Thứ bảy, 23/11/2024 | 00:51 GMT+7
Ngay trong những tháng đầu năm 2017, Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVN SPC) đã đưa vào vận hành nhiều dự án cấp điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương, góp phần nâng cao độ an toàn, tin cậy trong cung cấp điện.
Nhân viên EVN SPC đang hoàn tất trạm biến áp Bình Sơn, chuẩn bị cho đóng điện
Tại xã Lộc An (huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai), EVN SPC đã đóng điện đưa vào vận hành công trình trạm biến áp (TBA) 110kV Bình Sơn. Dự án có tổng mức đầu tư 83 tỷ đồng, bao gồm: Xây dựng mới tuyến đường dây 110kV mạch kép và trạm biến áp 110kV, đường truyền SCADA kết nối về Trung tâm Điều độ hệ thống điện miền Nam. TBA này đi vào hoạt động sẽ bảo đảm việc cung cấp điện cho Khu công nghiệp Bình Sơn, Lộc An và phục vụ đời sống sinh hoạt của nhân dân tại các xã Lộc An, Bình Sơn. Đồng thời, tạo liên kết lưới mạch vòng điện 110kV trong khu vực, nâng cao độ ổn định, an toàn, tin cậy trong việc cung cấp điện, góp phần giảm tổn thất điện năng lưới điện.
Vào cuối tháng 1/2017, EVN SPC đã khánh thành và đưa vào hoạt động Dự án Cung cấp điện lưới quốc gia cho các xã đảo gồm: Lại Sơn, Hòn Nghệ và Sơn Hải thuộc tỉnh Kiên Giang. Mục tiêu của dự án nhằm cung cấp điện ổn định, liên tục 24/24 giờ cho các xã đảo của tỉnh Kiên Giang, bao gồm: Xã Lại Sơn, An Sơn, Nam Du (huyện Kiên Hải); xã Hòn Nghệ, Sơn Hải (huyện Kiên Lương); xã Tiên Hải (thị xã Hà Tiên); xã Hòn Thơm (huyện Phú Quốc). Tổng mức đầu tư của dự án là 1.195,54 tỷ đồng.
Theo ông Nguyễn Phước Đức - Phó Tổng giám đốc EVN SPC - Dự án Cấp điện cho các xã đảo trên vùng biển Tây Nam ngoài việc cung cấp điện sinh hoạt, cải thiện cuộc sống của người dân, lực lượng biên phòng, cảnh sát biển trên các xã đảo, còn bảo đảm an ninh quốc phòng, giữ vững chủ quyền quốc gia trên các đảo thuộc vùng biển phía Nam Tổ quốc. Dự án đi vào hoạt động cũng sẽ thúc đẩy phát triển du lịch ở các đảo có tiềm năng như: Đảo Lại Sơn, Hòn Nghệ, Sơn Hải; phát triển các ngành nghề sửa chữa tàu thuyền, ngư cụ, hậu cần nghề cá và nuôi trồng thủy hải sản trên các đảo; giảm gánh nặng chi phí ngân sách phải bù lỗ hàng năm cho các trạm phát điện diesel tại các xã đảo.
Trước đó tại thị trấn Lộc Thắng (huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng), EVN SPC tổ chức nghiệm thu, đóng điện đưa vào vận hành công trình TBA 110kV. Công trình được xây dựng thuộc Dự án Giảm cường độ phát thải trong cung cấp năng lượng điện, có tổng mức đầu tư hơn 45 tỷ đồng, với quy mô công suất trạm 2 x 40MVA; trong đó, giai đoạn đầu lắp đặt một máy biến áp công suất 40MVA – 110/22kV và tuyến đường dây nhánh rẽ 110kV mạch kép. TBA khi đi vào vận hành sẽ góp phần nâng cao năng lực lưới điện khu vực, đáp ứng tăng trưởng nhu cầu sử dụng điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và đời sống sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh của người dân trên địa bàn huyện Bảo Lâm và thành phố Bảo Lộc (tỉnh Lâm Đồng).
Hiện, EVN SPC đang khẩn trương thi công để hoàn thành Dự án Cung cấp điện cho các hộ dân chưa có điện, chủ yếu là đồng bào Khmer tỉnh Kiên Giang, giai đoạn II. Dự án đầu tư cấp điện cho 6.131 hộ dân chưa có điện trên địa bàn tỉnh Kiên Giang. Tổng mức đầu tư là 85 tỷ đồng để thực hiện 89km đường dây trung thế, 216km đường dây hạ thế và tổng dung lượng trạm là 2,655MVA.
Năm 2017, EVN SPC bố trí 8.348 tỷ đồng để thực hiện đầu tư hệ thống điện; trong đó đầu tư thuần cho lưới điện là 6.700 tỷ đồng. Cụ thể: Đưa vào vận hành 570 công trình/dự án lưới điện, tổng công suất trạm 110kV tăng thêm là 4.104MVA, tổng công suất trạm phân phối là 272MVA. Đặc biệt, đóng điện đưa vào vận hành 3 trạm 220kV: Cần Đước, Long Xuyên 2 và Sa Đéc. |
Theo Báo Công thương