Thứ sáu, 27/12/2024 | 09:11 GMT+7
Thật đáng tiếc cho các doanh nghiệp lớn của Mỹ. Nhiều năm trời, nỗ lực của họ trong việc giảm khí thải carbon không ngừng bị chỉ trích bởi các nhà hoạt động môi trường, cho rằng đó chỉ là hành vi đánh bóng thương hiệu bằng cách gắn mác thân thiện với môi trường. Giờ đây, sau nhiều tháng trời nỗ lực thuyết phục ông Donald Trump về lợi ích của việc giữ vững Hiệp định Paris về khí hậu thì vị Tổng thống Mỹ lại như tát nước vào mặt họ khi tuyên bố rút khỏi hiệp định này vào ngày 1.6.2017.
Các nhà điều hành doanh nghiệp e ngại, việc rút khỏi Hiệp định sẽ không có ích lợi cho tiếng tăm của nước Mỹ và của chính họ. Vì thế, ngay sau khi ông Trump rút khỏi Hiệp định, hơn 900 doanh nghiệp Mỹ và nhà đầu tư trong đó có Amazon, Twitter, Target và Nike đã ký vào một thư ngỏ gửi đến Liên hiệp Quốc, theo đó cam kết sẽ hỗ trợ giảm khí thải nhà kính của Mỹ xuống 26% vào năm 2025, tiếp tục giữ vững cam kết của Mỹ trước đây. Điều này nghe có vẻ xa vời, nhưng không hẳn vậy.
Trên thực tế, một số doanh nghiệp Mỹ đã và đang xem chuyện đối phó với biến đổi khí hậu là hành động nghiêm túc đến mức một số nhà phê bình cũng phải ngạc nhiên. Bên cạnh các biện pháp tiết kiệm năng lượng, bằng chứng mạnh mẽ cho thấy sự cam kết của các doanh nghiệp Mỹ là số lượng ngày càng nhiều các dự án năng lượng gió và năng lượng mặt trời mà họ đang hỗ trợ phát triển trên khắp thế giới. Các công ty sử dụng các hợp đồng mua điện (PPA) mà theo đó, họ ký các hợp đồng dài hạn mua năng lượng sạch từ những doanh nghiệp phát triển các trang trại năng lượng gió và mặt trời với mức giá được chấp thuận, thay vì mua lượng lớn điện năng từ các công ty dịch vụ công ích, vốn ít khi nào đảm bảo với khách hàng rằng điện họ cung cấp 100% là năng lượng sạch. Tính ra, các công ty lớn cho đến nay đã đẩy mạnh phát triển các trang trại gió và mặt trời tổng cộng lên tới 20GW.
Năm ngoái, các công ty IT của Mỹ như Amazon và Google là những người dẫn đầu nỗ lực này. Họ sử dụng năng lượng sạch để vận hành các trung tâm máy chủ khổng lồ của mình. Gần đây hơn, niềm phấn khích đối với năng lượng sạch không chỉ dừng lại ở các công ty công nghệ mà còn lan sang các ngành sử dụng nhiều điện năng trong đó có các nhà sản xuất. Cơn sốt năng lượng sạch cũng vượt khỏi các doanh nghiệp, lan sang các công ty con trực thuộc, nhà cung ứng của họ, đi từ các thị trường phát triển sang các thị trường mới nổi, nơi chi phí năng lượng gió và năng lượng mặt trời đang giảm mạnh nhất.
Một số nhà hoạt động môi trường hiện xem các doanh nghiệp như đồng minh, thay vì kẻ đối địch trong cuộc chiến chống lại tình trạng trái đất nóng lên và tin rằng họ có thể trở thành các thế lực mạnh mẽ trong cuộc thập tự chinh đưa năng lượng sạch ra khắp thế giới.
Lấy Anheuser-Busch InBev (AB InBev) làm ví dụ. Hãng bia lớn nhất thế giới có không ít khách hàng thuộc thế hệ millennial mà nhiều người trong số này lại rất coi trọng vấn đề bảo vệ môi trường. Điện thì lại chiếm tới 1/10 chi phí của Công ty, theo Tony Milikin, Giám đốc Bền vững của AB InBev. Vào tháng 3 vừa qua, AB InBev đã đặt mục tiêu tăng tỉ trọng năng lượng tái tạo trong hoạt động sản xuất điện từ 7% lên 100% vào năm 2025; trong đó, tới 85% sẽ thông qua các PPA.
Iberdrola, một trong những công ty dịch vụ công ích xanh nhất thế giới, đang xây dựng một trang trại gió 220MW tại Mexico để cung cấp năng lượng sạch cho nhà máy bia lớn nhất của AB InBev từ năm 2019. Con số này giúp cộng thêm tới 5% vào công suất năng lượng tái tạo của Mexico. AB InBev cũng kỳ vọng các PPA khác sẽ nối gót ở Argentina, Brazil, Ấn Độ, Nam Phi và có thể là Trung Quốc. Milikin cho biết Công ty sẽ tích cực đàm phán với các nhà cung cấp như những công ty sản xuất chai và lon nhôm cho AB InBev để khuyến khích họ tham gia vào nỗ lực năng lượng sạch.
Các công ty khác thậm chí còn ráo riết hơn. Walmart, nhà bán lẻ lớn nhất thế giới, hồi tháng 3 cũng nói rằng sẽ yêu cầu các cơ sở hoạt động và những công ty thuộc chuỗi cung ứng của mình giảm lượng thải khí CO2 khoảng 1 tỉ tấn (gọi là dự án Project Gigaton) vào năm 2030, tương tương với việc đưa 211 triệu chiếc xe chở khách ra khỏi các con đường của Mỹ trong một năm. Tuyên bố này nhận được sự hoan nghênh của các tổ chức như Quỹ Quốc tế Bảo vệ thiên nhiên (WWF), vốn đang giúp các nhà cung cấp của Walmart đạt được mục tiêu trên.
Apple, nhà sản xuất iPhone, hồi tháng 4 cũng cho biết 7 trong số những nhà sản xuất lớn trên toàn cầu của Công ty đã cam kết dùng năng lượng sạch trong quy trình sản xuất liên quan đến Apple vào cuối năm tới. Apple cũng đang giúp các nhà cung ứng của mình cải thiện hiệu quả năng lượng.
Một số tập đoàn đa quốc gia cũng đang bắt tay với nhau trong nỗ lực xanh. Chẳng hạn, AkzoNobel, DSM và Philips, đều đến từ Hà Lan, đã bắt tay với Google để mua điện được sản xuất từ một công viên gió ở Hà Lan. Enel Green Power, tập đoàn đa quốc gia về năng lượng tái tạo của Ý và cũng là một trong những đơn vị bán PPA nhiều nhất, đang sắp sửa phát triển năng lượng gió tại Morocco cho các nhà máy xi măng, nhà máy thép và công ty hóa chất ở nước này, theo Antonio Cammisecra, ông chủ Tập đoàn Enel. Enel cũng sẽ xây dựng một nhà máy năng lượng tái tạo cho một dự án khai thác vàng ở Nam Phi. Tại Anh, startup mang tên Squeaky Clean Energy đang kết nối các doanh nghiệp vừa và nhỏ với các trang trại năng lượng gió và mặt trời.
Hervé Touati, thuộc Viện Rocky Mountain (RMI), một tổ chức nghiên cứu năng lượng sạch, tin rằng động cơ lớn nhất cho các doanh nghiệp thực hiện PPA chính là đáp ứng các mục tiêu bền vững, vốn giúp họ cải thiện hình ảnh trước công chúng cũng như giúp thu hút khách hàng, nhân viên và nhà đầu tư. Theo WWF, hơn 20 doanh nghiệp lớn của Mỹ đã cam kết đạt tới 100% năng lượng tái tạo trong tương lai gần.
“Trước đây hầu như không có hành động gì nhưng giờ tôi đã chứng kiến những thay đổi mang tính căn cơ”, Marty Spitzer, đứng đầu chính sách năng lượng tái tạo và khí hậu tại Mỹ thuộc WWF, nhận định.
Theo The economist