Thứ hai, 30/12/2024 | 23:53 GMT+7
Tỉnh Quảng Bình nằm trên dải đất miền Trung với gió lào, cát trắng cùng cái nắng nóng chói chang, gay gắt. Thêm vào đó sự tác động của biến đổi khí hậu, mưa bão thường xuyên, nóng bức kéo dài. Vì thế, tình trạng khan hiếm điện hay nguồn điện áp thiếu ổn định xảy ra thường xuyên. Đặc biệt tại các vùng sâu, vùng xa, việc cung cấp đủ nguồn điện đảm bảo nhu cầu sinh hoạt cho người dân lại càng khó khăn hơn gấp bội.
Điện mặt trời, nguồn cấp điện độc lập tại các xã vùng sâu, vùng xa của tỉnh Quảng Bình.
Khai thác nguồn năng lượng sẵn có
Nhiều năm qua, Quảng Bình đã có nhiều nỗ lực đưa đường điện lưới quốc gia đến với đồng bào các dân tộc. Đến nay, những nơi có thể kéo điện lưới quốc gia đến đã được thực hiện. Với những địa bàn còn lại do địa hình rừng núi, địa chất đứt gãy, không thể thực hiện việc kéo điện lưới quốc gia do kinh phí quá lớn. Hiện vẫn còn hàng chục thôn bản của các xã miền tây Quảng Bình chưa có điện chiếu sáng, sinh hoạt.
Bởi là xu thế chung, từ việc nghiên cứu ứng dụng nguồn năng lượng gió, năng lượng mặt trời mà Quảng Bình đã có chiến lược đưa năng lượng sạch vào phục vụ đời sống của người dân, trong đó có năng lượng mặt trời với ưu thế: sạch, chi phí nhiên liệu và bảo dưỡng thấp, an toàn cho người sử dụng. Đồng thời, phát triển ngành công nghiệp sản xuất pin mặt trời sẽ góp phần thay thế các nguồn năng lượng hóa thạch, giảm phát thải khí nhà kính. Và đây được coi là nguồn năng lượng quý giá, có thể thay thế những dạng năng lượng cũ đang ngày càng cạn kiệt.
Hiểu rõ vấn đề đó, cùng sự nỗ lực tìm kiếm nguồn vốn, Dự án Cung cấp điện bằng năng lượng mặt trời tỉnh Quảng Bình do Chính phủ Hàn Quốc tài trợ, đã được triển khai xây dựng vào tháng 7/2015, tại xã Tân Trạch (huyện Bố Trạch).
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình ông Nguyễn Hữu Hoài từng cho biết: Dự án cấp điện bằng năng lượng mặt trời tỉnh Quảng Bình (QBSC) cho các bản của 10 xã điện lưới quốc gia không đến được đã được UBND tỉnh Quảng Bình phê duyệt tại Quyết định số 3079/QĐ-UBND ngày 26/11/2011, phê duyệt điều chỉnh tại Quyết định số 1326/QĐ-UBND ngày 11/6/2013 và Quyết định số 1187/QĐ-UBND ngày 7/4/2017. Dự án có tổng mức đầu tư 13,783 triệu USD. Có mục tiêu cung cấp điện năng ổn định và tin cậy cho trên 1.294 hộ gia đình thuộc 46 bản của 9 xã và 78 đơn vị dịch vụ công tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn thuộc 4 huyện Lệ Thủy, Quảng Ninh, Bố Trạch và Minh Hóa.
Ý nghĩa của dự án trên nhằm nâng cao đời sống KT-XH, góp phần xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, an ninh đường biên, đồng thời giảm thiểu tác động tiêu cực vào môi trường trong vùng Di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha - Kẻ Bàng.
Sẽ là hướng đi bền vững
Sau khi hoàn thành và qua vận hành chạy thử, nghiệm thu công trình để đưa vào sử dụng. Đến nay, mỗi xã đã thành lập 1 đơn vị quản lý vận hành hệ thống điện bằng năng lượng mặt trời, chịu sự quản lý, hướng dẫn của UBND xã và sở, ban, ngành liên quan; có trách nhiệm vận hành, tổ chức bảo dưỡng, sửa chữa hệ thống điện năng lượng mặt trời định kỳ theo đúng yêu cầu kỹ thuật; thực hiện việc thu tiền điện, quản lý tài chính, tài sản, phương tiện được giao và nguồn năng lượng điện đã đến được với 1.294 hộ gia đình vùng cao.
Mới đây, UBND tỉnh Quảng Bình đã ban hành quyết định số 3079/QÐ-UBND ngày 09/9/2017 về giá bán điện từ hệ thống cấp điện bằng năng lượng mặt trời tỉnh Quảng Bình cho các khách hàng sử dụng điện. Trong đó, chia làm 2 mức giá là 2.500 đồng/kWh áp dụng cho các hộ dân và 3.500 đồng/kWh đối với các đơn vị dịch vụ công. Đồng thời giao cho Sở Công Thương, Ban Quản lý Dự án Cung cấp điện bằng năng lượng mặt trời tỉnh, phối hợp cùng các sở, ban ngành liên quan và các địa phương có dự án triển khai tổ chức thực hiện quyết định. Thời gian áp dụng từ ngày 01/9/2017.
Như vậy, có thể thấy được rằng, việc sử dụng nguồn điện năng này giúp giải quyết được tình trạng thiếu điện, chưa có điện ở những vùng khó khăn, giúp tiết kiệm tiền điện hàng tháng, hơn nữa tạo ra một nguồn điện độc lập và bảo vệ môi trường, có thể cung cấp nguồn điện liên tục kể cả khi điện lưới bị cắt. Ngoài ra, việc sử dụng điện năng lượng mặt trời như một nguồn năng lượng tại chỗ thay thế cho các dạng năng lượng truyền thống đã giúp giảm tải nhu cầu ngày càng tăng lên về năng lượng cho quốc gia, góp phần phát triển kinh tế và đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Tuy vậy, mặc dù năng lượng mặt trời ở dạng “nguyên liệu thô”, nhưng chi phí đầu tư để khai thác, sử dụng lại rất cao do công nghệ, thiết bị sản xuất đều nhập từ nước ngoài. Phần lớn những dự án điện mặt trời đã và đang triển khai đều sử dụng nguồn vốn tài trợ hoặc vốn vay nước ngoài. Do đó, cần sử dụng một cách có hiệu quả, bảo đảm các khâu vận hành, bảo dưỡng các thiết bị để sử dụng lâu dài.
Theo Báo Xây dựng