Thứ sáu, 01/11/2024 | 22:30 GMT+7
Với điều kiện tự nhiên thuận lợi, Sóc Trăng có tiềm năng lợi thế trong phát triển kinh tế biển, nhất là trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản. Nhiều năm qua, tôm nước lợ tiếp tục được khẳng định là một thế mạnh và trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Sóc Trăng với hai đối tượng chủ lực là tôm sú và tôm thẻ chân trắng, mang lại giá trị kinh tế cao và thu nhập cho người dân.
Mô hình nuôi tôm tại Sóc Trăng. Ảnh: TTXVN
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng, trong 6 tháng năm 2017, toàn tỉnh Sóc Trăng thả nuôi 39.342,6 ha, đạt 58% kế hoạch và tăng 18,6% so với cùng kỳ.
Hình thức nuôi tôm cần phải đầu tư về vật chất và trang bị kỹ thuật nuôi khá hoàn thiện. Quá trình nuôi có sử dụng quạt nước để tạo oxy, là khâu chủ yếu sử dụng điện trong nuôi tôm. Do đó theo Công ty Điện lực Sóc Trăng, cần quảng bá các giải pháp tiết kiệm điện, góp phần giảm áp lực về cung cấp điện, giảm chi phí đầu vào cho các hộ dân nuôi tôm và nâng cao sức cạnh tranh sản phẩm.
Thực hiện triển khai thí điểm “Chương trình hỗ trợ tiết kiệm điện cho các hộ nuôi tôm sử dụng thiết bị hiệu suất thấp”, Công ty Điện lực Sóc Trăng đã gửi nhiều văn bản đến UBND huyện, Hội Nông dân, phòng Kinh tế, phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các huyện Cù Lao Dung, Mỹ Xuyên, Trần Đề và thị xã Vĩnh Châu đề nghị hỗ trợ, chỉ đạo đến các ngành, các cấp chính quyền địa phương và các tổ chức đoàn thể phối hợp với Công ty, Điện lực trong quá trình thực hiện Chương trình.
Song song với đó, Công ty đã tuyên truyền Chương trình trên Đài Phát thanh Truyền hình Sóc Trăng, báo Sóc Trăng, Đài Truyền thanh địa phương thông tin rộng rãi đến hộ dân về lợi ích tiết kiệm điện trong nuôi tôm khi thực hiện các giải pháp tiết kiệm điện để đăng ký tham gia Chương trình.
Ngoài ra, để quảng bá rộng rãi mô hình Tiết kiệm điện trong nuôi tôm đến người dân mang tính trực quan sinh động hơn, Công ty Điện lực Sóc Trăng đã triển khai điểm trình diễn Mô hình Tiết kiệm điện trong nuôi tôm tại phường Khánh Hòa, thị xã Vĩnh Châu.
Qua đó, giới thiệu đến các hộ nuôi tôm 2 giải pháp: sử dụng gối đỡ con lăn thay thế gối đỡ chữ U cho dàn quạt; xử lý trục quay của dàn quạt đồng trục với trục quay của động cơ.
Quá trình nuôi có sử dụng quạt nước để tạo oxy, là khâu chủ yếu sử dụng điện trong nuôi tôm. Ảnh: Huỳnh Sử-TTXVN
Theo đó, Công ty đã phối hợp với các HTX nuôi trồng thủy sản Hòa Nghĩa, Toàn Thắng của thị xã Vĩnh Châu và HTX Hưng Phú của huyện Cù Lao Dung tổ chức 3 buổi hội thảo triển khai Chương trình.
Đồng thời thuê đất và thiết bị làm điểm trình diễn Mô hình thực nghiệm các giải pháp tiết kiệm điện trong nuôi tôm, tại phường Khánh Hòa, thị xã Vĩnh Châu. Tính đến ngày 7/8 vừa qua, Công ty đã thi công lắp đặt cho các địa bàn trên được 1.386 dàn quạt/tổng số dàn quạt đăng ký là 1.807.
Theo ông Huỳnh Minh Hải, Giám đốc Công ty Điện lực Sóc Trăng, số dàn quạt còn lại lắp đặt còn chậm so với kế hoạch là do từ lúc triển khai tháng 2/2017 các hộ chưa thả nuôi, độ mặn của chưa phù hợp, phơi ao.…
Thời điểm đó tình hình nắng nóng, độ mặn cao, dẫn đến tôm chết hàng loạt, nên các hộ nuôi tôm chưa triển khai việc thả nuôi…. Bên cạnh đó, do có trở ngại trong việc mua sắm cung cấp gối đỡ con lăn, phải đến đầu tháng 6/2017 mới cung cấp đủ số lượng gối đỡ con lăn do vậy một số hộ chưa lắp đặt được đã thả nuôi trước do đó tiến độ bị chậm lại.
Thông tin từ Chi cục Thủy sản thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Sóc Trăng cho thấy, hiện nay tại các huyện/thị xã vùng tôm của Sóc Trăng đang áp dụng mô hình về tiết kiệm điện trong nuôi tôm chiếm khoảng 30% gồm: mô hình như truyền thống, có kết hợp dùng gối đỡ con lăn; mô hình dùng gối đỡ con lăn và tạo đồng trục; mô hình sử dụng hộp số bánh răng (không dùng dây curoa), kết hợp dùng gối đỡ con lăn, hoặc tạo đồng trục (hoặc kết hợp cả hai); mô hình điều chỉnh số lượng dàn quạt theo cảm biến hàm lượng ô-xy hòa tan…. Riêng mô hình truyền thống (hộ nuôi nhỏ lẻ), chiếm khoảng 70% thì chưa áp dụng mô hình tiết kiệm điện.
Bên cạnh việc triển khai thí điểm Chương trình hỗ trợ tiết kiệm điện cho các hộ nuôi tôm sử dụng thiết bị hiệu suất thấp, Công ty Điện lực Sóc Trăng còn triển khai áp dụng các biện pháp an toàn điện đến các hộ nuôi tôm như duy trì nhiều hình thức tuyên truyền kiến thức an toàn điện trên các phương tiện thông tin, tuyên truyền đến các tổ chức hội, đoàn thể.
Đặc biệt tập trung nhiều chủ đề liên quan đến các hộ nuôi tôm như: "An toàn điện vùng nuôi trồng thủy sản Sóc Trăng"; "Hướng dẫn người dân các biện pháp an toàn khi sử dụng mô tơ điện". Đồng thời tuyên truyền viên Điện lực kết hợp các buổi họp dân tuyên truyền, hướng dẫn trực tiếp người dân sử dụng mô tơ nối đất an toàn cho động cơ điện tại 11 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh.
Đánh giá về việc triển khai áp dụng các giải pháp, mô hình tiết kiệm điện trong các hộ nuôi tôm ở Sóc Trăng, ông Huỳnh Minh Hải cho rằng trước khi Công ty Điện lực Sóc Trăng quảng bá giải pháp/mô hình, một số hộ dân nuôi tôm (các trang trại nuôi công nghiệp và bán công nghiệp) cũng đã tìm tòi, thử nghiệm các giải pháp tiết kiệm điện trong nuôi tôm. Tuy nhiên, phần lớn hộ nuôi tôm chưa biết hoặc chưa áp dụng các giải pháp/mô hình này.
Công ty Điện lực Sóc Trăng còn triển khai áp dụng các biện pháp an toàn điện đến các hộ nuôi tôm. Ảnh minh họa: Huỳnh Thế Anh-TTXVN
Trong tháng 5 vừa qua, Công ty Điện lực Sóc Trăng đã có văn bản số gửi Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng xin ý kiến đánh giá hiệu quả mang lại từ mô hình Chương trình hỗ trợ tiết kiệm điện cho các hộ nuôi tôm sử dụng thiết bị hiệu suất thấp.
Ngày 23/6/2017, Sở Công Thương tỉnh đã có văn bản số 701/SCT-QLNL đánh giá đây là mô hình tiết kiệm điện. Vì vậy Giám đốc Công ty Điện lực Sóc Trăng cho biết, trong thời gian tới Công ty sẽ quảng bá thêm mô hình “Sử dụng hộp số giảm tốc thay bộ phận truyền động từ sử dụng dây curoa” để tiết kiệm điện trong nuôi tôm.
Theo ông Huỳnh Minh Hải, việc thí điểm thực hiện Chương trình chỉ trong phạm vi 161 hộ/110 ha, chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong tổng số diện tích nuôi tôm toàn tỉnh Sóc Trăng là hơn 50.000 ha. Để mở rộng thực hiện Chương trình tại Sóc Trăng và ra các địa phương khác, Công ty đề xuất triển khai tiếp cho các hộ còn lại (đã đăng ký tham gia chương trình mà chưa lắp đặt được) cho vụ 2 nuôi tôm kế tiếp là đến tháng 10/2017.
Bên cạnh đó, bổ sung hợp đồng thuê để duy trì Điểm trình diễn mô hình thực nghiệm hiện nay ở xã Khánh Hòa, thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng thêm một thời gian nữa và kéo dài đến hết vụ tôm năm 2017 (tức đến tháng 12/2017) để các tổ chức, cá nhân, hộ dân nuôi tôm trong và ngoài tỉnh có nhu cầu tìm hiểu đến tham quan./.
Theo Thông tẫn xã Việt Nam