Thứ bảy, 21/12/2024 | 23:54 GMT+7
Năm 2021, dự án Nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng trong các tòa nhà thương mại và chung cư cao tầng tại Việt Nam (EECB) đặt mục tiêu hoàn thành một số kết quả đã cam kết, hỗ trợ Bộ Xây dựng sửa đổi Nghị định về khuyến khích công trình hiệu quả năng lượng và đô thị xanh và tổ chức hội thảo tham vấn liên quan; trình Bộ Khoa học và Công nghệ thẩm định, công bố 6 tiêu chuẩn về đường tiêu thụ năng lượng đặc trưng, định mức tiêu thụ năng lượng trong công trình; hoàn thiện các báo cáo đánh giá và giám sát kết quả thực hiện dự án.
Dự án EECB do Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF) tài trợ thông qua Chương trình Phát triển Liên Hiệp quốc (UNDP) với mục tiêu dài hạn là cắt giảm cường độ phát thải các khí hiệu ứng nhà kính (GHG) từ ngành xây dựng ở Việt Nam và mục tiêu trực tiếp là cải thiện việc sử dụng năng lượng của các tòa nhà thương mại, chung cư cao tầng tại Việt Nam.
Theo ông Vũ Ngọc Anh - Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường (Bộ Xây dựng) - Giám đốc dự án EECB, năm 2021, dự án sẽ tập trung hoàn thành báo cáo xây dựng đường tiêu thụ năng lượng đặc trưng, định mức năng lượng và trình Bộ Xây dựng thông qua; hoàn thành cơ chế chứng nhận tiêu thụ năng lượng và công bố thông tin tiêu thụ năng lượng; hoàn thành xây dựng tài liệu hướng dẫn thiết kế, thi công và nghiệm thu công trình hiệu quả năng lượng, cải tạo công trình hiệu quả năng lượng.
Cùng đó, dự án còn mở rộng đánh giá, xây dựng đường tiêu thụ năng lượng đặc trưng, định mức năng lượng cho một số loại hình công trình; hoàn thành nâng cấp phần mềm OTTV phiên bản web; hoàn thành xây dựng các bài học từ hợp phần trình diễn và chia sẻ các kết quả; thí điểm đánh giá chứng nhận công trình xanh một công trình do Dự án EECB hỗ trợ; đánh giá tiềm năng cải tạo công trình hiệu quả năng lượng trong giai đoạn tiếp theo.
Thời gian qua, dự án đã hoàn thành khảo sát tiêu thụ năng lượng ở 250 công trình; hoàn thành tham vấn thí điểm đo lường, chứng nhận công trình hiệu quả năng lượng và công khai thông tin về sử dụng năng lượng trong công trình; xây dựng hướng dẫn thiết kế tiết kiệm năng lượng đạt quy chuẩn Việt Nam vượt chuẩn công trình cao tầng; dự thảo sơ bộ cơ chế khuyến khích phát triển công trình cao tầng sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Trong khuôn khổ dự án, nhiều khóa tập huấn được tổ chức trên phạm vi toàn quốc.
EECB đã lựa chọn thêm 4 công trình cải tạo tham gia dự án trình diễn giải pháp công nghệ tiết kiệm năng lượng; nghiên cứu hiệu năng của các công trình bổ sung và lập báo cáo đánh giá hiệu năng công trình, khuyến nghị giảm mức tiêu thụ năng lượng; hỗ trợ kỹ thuật 17 công trình. Hiện Ban quản lý đang xây dựng bài học kinh nghiệm từ quá trình hỗ trợ kỹ thuật nhằm chia sẻ rộng rãi kết quả của dự án.
Theo báo cáo cập nhật kết quả thực hiện, đến nay dự án đã đạt và vượt mục tiêu ở 11/14 kết quả đầu ra (còn 1/14 kết quả chưa đánh giá, 2/14 kết quả đầu ra đang tiếp tục được hoàn thiện). Trong số này có nhiều mục tiêu quan trọng như: hoàn thành góp ý Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; hoàn thành nội dung góp ý sửa đổi, bổ sung Luật Xây dựng về tiết kiệm năng lượng trong hoạt động xây dựng nói chung và trong công trình xây dựng nói riêng; hỗ trợ Bộ Xây dựng soạn thảo 5 tiêu chuẩn về đặc tính hiệu quả năng lượng của vật liệu xây dựng và dự thảo 6 tiêu chuẩn về định mức hiệu quả năng lượng trong công trình; cập nhật các định mức kinh tế kỹ thuật xây dựng công trình hiệu quả năng lượng...
Hiện EECB đang hỗ trợ Bộ Xây dựng sửa đổi Nghị định quản lý dự án và quản lý chất lượng công trình, hướng dẫn thi hành Luật Sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Xây dựng và Thông tư về khuyến khích phát triển công trình hiệu quả năng lượng; hỗ trợ Bộ Công Thương sửa đổi bổ sung Nghị định 21 hướng dẫn thi hành Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; công bố cơ sở dữ liệu các loại sản phẩm vật liệu xây dựng và thiết bị công trình hiệu quả năng lượng trên website của Bộ Xây dựng và tập huấn sử dụng cơ sở dữ liệu này...
Đánh giá về quá trình triển khai dự án trong thời gian qua, bà Sitara Syed - Phó Trưởng đại diện Thường trực UNDP tại Việt Nam nhận xét, các bên liên quan đã rất nỗ lực nhưng cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ, đồng thời áp dụng linh hoạt nhiều giải pháp khác nhau nhằm sử dụng hiệu quả nhất những kết quả, sản phẩm của dự án.
Theo Bnews