Thứ bảy, 21/12/2024 | 19:48 GMT+7
Hiện trạng
Đáp ứng lời kêu gọi chung của Liên Hiệp Quốc (LHQ) tới các quốc gia trên thế giới chung tay hành động giảm tốc độ nóng lên toàn cầu dưới 2 độ C vào năm 2100, Việt Nam đã cam kết sẽ giảm 8% khí nhà kính (KNK) so với kịch bản phát triển bình thường (BAU) vào năm 2030 và có thể giảm tới 25%, nếu có trợ giúp quốc tế.
Nghị quyết 55-NQ/TW cũng xác định mục tiêu giảm phát thải KNK so với kịch bản BAU ở mức 15% vào năm 2030 và 20% năm 2045 với nhiều giải pháp chủ yếu.
Trong đó, cụ thể có giải pháp giảm mức tiêu thụ năng lượng và đẩy mạnh khai thác hiệu quả sử dụng năng lượng trong các lĩnh vực công nghiệp, giao thông vận tải và sinh hoạt gia dụng, đặc biệt là các khách sạn, trung tâm thương mại, văn phòng… là biện pháp mang tính khả thi cao, chi phí ít tốn kém do điều kiện công nghệ & thiết bị đã phát triển.
Thống kê cho thấy, 35-40% lượng năng lượng tiêu thụ tại đô thị là từ các tòa nhà cao tầng như khách sạn, tòa nhà văn phòng, trung tâm thương mại, khu công nghiệp. Tốc độ phát triển các công trình thuộc dạng này ngày càng tăng dự báo nhu cầu tiêu thụ năng lượng ngày càng lớn.
Nhưng hầu hết các công trình xây dựng tại Việt Nam khi tiến hành thiết kế chưa tính đến việc tích hợp các giải pháp sử dụng năng lượng hiệu quả. Các giải pháp này bao gồm hệ thống chiếu sáng tiết kiệm điện, tận dụng thông gió - làm mát - sưởi ấm tự nhiên, sử dụng vật liệu cách nhiệt… Điều này gây ra tình trạng thất thoát nhiệt và tiêu thụ điện năng lớn trong quá trình vận hành, sử dụng các công trình.
Trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đang trên đà tăng trưởng xây dựng cao, khoảng 6-7% mỗi năm với mảng công trình dân dụng, thương mại cỡ lớn, thì điều này đã và sẽ gây ra sự lãng phí không nhỏ.
Rào cản và giải pháp
Các chuyên gia năng lượng cho rằng có hai giải pháp giúp giải quyết tình trạng này: công nghệ và thiết bị.
Về công nghệ, lắp đặt cửa sổ các tòa nhà bằng kính năng lượng thấp (Low-e glass) để giảm truyền nhiệt từ trong ra ngoài và từ ngoài vào trong tòa nhà. Loại kính này giúp tiết kiệm khoảng 5% năng lượng.
Hai là sử dụng phim cách ly (insulation film) khống chế cho ánh nắng đi qua nhưng phản xạ lại các tia cực tím (UV), ánh sáng chói và hơi nóng.
Ba là sử dụng sơn phản xạ nhiệt. Loại sơn này giúp cho các bề mặt của tòa nhà phản xạ nhiệt tốt hơn đến 80%, do đó nhiệt độ trong nhà sẽ mát hơn và tiết kiệm được điện năng làm mát.
Về thiết bị, máy biến áp hiệu quả năng lượng với lõi thép silic (silicon steel) là giải pháp được đánh giá khá tối ưu và hiệu quả. Thiết bị này được sử dụng cho lưới điện phân phối có tác dụng giảm tổn thất trong máy đến 50% so với máy biến áp thông thường. Cùng với đó có thể dùng hệ thống quản lý thông minh tòa nhà (BMS) tiết kiệm 12% lượng điện tiêu thụ.
Chiếu sáng bằng đèn LED tiết kiệm điện năng khoảng 30-40% so với đèn huỳnh quang. Đèn LED cảm biến có khả năng tự động bật/tắt còn giúp tiết kiệm điện hơn so với mức trên.
Sử dụng hộp tiết kiệm điện chiếu sáng SUPERDIM tiết kiệm khoảng 30% điện năng chiếu sáng.
Về thiết bị điều hoà nhiệt độ tiết kiệm điện hiệu quả có thể kể đến hệ thống đóng/mở sử dụng thể tích, lưu lượng môi chất biến đổi (VRV/VRF) tiết kiệm đến 50% điện năng tiêu thụ so với hệ thống bật/tắt bình thường.
Thu hồi nhiệt đối từ các hệ thống thông gió và điều hòa không khí tiết kiệm 5-20% điện năng. Các hệ thống nhiệt chỉ lưu trữ nước đá, và hệ thống nhiệt lưu trữ nước đá kết hợp làm mát bằng điều hòa không khí tiết kiệm 25-30% điện năng.
Thêm vào đó, hệ thống đun nước nóng năng lượng mặt trời giúp tiết kiệm điện đến 85%.
Trên đây là các giải pháp được nhận định đem lại hiệu quả tiết kiệm năng lượng đáng kể.
Mặc dù hiệu quả đáng kể, chi phí không quá tốn kém nhưng các giải pháp trên lại chưa được áp dụng phổ biến tại Việt Nam do 3 lý do: thiếu sự tin tưởng, thiếu công nghệ và thiếu vốn. Trong đó, sự thiếu tin tưởng vào có thể coi là quan trọng nhất.
Để vượt qua các rào cản này, các chuyên gia nhận định cần có cơ chế, chính sách để TKNL trở thành hoạt động thường nhật tại các công trình, toà nhà và đời sống đô thị.
Bình Minh tổng hợp