Thứ sáu, 22/11/2024 | 02:14 GMT+7
Hai đô thị lớn nhất của Việt Nam là Thủ đô Hà Nội và TP Hồ Chí Minh vừa chính thức tham gia mạng lưới “Các thành phố thế giới”, một sáng kiến do Liên hiệp châu Âu (EU) khởi xướng nhằm mục đích thúc đẩy trao đổi kinh nghiệm và thực tiễn tối ưu giữa các đô thị thuộc EU và các quốc gia ngoài khối về các chính sách phát triển đô thị và khu vực, với trọng tâm là phát triển đô thị bền vững.
Lễ khởi động dự án “Các thành phố thế giới tại Việt Nam: Sự sáng tạo dành cho các thành phố thông minh và xanh” được Phái đoàn EU tại Việt Nam tổ chức ngày 12-6 tại Hà Nội. Theo đó, Hà Nội và TP Hồ Chí Minh sẽ được ghép cặp với hai thành phố châu Âu – Milan (Italia) và Kosice (Slovakia), với mục tiêu hợp tác dựa trên những điểm tương đồng giữa các khu vực liên quan, cụ thể là phát triển đô thị, đối tác nông thôn-thành thị, và hợp tác liên đô thị.
Dự án này cũng đồng thời được triển khai tại Australia, Indonesia, Nam Phi và Hàn Quốc, với tổng trị giá 700 nghìn euro do Tổng cục về Chính sách đô thị và khu vực (DG REGIO) thuộc Ủy ban châu Âu quản lý.
Hợp tác giữa các bên tham gia dự án dựa trên việc xác định những cặp thành phố thí điểm và xây dựng các hành động, giải pháp cụ thể trong ngắn hạn trong lĩnh vực phát triển đô thị bền vững, bao gồm sáng tạo cho đô thị (thành phố thông minh) và các công nghệ xanh (sử dụng năng lượng hiệu quả, sự phát triển với carbon thấp). Chương trình này cũng sẽ khởi động một nền tảng hợp tác trực tuyến nhằm tạo thuận lợi cho việc trao đổi thông tin và các thực tiễn tốt giữa các thành phố, hướng tới thúc đẩy các cơ hội thị trường và tạo ra việc làm, phát triển kinh tế bền vững các thành phố tham gia dự án, qua đó tăng cường sự hợp tác đôi bên cùng có lợi.
Phát biểu tại lễ khởi động, Đại sứ - Trưởng Phái đoàn EU tại Việt Nam, ông Bruno Angelet cho biết, đô thị hóa và các vấn đề liên quan đến phát triển đô thị đang diễn ra với tốc độ cao trên khắp thế giới, kéo theo các vấn đề quan trọng đặt ra đối với chính quyền các thành phố nhằm giải quyết các yêu cầu về phát triển kinh tế-xã hội, an ninh, môi trường… Với dân số đứng thứ 3 tại khu vực Đông - Nam Á và tỷ lệ dân cư sinh sống ở đô thị cao, Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế chung đó, đặc biệt, hai thành phố lớn nhất của Việt Nam là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh cũng đang đứng trước các thách thức về phát triển đô thị bền vững.
Đại sứ Bruno Angelet nhấn mạnh, cả EU và Việt Nam đều nhận thấy phát triển bền vững các thành phố là một yếu tố quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển bền vững trên thế giới. Thông qua thúc đẩy hợp tác giữa Hà Nội và Milan, cũng như giữa TP Hồ Chí Minh và Kosice, EU và các quốc gia thành viên cam kết hợp tác với các đối tác trên toàn thế giới, tạo nên các cơ hội hợp tác thành phố với thành phố, thúc đẩy trao đổi các giải pháp đô thị và học hỏi lẫn nhau để cùng giải quyết những thách thức liên quan đến phát triển bền vững tại các quốc gia đối tác.
Ông Võ Minh Thành, Trưởng Phòng Công nghệ thông tin, Sở Thông tin và Truyền thông TP Hồ Chí Minh chia sẻ, với mục tiêu phát triển thành phố thành một đô thị thông minh, hiện đại và đáng sống, lãnh đạo TP Hồ Chí Minh đã xác định bảy chương trình đột phá, cũng chính là bảy vấn đề mà thành phố đang cần giải quyết, liên quan đến kinh tế, xã hội và đô thị mà thành phố sẽ thực hiện trong năm năm tới, đó là phát triển nguồn nhân lực, cải cách hành chính, phát triển kinh tế, giảm ùn tắc và tai nạn giao thông, chống ngập úng, giảm ô nhiễm môi trường, và chỉnh trang đô thị.
Thông qua việc tận dụng thế mạnh của khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin và truyền thông trong việc triển khai thực hiện bảy chương trình đột phá trên, TP Hồ Chí Minh đặt mục tiêu nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế hướng đến nền kinh tế tri thức, nâng cao năng lực phục vụ người dân, và phát triển đô thị thông minh. Việc tham gia dự án Các thành phố thế giới cũng sẽ tạo điều kiện thúc đẩy hợp tác quốc tế trong các lĩnh vực có liên quan phù hợp với xu thế phát triển đô thị thông minh và bền vững trong tương lai.
Bên cạnh đó, đại diện của các thành phố đối tác của Hà Nội và TP Hồ Chí Minh cũng chia sẻ các giải pháp đã và đang được triển khai tại Milan và Kosice, nhằm hướng tới thúc đẩy hợp tác phát triển thành phố thông minh và xanh giữa hai bên, bao gồm phát triển hệ thống giao thông thông minh; ứng dụng công nghệ thông tin, cung cấp các phần mềm tiện ích hỗ trợ người dùng tìm đường, điểm đến văn hóa - giải trí và tìm vị trí đỗ xe thuận tiện; đẩy mạnh số hóa giấy tờ hành chính; và giải pháp chiếu sáng đô thị thông minh.
TRUNG HƯNG