Thứ bảy, 02/11/2024 | 02:34 GMT+7

Sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn nước ở Tây Nguyên

10/06/2016

Sử dụng công nghệ tưới phun mưa dưới tán cây, công nghệ tưới nhỏ giọt có ưu điểm là cung cấp nước tưới đến từng gốc cây, tránh hao nguồn nước như cách tưới thủ công.

Những ngày qua, trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên liên tiếp xuất hiện các trận mưa lớn. Những trận mưa này được bà con ví là “mưa vàng”, bởi đã kịp thời giải cơn khô khát kéo dài cho Tây Nguyên, bảo đảm nguồn nước phục vụ sinh hoạt và cứu hàng trăm nghìn héc-ta cây trồng đang khô héo. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là làm thế nào để các địa phương trên địa bàn nâng cao nhận thức cho người dân về sử dụng nguồn nước tiết kiệm, hiệu quả...

Những trận “mưa vàng” 

Sau cơn mưa lớn đầu mùa đổ xuống địa bàn Tây Nguyên, chúng tôi trở lại thăm khu vườn cà phê, hồ tiêu của gia đình anh Nguyễn Văn Trường, thôn Thạch Sơn, xã Ea M'dróh, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắc Lắc. Bên những cây cà phê đã dần xanh tươi trở lại, niềm vui hiện rõ trên khuôn mặt anh Trường, anh phấn khởi nói với chúng tôi: “Vậy là sau gần 6 tháng ngóng chờ, bây giờ “cơn khát” của bà con đã được giải tỏa. Có mưa, gia đình tôi đã cứu được 1,5ha cà phê, hồ tiêu khỏi chết cháy”. Chứng kiến cảnh hạn hán khốc liệt tại Tây Nguyên trong thời gian vừa qua đã giúp chúng tôi cảm nhận sâu sắc hơn về niềm vui của gia đình anh Trường cũng như đồng bào các dân tộc nơi đây khi xuất hiện những cơn mưa đầu mùa.

Tổng hợp báo cáo của sở nông nghiệp và phát triển nông thôn các tỉnh Tây Nguyên cho thấy, tổng diện tích cây công nghiệp, cây ăn quả, lúa và hoa màu trên địa bàn bị ảnh hưởng do hạn hán lên tới hàng trăm nghìn héc-ta. Như vậy, những cơn “mưa vàng” xuất hiện đồng nghĩa với việc các hộ gia đình ở Tây Nguyên đã tiết kiệm được số tiền rất lớn chi phí cho việc tưới cây, mua nước phục vụ sinh hoạt, đồng thời bảo đảm kịp thời nguồn nước tưới cho diện tích cây trồng đang bị thiếu nước trầm trọng. Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Hoài Dương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắc Lắc cho biết, những ngày vừa qua, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện những trận mưa kéo dài, với lượng mưa dao động từ 15-25mm, góp phần giải nhiệt cho hàng trăm nghìn héc-ta cây trồng, nhất là hơn 200.000ha cà phê đang cần nước tưới để nuôi quả. Mưa cũng góp phần hạn chế tình trạng cháy rừng xảy ra trên địa bàn. Trước khi có những trận mưa này, tính đến hết tháng 5-2016, toàn tỉnh Đắc Lắc có 70.155ha cây trồng bị hạn, trong đó mất trắng 6.703ha, ước thiệt hại hơn 2.186 tỷ đồng; có 35.255 hộ dân trên địa bàn tỉnh thiếu nước sinh hoạt.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng-Thủy văn tỉnh Đắc Lắc, tình hình hạn hán trên địa bàn tỉnh sẽ bớt căng thẳng, bởi đã vào mùa mưa nên thời gian tới sẽ thường xuyên xuất hiện các trận mưa lớn. Đây thật sự là tín hiệu vui giúp người dân có nước sinh hoạt, phục hồi sản xuất và kịp thời giải cứu nhiều diện tích cây trồng, nhất là cây công nghiệp đang bị khô héo do thiếu nước trầm trọng.

Sau những trận “mưa vàng”, nông dân huyện Krông Pắk, tỉnh Đắc Lắc đã triển khai trồng tái canh cây cà phê. 

Sử dụng hiệu quả nguồn nước

Mưa đã góp phần giải hạn cho Tây Nguyên, nhưng cũng đặt ra câu hỏi lớn cho các nhà khoa học, cơ quan quản lý Nhà nước và chính quyền địa phương là làm thế nào để dự trữ được nguồn nước và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn nước ấy? Đây là vấn đề cấp bách đối với các tỉnh Tây Nguyên hiện nay.

Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, nguồn nước cung cấp cho Tây Nguyên chỉ là nước mưa tại chỗ. Do đặc điểm địa hình cao, nên ở Tây Nguyên nước chỉ chảy đi, không chảy đến. Trong khi đó Tây Nguyên còn có trách nhiệm chia sẻ nguồn nước cho các tỉnh dưới hạ lưu thuộc miền Đông Nam Bộ, Nam Trung Bộ và một số địa phương của Hạ Lào và Đông Bắc Cam-pu-chia. Mặt khác, địa hình Tây Nguyên không bằng phẳng, giống như sống lưng của một con trâu khổng lồ, với độ dốc lớn nên rất khó giữ được nguồn nước. Khi mưa hay gây lũ, nhưng hết mưa thì lại thiếu nước. Như vậy có thể thấy, trên toàn khu vực Tây Nguyên, việc có giữ được nước hay không chủ yếu phụ thuộc vào độ che phủ rừng và xây dựng hệ thống hồ, đập, ao giữ nước. Thực tế đó cũng đặt ra cho người dân ý thức sử dụng nguồn tài nguyên nước tiết kiệm, hiệu quả.

TS Lê Ngọc Báu, Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên cho rằng, trước những diễn biến phức tạp của thời tiết và điều kiện địa hình, thổ nhưỡng, để sử dụng nguồn nước tiết kiệm, hiệu quả, sẵn sàng ứng phó với biến đổi khí hậu, các tỉnh Tây Nguyên cần chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng đa dạng, trồng xen một số loại cây cùng với cây cà phê, hồ tiêu để tạo bóng mát, hạn chế tưới nước. Sử dụng công nghệ tưới phun mưa dưới tán cây, công nghệ tưới nhỏ giọt. Các công nghệ này có ưu điểm là cung cấp nước tưới đến từng gốc cây, tránh hao nguồn nước như cách tưới thủ công. Đồng thời quy hoạch, xây dựng hệ thống hồ, đập chứa nước hợp lý; đẩy mạnh việc trồng rừng để giữ lại nguồn nước cho Tây Nguyên.

Thực tế cho thấy, muốn giữ và sử dụng tiết kiệm nguồn nước mưa quý giá cho Tây Nguyên, vấn đề mấu chốt là chính quyền triển khai giải pháp đồng bộ, ứng dụng hiệu quả công nghệ tưới hiện đại, tiết kiệm và tuyên truyền nâng cao ý thức, trách nhiệm cho người dân. Ông Nguyễn Hoài Dương cho biết, thực hiện vấn đề này, tỉnh Đắc Lắc đã triển khai tu bổ các công trình thủy lợi; thực hiện việc điều tiết, chia sẻ nguồn nước giữa các hồ chứa; ứng dụng công nghệ tưới nước hiệu quả, tiết kiệm đối với từng loại cây trồng; đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao ý thức, trách nhiệm sử dụng nguồn nước cho nhân dân. Các địa phương trên địa bàn Tây Nguyên đã tổ chức các lớp tập huấn pháp luật về tài nguyên nước cho cán bộ cơ sở, doanh nghiệp; thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, các thiết chế văn hóa, sinh hoạt cộng đồng để tổ chức tuyên truyền cho nhân dân về sử dụng tiết kiệm nguồn nước; triển khai xây dựng hệ thống hồ đập nhỏ; tăng cường quản lý nhà nước về việc khai thác nước ngầm, tránh việc khai thác tràn lan; khắc phục tình trạng phát triển cây công nghiệp phá vỡ quy hoạch...

Cùng với đó, chính quyền các tỉnh Tây Nguyên đã phối hợp chặt chẽ với Tập đoàn Nestlé và Cơ quan Hợp tác và Phát triển Thụy Sĩ triển khai, thực hiện dự án “Sử dụng tưới nước hợp lý để nâng cao hiệu quả kinh tế cho ngành sản xuất cà phê tại Việt Nam” tại 5 tỉnh Tây Nguyên. Dự án đã tư vấn, hỗ trợ cho các hộ nông dân triển khai công nghệ tưới tiết kiệm cho cây cà phê. Đồng thời hỗ trợ quản lý nước hiệu quả cho 50.000 hộ nông dân trồng cà phê với mục tiêu bảo đảm phân bổ hợp lý tất cả nguồn nước; bảo vệ môi trường. Cũng trong khuôn khổ dự án, Nestlé còn hỗ trợ về kỹ thuật cho bà con nông dân trồng cà phê tại Tây Nguyên đầu tư hệ thống tưới nước phun mưa tự động để thực hiện tưới cà phê theo hình thức phun mưa. Các địa phương Tây Nguyên cũng đã tư vấn cho bà con nông dân sử dụng công nghệ tưới nhỏ giọt Netafim của I-xra-en, giúp tiết kiệm 50% lượng nước tưới.

Để các tỉnh Tây Nguyên phát triển bền vững theo hướng bảo vệ môi trường, tiết kiệm các nguồn lực tự nhiên, ứng phó hiệu quả trước tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu thì vấn đề quan trọng là phải sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn nước. Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và địa phương cần rà soát, đầu tư xây dựng các công trình thủy lợi gắn với quy hoạch, phát triển cây trồng phù hợp với địa bàn các tỉnh Tây Nguyên. Bên cạnh đó cần đẩy mạnh tuyên truyền, tư vấn, khuyến cáo người dân chuyển đổi diện tích cây trồng phù hợp với địa hình, thổ nhưỡng, tiết kiệm nước; triển khai hiệu quả việc trồng, bảo vệ và phát triển rừng nhằm điều hòa nguồn nước; đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình thủy lợi trọng điểm; tổ chức và khuyến khích tư nhân tham gia đầu tư thủy lợi nội đồng. Nhà nước cần có chính sách đầu tư cho các tỉnh Tây Nguyên áp dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm để bảo vệ nguồn nước…

Theo qdnd.vn