Thứ tư, 15/01/2025 | 15:39 GMT+7
Để nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng tại các doanh nghiệp, cơ sở trước hết cần phải có đội ngũ cán bộ quản lý có trình độ và năng lực, đây là điểm yếu của các doanh nghiệp hiện nay.
Việc thực hiện đổi mới các giải pháp công nghệ hiện đại để tiết kiệm năng lượng là cần thiết; tuy nhiên, theo TS. Dương Trung Kiên - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Điện lực, những giải pháp đổi mới công nghệ lại đòi hỏi vốn lớn, nếu thực hiện không tốt đôi khi hiệu quả mang lại không như mong đợi. Do vậy, đòi hỏi doanh nghiệp phải có cán bộ quản lý năng lượng có đủ năng lực và trình độ để có thể xây dựng kế hoạch cũng như các giải pháp để sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả tại doanh nghiệp mình.
Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả năm 2010 quy định, các doanh nghiệp có mức sử dụng năng lượng tương đương 1.000 tấn dầu/năm, hoặc các tòa nhà sử dụng trên 500 tấn dầu tương đương một năm, bắt buộc phải có hệ thống quản lý năng lượng, cán bộ quản lý năng lượng và định kỳ 3 năm một lần phải thực hiện kiểm toán năng lượng. Như vậy, dù muốn hay không thì những doanh nghiệp tiêu hao nhiều năng lượng buộc phải kiểm toán và đào tạo được cán bộ quản lý năng lượng một cách bài bản hiệu quả.
Trong nhiều năm qua, Bộ Công Thương đã tổ chức nhiều khóa đào tạo người quản lý năng lượng. Cơ quan này đã phối hợp với các tổ chức quốc tế thông qua các dự án về hiệu quả năng lượng để nâng cao năng lực cán bộ quản lý tại các địa phương và doanh nghiệp.
Một đối tác quan trọng của Bộ Công Thương trong thực hiện dự án về hiệu quả năng lượng là Tổ chức Phát triển Đức (GIZ) hiện cũng đang hỗ trợ Bộ Công Thương triển khai nhiều hoạt động đào tạo cho cán bộ quản lý năng lượng tại các doanh nghiệp thông qua Dự án Năng lượng tái tạo và Hiệu quả năng lượng (Dự án 4E). Chia sẻ về vấn đề này, ông Markus Bissel - Trưởng Hợp phần Hiệu quả năng lượng của Dự án 4E - cho biết, khóa tập huấn đầu tiên vừa được tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh ngày 30-31/3 vừa qua với sự tham gia của hơn 60 cán bộ, kỹ sư, kỹ thuật viên từ 12 doanh nghiệp sử dụng năng lượng trọng điểm ở miền Nam. Trong khóa học, học viên sẽ được tiếp cận với các kiến thức về tiết kiệm năng lượng trong các hệ thống tiệu thụ năng lượng lớn như chiếu sáng; hệ thống nhiệt, hệ thống hơi, hệ thống điều hòa không khí cục bộ, hệ thống lạnh công nghiệp,…
“Dự kiến trong tháng 4 sẽ có thêm hai khóa đào tạo dành cho hơn 90 học viên từ 18 doanh nghiệp sử dụng năng lượng trọng điểm ở miền Bắc được tổ chức tại Hà Nội và Bắc Ninh”- ông Markus Bissel cho biết.
Thực tế thì ngoài những doanh nghiệp khá thành công trong việc áp dụng các giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả thì vẫn còn những doanh nghiệp chưa thực sự tạo được những chuyển biến tốt, bởi trước đó họ mới chỉ áp dụng các giải pháp đơn lẻ, không hệ thống nên hiệu quả mang lại chưa cao. Nhiều doanh nghiệp, dù có cán bộ quản lý năng lượng nhưng những công việc cụ thể của cán bộ này chưa được tiến hành bài bản, mới chỉ dừng lại ở những ghi chép sơ bộ về chi phí điện năng hay nhiệt năng, trong khi yêu cầu phải là việc ghi chép cụ thể, chi tiết những trạng thái làm việc của các trang thiết bị, hay vấn đề phân công người chịu trách nhiệm tại các khu vực sản xuất…
Theo Báo Công Thương