Thứ sáu, 22/11/2024 | 10:42 GMT+7
Mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh tại huyện Hòa Bình, Bạc Liêu. Ảnh: Huỳnh Sử-TTXVN
Diện tích nuôi tôm tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang phát triển rất nhanh và chiếm đến trên 75% diện tích nuôi tôm của cả nước. Thống kê của ngành nông nghiệp cho thấy, 7 tháng qua, các tỉnh trong vùng đều tăng cả về diện tích lẫn sản lượng so với năm 2016.
Cụ thể, tôm sú tăng 112,5% về sản lượng và diện tích nuôi cũng tăng 102,6%; sản lượng tôm thẻ chân trắng tăng 135% và diện tích nuôi tăng 124,4%. Thực tế này cũng đang báo động mối lo ngại về tình trạng mất an toàn điện khi sử dụng các thiết bị điện (chủ yếu là động cơ điện) tại ao tôm.
Phát triển nhiều hình thức nuôi
Có thể thấy từ những năm 80, nghề nuôi tôm quy mô hàng hóa đã bắt đầu phát triển ở ĐBSCL, bước đầu là mô hình nuôi quảng canh sau đó phát triển dần sang mô hình nuôi quảng canh cải tiến, bán công nghiêp và công nghiệp.
Bên cạnh đó, các hình thức nuôi khác cũng được phát triển bao gồm nuôi tôm kết hợp trồng lúa, tôm - rừng hay tôm - cá. Mỗi một hình thức có các đặc điểm riêng biệt và nó phụ thuộc vào mức độ cũng như tập quán nuôi trồng, các địa điểm nuôi và như vậy có rất nhiều hình thức nuôi.
Tuy nhiên dựa trên 2 tiêu chí kỹ thuật nuôi và phương thức nuôi có thể chia thành 4 hình thức nuôi chính.
Cụ thể, nuôi tôm quảng canh (tự nhiên) là hình thức nuôi tôm đơn giản, hiện chỉ còn một số ít hộ dân nhỏ lẻ áp dụng. Mô hình này không sử dụng nhiều về điện mà chủ yếu dùng điện trong chiếu sáng một vài khu vực nuôi tôm.
Nuôi bán thâm canh (bán công nghiệp) là một trong những hình thức đang phát triển mạnh với diện tích ao nuôi nhỏ từ 0,2 - 0,5 ha. Mô hình này sử dụng điện để vận hành hệ thống dàn quạt tạo oxy nuôi tôm.
Đối với nuôi thâm canh (nuôi công nghiệp) là hình thức nuôi có sự đầu tư và công nghệ quản lý cao với năng suất đạt khoảng từ 100 - 120 tấn/ha/năm, gấp khoảng 15 lần năng suất tôm công nghiệp thông thường.
Với diện tích ao nuôi từ 0,2 - 0,5 ha cần phải đầu tư về cơ sở vật chất và trang bị kỹ thuật nuôi khá hoàn thiện. Sản lượng trung bình của mô hình này là từ 3 - 6 tấn/ha đối với tôm sú và từ 8 - 15 tấn/ha đối với tôm thẻ chân trắng.
Nuôi bán thâm canh (bán công nghiệp) là một trong những hình thức đang phát triển mạnh với diện tích ao nuôi nhỏ từ 0,2 - 0,5 ha. Ảnh: TTXVN
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, nuôi công nghiệp hiện nay đã có nhiều chuyển biến do có sự du nhập từ nhiều loại hình mới với công nghệ khép kín. Vì sử dụng ao cải tạo với diện tích vừa và nhỏ nên chỉ cần từ hai đến bốn dàn quạt tạo oxy cho tôm tùy theo diện tích ao.
Cách làm này giảm tiêu hao điện năng đáng kể do dùng ít thiết bị điện. Tuy nhiên, chi phí để xây dựng mô hình khá lớn vì bình quân một nhà vòm có 18 ao 500 m2 sẽ tốn chi phí khoảng 7 tỷ đồng.
Hiện nay, tại ĐBSCL có sự biến động rất lớn về tỷ lệ giữa tổng diện tích nuôi tôm với diện tích nuôi thâm canh và bán thâm canh. Khi địa phương chưa thật sự chú trọng phát triển về mặt diện tích thì hình thức nuôi được phát triển chuyên sâu hơn sang hướng thâm canh và bán thâm canh.
Nghề nuôi tôm tại đây đã phát triển quá lớn về mặt diện tích dẫn đến khó có thể xây dựng được quy hoạch riêng sát với thực tế, cũng như chưa quy hoạch được vùng chuyên tôm trọng điểm để đầu tư xây dựng đồng bộ về cơ sở hạ tầng từ việc cấp và thoát nước, phát triển các công nghệ nuôi cho năng suất cao thân thiện với môi trường.
Nhận xét từ các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn của các tỉnh trong vùng cho thấy, mặc dù ĐBSCL có diện tích nuôi tôm rất lớn, nuôi dưới nhiều hình thức khác nhau nhưng phần lớn các hộ nuôi tôm vẫn chưa áp dụng các mô hình tiết kiệm điện. Cụ thể, vẫn còn sử dụng động cơ hiệu suất thấp, hao tốn điện năng nên năng suất và hiệu quả tiết kiệm điện chưa cao.
Tại Sóc Trăng, Cà Mau và Bạc Liêu được coi là những vùng nuôi tôm công nghiệp nhiều. Việc các tỉnh đã và đang gia tăng sản lượng tôm nuôi cũng là thách thức đối với cơ quan quản lý nhà nước nói chung và ngành Điện nói riêng khi khuyến khích người dân nuôi tôm áp dụng những giải pháp tiết kiệm điện.
Báo động về an toàn điện
Xuất phát từ các hình thức nuôi tôm ngày càng phát triển và thực tế nuôi tôm tại các tỉnh ĐBSCL đang diễn ra cho thấy tình trạng mất an toàn điện khi sử dụng các thiết bị điện (chủ yếu là động cơ điện) tại ao tôm đang báo động.
Số liệu thống kê tại một số tỉnh có mật độ nuôi tôm cao như Sóc Trăng, Cà Mau và Bạc Liêu cũng minh chứng số vụ tai nạn điện chết người do bất cẩn khi sử dụng thiết bị điện để vận hành dàn quạt tạo oxy nuôi tôm hiện chiếm tỷ lệ cao.
Cụ thể, trong 7 tháng qua, tại Sóc Trăng đã xảy ra 12/18 vụ tai nạn điện trong nuôi tôm trên tổng số vụ tai nạn điện. Hay ở Cà Mau cũng để xảy ra 6/23 vụ tai nạn điện trong nuôi tôm trên tổng số vụ tai nạn điện.
Do đó, nhằm ngăn ngừa số vụ tai nạn điện cho người dân nuôi tôm, Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVN SPC) đã chỉ đạo các Công ty Điện lực trực thuộc thường xuyên bảo trì, bảo dưỡng hoặc nâng cấp đường dây và trạm biến áp không đảm bảo vận hành an toàn. Ông Nguyễn Phước Đức, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty cho biết.
Mạng lưới điện sử dụng tại các đầm tôm công nghiệp được người dân đầu tư sơ sài, nguyên nhân chính dẫn đến gia tăng các tai nạn về điện trong thời gian qua. Ảnh: Huỳnh Thế Anh-TTXVN
Tuy nhiên, theo ông Đức, đối với các đường dây nằm sau công tơ của khách hàng, ngành Điện không can thiệp xử lý được vì đây là tài sản của khách hàng. Trước tình hình đó, ngành Điện cũng đã triển khai các hoạt động tuyên truyền về an toàn điện đến người dân, vận động người dân sử dụng điện an toàn và tiết kiệm. Nâng cao hiệu quả tuyên truyền an toàn điện trong dân.
Cụ thể, để hạn chế mất an toàn điện trong nuôi tôm, EVN SPC khuyến khích người dân thay thế các loại cột đỡ dây điện không đúng tiêu chuẩn bằng trụ bêtông có chiều cao từ 6 - 8,5 mét làm trụ đỡ đường dây và sử dụng giá sắt đỡ sứ cách điện nhằm đảm bảo an toàn điện.
Bên cạnh đó, sử dụng dây bọc cách điện hoặc cáp điện, tiết diện phù hợp với công suất sử dụng. Phải sử dụng đủ dây nóng và dây nguội để đảm bảo an toàn cho người sử dụng.
Trước khi lắp đặt, các Công ty Điện lực khuyến cáo người dân nuôi tôm nên tham khảo Điện lực tại địa phương để được tư vấn lắp đặt và vận hành cho đảm bảo an toàn. Trong quá trình sử dụng phải thường xuyên kiểm tra, có vấn đề gì thì liên hệ ngay Điện lực tại địa phương để được giải quyết và khắc phục kịp thời.
Ngoài ra, người dân đều phải lựa chọn các loại cầu dao, công tắc, ổ cắm điện loại tốt, đảm bảo đúng yêu cầu kỹ thuật và phải được đặt ở nơi khô ráo, thuận tiện cho việc sử dụng, tránh tiếp xúc với nước. Đồng thời kiểm tra và thay thế các loại thiết bị điện không đảm bảo an toàn trong quá trình sử dụng.
Khi sử dụng motor điện để vận hành hệ thống quạt, bơm nước, người dân nên lắp đặt thêm thiết bị chống giật để đảm bảo an toàn; đảm bảo motor được che chắn cẩn thận, tránh ẩm ướt gây mất an toàn điện và có cầu dao riêng để chủ động ngắt nguồn điện khi có sự cố.
Cùng với đó, có chế độ bảo trì, bảo dưỡng, vệ sinh thiết bị điện (motor, cầu dao, công tắc điện…). Khi cần sửa chữa phải cắt hoàn toàn nguồn điện. Khi ra ao kiểm tra nên cẩn thận ngắt nguồn điện để đảm bảo an toàn, nhất là vào mùa mưa bão.
Ngoài ra, người dân cũng thường xuyên kiểm tra hệ thống điện, nhất là các mối nối để kịp thời xử lý. Dây mắc ở ngoài trời sau khoảng hơn một năm sử dụng sẽ bị bong tróc, hở phần lõi dây dẫn gây nguy hiểm khi tiếp xúc. Do vậy, cần thường xuyên kiểm tra đường dây, kịp thời phát hiện để thay thế và có biện pháp xử lý đảm bảo an toàn.
EVNSPC cũng khuyến cáo người nuôi tôm không sử dụng bẫy điện để phòng chống trộm tại ao tôm./.
Theo Thông tấn xã Việt Nam