghiệp.

- Hỗ trợ các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ lựa chọn, ứng dụng các công nghệ, giải pháp kỹ thuật, thiết bị, vật liệu, nguyên liệu đầu vào... có hiệu quả sử dụng năng lượng cao, tiết kiệm điện khi cải tạo, mở rộng, đầu tư mới, chuyển đổi công năng ...

- Thúc đẩy việc chuyển đổi công nghệ, thiết bị, máy móc phương tiện, vật liệu, nguyên, nhiên liệu theo hướng tiết kiệm điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn.

- Khuyến khích các cơ sở sản xuất kinh doanh tận dụng các nguồn năng lượng phát sinh trong quá trình sản xuất như nhiệt thải phục vụ phát điện; tích hợp các nguồn năng lượng tái tạo vào hệ thống điện, năng lượng nội bộ, giảm nhu cầu điện của đơn vị từ nguồn điện lưới quốc gia;

- Yêu cầu mua sắm các trang thiết bị có hiệu suất sử dụng điện/năng lượng cao, tiết kiệm năng lượng, lắp đặt, tích hợp các nguồn năng lượng tái tạo phù hợp vào hệ thống điện nội bộ, các hệ thống tự động kiểm soát tiêu thụ điện đối với các hạng mục đầu tư sử dụng hoặc có nguồn gốc từ vốn ngân sách nhà nước.

- Thúc đẩy việc tự động hóa, tối ưu hóa việc sử dụng điện của các thiết bị, phương tiện, máy móc sử điện, hệ thống nhiệt, lạnh chiếu sáng... tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ…

Theo Tạp chí Công Thương