Thứ hai, 09/12/2024 | 08:04 GMT+7

Tiết kiệm năng lượng cho công trình như thế nào?

26/07/2017

Trong dự án “Thúc đẩy hiệu quả năng lượng trong ngành Xây dựng” (VCEP) thuộc Chương trình Năng lượng sạch USAID Việt Nam, 5 dự án tại Hà Nội và TP.HCM đã được lựa chọn để trình diễn mô phỏng năng lượng công trình.

Trong dự án “Thúc đẩy hiệu quả năng lượng trong ngành Xây dựng” (VCEP) thuộc Chương trình Năng lượng sạch USAID Việt Nam, 5 dự án tại Hà Nội và TP.HCM đã được lựa chọn để trình diễn mô phỏng năng lượng công trình. Với các giải pháp tiết kiệm năng lượng mà dự án đề xuất cho mỗi công trình, khi được thực hiện, 5 công trình trình diễn sẽ giúp tiết giảm 1.000 tấn CO2 mỗi năm. Vậy đâu là các giải pháp mà VCEP đề xuất?

Công trình trụ sở Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (tại Hà Nội) có quy mô 21 tầng nổi, 3 tầng hầm, tổng diện tích 28.159m2, tổng mức đầu tư 650 tỷ đồng. Tại công trình này, VCEP chỉ cung cấp mô phỏng năng lượng để xác định phương án lựa chọn hệ thống thiết bị điều hòa nhằm đạt hiệu quả sử dụng năng lượng tốt nhất. Theo đó, công trình sử dụng hệ thống điều hòa hiệu quả VR4 và hệ thống thu hồi nhiệt cục bộ từng tầng, hệ thống đèn led với mật độ công suất 6W/m2. Các giải pháp này khiến công trình tăng vốn đầu tư 5% nhưng giúp giảm 22,4% năng lượng tiêu thụ so với quy định tối thiểu của Hội đồng Công trình xanh (VGBC) và quy chuẩn QCVN 09:2013. Cụ thể, công trình giảm 619MWh điện tiêu thụ mỗi năm, tương đương giảm 445 tấn CO2 thải ra môi trường, giảm tiền điện khoảng 1,7 tỷ đ/năm.

Công trình Capital Place (TP.HCM) cao 12 tầng, 1 tầng hầm, được đầu tư xây dựng từ năm 2006, với tổng diện tích mặt sàn 6.000m2. Sau một thời gian đưa vào sử dụng, công trình đã xuống cấp, do vậy chủ đầu tư mong muốn tìm kiếm những giải pháp cải tạo công trình một cách toàn diện, giúp giảm đáng kể việc sử dụng năng luợng. VCEP đề xuất 3 giải pháp. Một là bổ sung lớp vỏ bao che công trình, kết hợp hiệu chính lớp vỏ cũ để tạo thành lớp vỏ kép (double skin) có hiệu quả nhiệt năng cao. Đây là một trong những công trình cải tạo đầu tiên ở Việt Nam sử dụng lớp vỏ kép mang lại hiệu năng nhiệt cao và cung cấp ánh sáng tự nhiên tốt nhất cho toàn bộ khu vực văn phòng. Giải pháp này còn đáp ứng được yêu cầu của chủ công trình về đảm bảo phong cách hiện đại nhìn từ bên ngoài của tòa nhà.

Giải pháp thứ 2 VCEP đề xuất là điều chỉnh thiết kế hệ thống chiếu sáng thành Led, tận dụng tối đa chiếu sáng tự nhiên. Giải pháp thứ 3 là kết hợp điều khiển chiếu sáng và phân chia lô đèn.

Kết quả mô phỏng cho thấy mức giảm sử dụng năng lượng là 27,6%, từ 157KWh/m2/năm xuống còn 102KWh/m2/năm, tương đương giảm 184,6 tấn CO2 mỗi năm. Chi phí điện năng cho điều hòa, thông gió và chiếu sáng giảm từ 2,9 tỷ đồng xuống 2,17 tỷ đồng mỗi năm. Diện tích sử dụng sau cải tạo tăng thêm 500m2.

Còn tại công trình tổ hợp nhà ở và căn hộ cho thuê 33 Trúc Bạch (Hà Nội), với tổng diện tích sàn 3.683m2 và tổng mức đầu tư 95 tỷ đồng, chủ đầu tư và tư vấn thiết kế mong muốn công trình không chỉ đẹp về kiến trúc mà còn hiệu quả về năng lượng, tốt về môi trường và tạo nên một xu hướng mới trong thiết kế kiến trúc cho các công trình căn hộ cho thuê. VCEP cũng đề xuất 3 giải pháp, gồm sử dụng hệ thống điều hòa hiệu quả năng lượng cao VRV4; sử dụng đèn Led hiệu suất cao; sử dụng loại kính hộp có hệ số hấp thụ nhiệt mặt trời (SHGC) 0,41 với hệ số truyền sáng 0,37.

Các tính toán ban đầu cho thấy việc áp dụng các biện pháp tiết kiệm năng lượng sẽ giúp giảm 297MWh tiêu thụ năng lượng mỗi năm, tương đương giảm 213 tấn CO2 thải ra môi trường. VCEP đã hỗ trợ điều chỉnh thiết kế phù hợp với các yêu cầu của hệ thống chứng nhận công trình xanh Lotus của VGBC cũng như hỗ trợ chủ đầu tư lập hồ sơ đăng ký chứng chỉ xanh Lotus cho công trình.

Riêng công trình trụ sở TCty Tư vấn xây dựng Việt Nam (VNCC) tại Hà Nội, có quy mô 8 tầng nổi, 2 tầng hầm, diện tích xây dựng công trình khoảng 1.037m2, mật độ xây dựng 63,7%, tổng mức đầu tư 145,6 tỷ đồng, VCEP đề xuất các giải pháp thiết kế tiết kiệm năng lượng nhằm đạt hiệu quả năng lượng mà không làm tăng tổng chi phí đầu tư. Theo đó, công trình được thiết kế chiếu sáng ở mức 300 - 350 lux, đèn Led panel, sử dụng kính 2 lớp với hệ số SHGC 0,38 và hệ thống mành sáo ngang, kết hợp phân chia lô đèn cho các khu vực gần cửa sổ.

Kết quả mô phỏng cho thấy hệ thống điều hòa có thể giảm 17% công suất, từ 1.219KW xuống còn 1.006KW, tương đương giảm chi phí đầu tư khoảng 1,5 tỷ đồng. Hơn thế, việc áp dụng các biện pháp tiết kiệm năng lượng nói trên sẽ giúp trụ sở VNCC giảm 125,4MWh tiêu thụ năng lượng mỗi năm, tương đương giảm 90 tấn CO2 thải ra môi trường, giảm khoảng 350 triệu đồng tiền điện mỗi năm.

Cuối cùng là tòa nhà trung tâm đào tạo cán bộ quản lý năng lượng Hà Nội (ETC) được xây dựng trên khu đất rộng 17.000m2 tại khu công nghệ cao Hòa Lạc (Hà Nội). VCEP đã đề xuất và được chủ đầu tư sử dụng 7/12 giải pháp, gồm sử dụng thông gió tự nhiên; thiết lập nhiệt độ bên trong ở 270C; giảm hệ số hấp thu nhiệt mặt trời của kính; sử dụng thiết bị thu hồi nhiệt; sử dụng gạch không nung; giảm mật độ công suất chiếu sáng; giảm tỷ lệ cửa sổ ở mặt sau.

Theo đánh giá của chuyên gia mô phỏng năng lượng công trình, các biện pháp tiết kiệm nói trên giúp giảm 107,8MWh tiêu thụ năng lượng mỗi năm, tương đương giảm 77 tấn CO2 thải ra môi trường. Mức tăng chi phí đầu tư thiết bị, vật liệu xây dựng của công trình khoảng 25 nghìn USD, song mức tiết kiệm chi phí năng lượng đạt được mỗi năm khoảng 14 nghìn USD, tức là chỉ trong vòng 2 năm sẽ hoàn được vốn đầu tư tăng thêm.

Theo baoxaydung