Thứ năm, 21/11/2024 | 22:04 GMT+7
Ngày 10/3, tại Hà Nội, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) Võ Quang Lâm đã chủ trì cuộc họp về tình hình sử dụng điện hiệu quả trong tòa nhà EVN.
Theo ông Bùi Công Luận, Chánh Văn phòng Tập đoàn, Tòa nhà EVN được đầu tư những hệ thống trang thiết bị công nghệ hiện đại, hiệu suất sử dụng năng lượng cao.
Điển hình, hệ thống điều hòa không khí - một trong những thiết bị vốn tiêu thụ nhiều năng lượng nhất, được EVN trang bị 4 cụm máy chiller (máy phát sinh ra nguồn lạnh), có khả năng điều khiển công suất lạnh từ 10 - 100% và có phần mềm tính toán để công suất lạnh theo nhu cầu thực tế.
Tòa nhà EVN còn được lắp đặt tường bao chủ yếu bằng kính tận dụng tối đa ánh sáng tự nhiên, tiết kiệm điện cho hệ thống chiếu sáng. Vào mùa hè, để hạn chế hơi nóng từ bên ngoài, Tòa nhà được trang bị hệ thống rèm, có tác dụng ngăn nhiệt, góp phần giảm tải công suất hoạt động của hệ thống điều hòa từ 15-30%...
Không chỉ trang bị công nghệ hiện đại, Tòa nhà EVN còn ứng dụng hệ thống quản lý BMS - hệ thống quản lý cho nhiều giao diện tiện ích, giúp kiểm soát các thông số hoạt động của máy biến áp chiller, bơm giải nhiệt, bơm nước lạnh, AHU, hệ thống chiếu sáng một cách hợp lý, vừa đáp ứng được các hoạt động của Tòa nhà, vừa tiết kiệm điện năng.
Tòa nhà EVN ứng dụng nhiều công nghệ hiện đại, tiết kiệm năng lượng hiệu quả - Ảnh: H.Hiếu.
Theo đó, việc điều khiển tự động cho phép Ban quản lý Tòa nhà tiết giảm tối đa hệ thống chiếu sáng, điều hòa ở những khu vực không cần thiết vào từng thời điểm, trên cơ sở nhu cầu thực tế. Cụ thể, hệ thống điều khiển sẽ tắt toàn bộ điều hòa của khu vực bếp ăn tầng 5 và tầng 33 sau 14 giờ hằng ngày. Đến 17 giờ, trước giờ tan tầm khoảng 30 phút, tắt toàn bộ hệ thống điều hòa của Tòa nhà, đồng thời lưu lại nguồn khí lạnh để đẩy vào các tầng, đảm bảo không khí mát cho các văn phòng làm việc.
Ngoài ra, Ban quản lý Tòa nhà cũng tiến hành tắt 100% hệ thống chiếu sáng vào giờ nghỉ trưa tại khu vực khối đế (phòng họp, hội trường, nhà truyền thống...), và tất cả khu vực văn phòng làm việc, hành lang các tầng vào buổi tối; tiết giảm tối đa hệ thống chiếu sáng công cộng như hành lang, tầng hầm từ 50-70% tùy thời điểm... Việc tiết giảm này đã góp phần tiết kiệm khoảng 3,6 triệu đồng tiền điện/ngày.
Theo Chánh Văn phòng EVN, năm 2019, dù số lượng người làm việc tại tòa nhà tăng lên, nhưng sản lượng điện tiết kiệm đối với hệ thống kỹ thuật của tòa nhà đạt gần 480.000kWh, tiết kiệm được 8,9% tổng công suất điện tiêu thụ của tòa nhà trong năm.
Thời gian tới, EVN cũng sẽ triển khai thay thế toàn bộ hệ thống đèn chiếu sáng của tòa nhà sang sử dụng đèn Led, cũng như thực hiện tự động cắt điện hành lang và nhà vệ sinh theo giờ quy định.
Phát biểu chỉ đạo tại buổi họp, Phó Tổng giám đốc EVN Võ Quang Lâm đánh giá cao việc quản lý, vận hành tòa nhà EVN của Văn phòng EVN cũng như các đơn vị.Phó Tổng giám đốc EVN yêu cầu Ban Quản lý năng lượng tòa nhà EVN tiếp tục triển khai các giải pháp nâng cao ý thức trách nhiệm tiết kiệm điện của từng đơn vị trong tòa nhà và cần tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các giải pháp tiết kiệm điện để đạt được kết quả tốt hơn nữa.
Năm 2017, Tòa nhà EVN đã nhận danh hiệu cơ sở, công trình xây dựng sử dụng năng lượng xanh Hà Nội do Ban Chủ nhiệm Chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (UBND TP Hà Nội) phối hợp cùng Hội Khoa học và Công nghệ sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả tổ chức.
Khánh Hà