Thứ bảy, 21/12/2024 | 20:24 GMT+7
Mở các lớp tuyên tuyên truyền về tiết kiệm năng lượng (TKNL) cho các cơ quan, doanh nghiệp; tổ chức cho người dân tham quan các mô hình tiêu biểu trong TKNL; lồng ghép chương trình tuyên truyền TKNL thông qua hoạt động của các cấp, hội tại địa phương… đó là cách mà xã Thụy Thanh (huyện Thái Thụy, Thái Bình) đang áp dụng.
Công ty TNHH May Tiến Thuận đầu tư hệ thống máy móc, dây chuyền hiện đại giúp hạn chế tiêu hao nhiều năng lượng
Các hoạt động này để tạo cho người dân thói quen sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả. Điều đó cho thấy, TKNL không còn là hình thức mà đã thực sự ăn sâu vào ý thức của mỗi người dân nơi đây.
Năm 2013, Thụy Thanh được UBND tỉnh Thái Bình cấp bằng công nhận xã đa nghề, với các ngành nghề sản xuất chủ yếu như: May mặc, sản xuất lưỡi câu, chiếu cói…, do vậy, nhu cầu sử dụng nguồn năng lượng của nhân dân ngày càng lớn, đặt địa phương đứng trước nguy cơ quá tải, cấp điện không liên tục và ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, nhờ thực hiện tốt các biện pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm, chất lượng cuộc sống người dân được nâng lên và kinh tế của địa phương phát triển bền vững.
Hiện nay, toàn xã có 2.483 hộ với 7.528 nhân khẩu. Các loại ngành nghề phát triển kéo theo nhu cầu sử dụng năng lượng, trong đó có điện năng tăng theo. Trên địa bàn xã Thụy Thanh, lượng điện sử dụng bình quân là 298.000 kWh/tháng, tương đương 542 triệu đồng. Nếu không có biện pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm thì lượng điện năng tiêu thụ của địa phương sẽ còn tiếp tục tăng, dẫn tới nguy cơ quá tải hệ thống điện và người dân tiêu tốn nhiều tiền bạc cho nhu cầu sử dụng điện.
Thấy rõ thực trạng đó, thời gian qua, xã Thụy Thanh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động hộ sản xuất, kinh doanh và các hộ gia đình sử dụng tiết kiệm điện. Bằng nhiều hình thức tuyên truyền: Hội nghị, tư vấn, Đài Truyền thanh xã xây dựng chuyên mục TKNL phát hàng tuần nên các tầng lớp nhân dân trong xã đã nâng cao nhận thức về mục đích, ý nghĩa, lợi ích của việc sử dụng tiết kiệm điện (TKĐ) năng. Đặc biệt, có sự phối hợp với Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh mở các lớp tuyên truyền về TKNL cho người dân trong toàn xã, nhờ đó người dân địa phương đã ý thức hơn việc sử dụng các biện pháp để có thể giúp TKNL tại gia đình mình.
Ông Nguyễn Công Dự - Giám đốc Công ty TNHH May Tiến Thuận chia sẻ: “Công ty tôi chuyên sản xuất, gia công các mặt hàng may mặc như quần áo, vì thế lượng điện năng tiêu thụ hàng tháng là rất lớn do phải sử dụng rất nhiều máy móc như: Máy khâu, máy ép keo, máy thùa khuy, nồi hơi, máy xử lý vải… Mỗi tháng gia đình tôi phải chi trả khoảng 20 triệu đồng tiền điện, số tiền này cũng tương đối lớn. Để cải thiện điều này, tôi đã đầu tư các loại máy móc, dây chuyền phục vụ sản xuất với trang thiết bị công nghệ hiện đại, tiết kiệm tối đa điện năng và áp dụng quy trình vận hành, chế độ duy tu, bảo dưỡng phương tiện, thiết bị trong dây chuyền sản xuất, thay thế các thiết bị tiêu hao điện ít hơn, trong đó, toàn bộ hệ thống điện tại nhà xưởng sản xuất đều sử dụng đèn Led thắp sáng. Đồng thời cũng yêu cầu toàn bộ công nhân sử dụng điện tiết kiệm, khi hết giờ làm phải tắt hết bóng điện và các loại máy móc”.
Ông Nguyễn Quang Huyển – Chủ tịch UBND xã Thụy Thanh cho biết: “Nếu hàng tháng toàn xã chỉ cần tiết kiệm 10% sản lượng điện sử dụng thì sẽ tiết kiệm được số tiền không nhỏ (hơn 54 triệu đồng). Chính vì thế, xã sẽ tiếp tục tuyên truyền, phổ biến, thông tin, vận động nhằm nâng cao nhận thức về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, đưa chương trình TKNL thành hoạt động thường xuyên trong đời sống. Đặc biệt, đối với các doanh nghiệp có hệ thống dây chuyền sản xuất tiêu thụ nhiều năng lượng, chúng tôi sẽ tăng cường tuyên truyền, vận động họ nghiên cứu thay thế bằng các loại máy móc, thiết bị TKNL, điều này sẽ giúp DN giảm chi phí đầu vào, nâng cao giá trị sản phẩm, tạo sức cạnh tranh trên thị trường”.
Trường Tiểu học Thụy Thanh tận dụng ánh sáng tự nhiên trong quá trình dạy và học.
Công tác tuyên truyền TKNL còn được lan tỏa tại trường học trong xã. Tại trường Tiểu học & THCS Thụy Thanh là một ví dụ, Nhà trường không chỉ nắm vững tình hình sử dụng điện trong toàn đơn vị mà còn sớm đề ra các giải pháp TKĐ. Toàn trường có hơn 600 học sinh, với 22 phòng học, ở mỗi phòng học được trang bị 09 bóng điện, 04 quạt trần và 01 quạt treo tường; 02 phòng học tin học bao gồm 50 máy tính.
Theo cô giáo Lê Thị Yên – Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thụy Thanh: Thời gian qua, Nhà trường đã tuyên truyền vấn đề TKĐ tới tất cả giáo viên và học sinh trong toàn trường thông qua các buổi chào cờ đầu tuần. Đồng thời lồng ghép tuyên truyền trong một số tiết học của các môn học như Đạo đức, Khoa học, hay trong các buổi học ngoại khóa để giúp học sinh dễ hiểu, dễ nhớ. Ở các phòng học, Nhà trường thay thế lắp đặt bằng toàn bộ hệ thống đèn compact TKĐ, và tận dụng việc sử dụng gió và ánh sáng tự nhiên.
So với việc sử dụng bóng đèn sợi đốt và huỳnh quang thời kỳ đầu thì việc sử dụng đèn compact đã tiết kiệm được 30% tổng số tiền điện tiêu thụ hàng tháng của Nhà trường. Tại mỗi lớp học, sẽ giao cho một học sinh phụ trách việc tắt các thiết bị điện khi tan học, vào cuối buổi học sẽ có nhân viên bảo vệ đi kiểm tra. Nhà trường nghiêm túc thực hiện công tác TKNL theo đúng sự chỉ đạo từ Trung ương và chính quyền địa phương.
Có thể nói chủ trương “tiết kiệm, ích nước lợi nhà” đang và sẽ được người dân tại Thái Bình nói riêng và cả nước nói chung hưởng ứng bằng những việc làm cụ thể, dần dần đi vào nếp sống hàng ngày. Rõ ràng, để TKNL không còn là hình thức, là những văn bản mà biến thành hành động đòi hỏi cần sự chung tay, góp sức từ các tổ chức, cá nhân, có như vậy thì công tác TKNL mới thực sự có chuyển biến tích cực và đem lại hiệu quả cao.
Theo: CN&TD