Thứ bảy, 21/12/2024 | 22:48 GMT+7
Báo NNVN đã ghi nhận ý kiến của TS Cao Anh Đương, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu mía đường về vấn đề này.
Theo TS Cao Anh Đương, mía là cây rất cần nước. Nước chiếm trên 70% khối lượng cây mía lúc thu hoạch. Ruộng mía được cung cấp đầy đủ nước, đúng thời điểm thì cây sinh trưởng và phát triển tốt, cho năng suất cao, khả năng chống chịu tốt các đều kiện ngoại cảnh và chu kỳ kinh tế cây mía kéo dài.
Ngược lại, ruộng mía thiếu nước, khô hạn, cây phát triển kém, còi cọc, năng suất thấp, khả năng chống chịu kém. Nếu quá thiếu nước (khô hạn nặng), mía năng suất thấp, chất lượng kém và dẫn đến năng suất đường thấp, chu kỳ kinh tế ngắn, có khi năng suất chỉ bằng phân nửa ruộng có tưới.
Trừ vùng Tây Nam bộ, diện tích mía được tưới ở nước ta nói chung còn rất thấp, cây mía sống hoàn toàn nhờ nước trời. Xét chung tổng thể về lượng mưa cả năm thì khá cao so với nhu cầu cần, đủ cho cây mía có thể đáp ứng được. Nhưng lượng nước mưa đó lại chỉ phân bổ vào 4 - 6 tháng, trong đó chủ yếu dồn vào 1 - 2 tháng, còn mùa nắng thì kéo dài 6 - 8 tháng, nhiều nơi hoàn toàn không có mưa hoặc rất ít mưa (như vùng mía Phan Rang, Ninh Thuận).
Như vậy cây mía thực chất chỉ sinh trưởng và phát triển trong vòng từ 4 - 6 tháng. Xét về cơ cấu thời vụ trồng mía ở nước ta, mía chủ yếu được trồng vào cuối mùa mưa, chiếm tới 70 - 80% diện tích. Cây mía phải chịu đựng từ 6 - 8 tháng mùa khô, nếu thời gian này giải quyết được vấn đề thủy lợi, tưới nước một cách hợp lý, chắc chắn năng suất sẽ tăng gấp bội, giá thành và chi phí đầu tư thấp, giải quyết tốt bài toán kinh tế về kéo dài vụ chế biến.
Những thời điểm cần tưới
Theo nhu cầu sinh lý của cây mía, thời kỳ sinh trưởng đầu và cuối, mía cần ít nước hơn thời kỳ làm đốt vươn cao. Thời kỳ nảy mầm, độ ẩm thích hợp nhất là 70 - 80%. Nếu độ ẩm 40 - 50% thời gian nảy mầm của mía kéo dài và chậm tới 6 - 8 ngày, đồng thời không đạt được 100% tỷ lệ nảy mầm.
Do đó, nếu độ ẩm đất thấp dưới 70% thì nên tưới nước cho mía ngay sau khi trồng. Lượng nước tưới vào khoảng 350 - 400 m3/ha để đảm bảo sau khi tưới, đất đạt đến giới hạn độ ẩm tối đa.
Thời kỳ mía đẻ nhánh là thời kỳ quyết định mật độ cây trên đơn vị diện tích và cũng là thời kỳ mía cần điều kiện dinh dưỡng tốt từ môi trường. Độ ẩm đất 70 - 80% mía đẻ sớm và sức đẻ nhánh cao, độ ẩm 90 - 100% mía đẻ chậm, độ ẩm đất 40 - 50% không thuận lợi cho mía đẻ nhánh. Khi độ ẩm < 70% cần tiến hành tưới. Mức tưới 400 - 500 m3/ha.
Thời kỳ mía làm đốt, vươn lóng sẽ quyết định khối lượng cây cao hay thấp. Thời kỳ này lượng nước cần cho mía chiếm trên 60% tổng lượng nước cần trong suốt quá trình sinh trưởng và hiệu suất sử dụng nước cao nhất. Độ ẩm đất thích hợp trong thời kỳ này nằm trong giới hạn 70 - 80% đến 90 - 100%. Đây là thời kỳ khủng hoảng nước của cây mía, do đó khi thiếu nước ở thời kỳ này cần phải tưới. Khu vực miền Trung, do ảnh hưởng của gió Lào khô nóng, nhiều khi kéo dài hàng tháng, độ ẩm đất vầ độ ẩm không khí xuống rất thấp, mía cằn cỗi, các lóng ngắn biểu hiện thiếu nước. Tưới nước trong thời kỳ này có thể làm tăng năng suất mía tới 100%.
Các giải pháp tưới
Theo kết quả nghiên cứu cho thấy mỗi ngày một cây mía tiêu hao khoảng 750gr nước, một ruộng mía có mật độ 62 ngàn cây tiêu hao khoảng 140m3 nước/tháng, vào mùa khô mỗi lần tưới cần khoảng 300 - 500 m3/ha, khoảng cách thời gian tưới thường là 10 -1 5 ngày/lần tùy thuộc vào tốc độ bốc hơi và loại đất. Nếu đất có hàm lượng mùn cao thời gian các lần tưới sẽ kéo dài hơn so với các loại đất bạc màu, ít chất mùn hay không tủ lá.
Hiện nay, phần lớn vùng mía nguyên liệu ở Việt Nam đều nằm ở vùng khó khăn, không có sẵn nguồn nước và hệ thống thủy lợi, nên người trồng mía chỉ có thể tưới nước bổ sung cho mía trong mùa khô bằng các phương pháp tưới có mức đầu tư thấp để tiết kiệm chi phí, có thể di chuyển, cất giữ và bảo quản dễ dàng như dùng súng phun áp lực từ trung bình đến cao hoặc dùng dây ống tưới nylon đục lỗ, sử dụng nguồn nước từ các giếng đào hay khoan tại chỗ.
Khó khăn lớn nhất ở đây là nguồn điện cung cấp cho các máy bơm. Nếu không có điện lưới thì phải dùng xăng, dầu chi phí tưới sẽ cao, trong tình hình giá thu mua mía nguyên liệu thấp sẽ rất khó thuyết phục nông dân thực hiện rộng rãi.
Chính vì vậy, các nhà máy cần đầu tư hệ thống tưới mía, bởi việc đầu tư này hoàn toàn khả thi với hiệu quả kinh tế trung bình tăng lên khoảng trên 20% với canh tác không tưới. Tùy điều kiện địa hình, đất đai, chế độ thời vụ, cũng như nguồn kinh phí ở từng nơi mà ta áp dụng các phương pháp tưới nước khác nhau như: tưới tràn, tưới theo rãnh, tưới phun mưa, tưới nhỏ giọt... Mỗi phương pháp tưới kể trên đều có mặt ưu, mặt khuyết và những yêu cầu kỹ thuật riêng và theo thời điểm sinh trưởng phát triển của cây mía.
Ở những nơi gần nguồn nước lớn như sông, hồ, kênh, rạch... và có độ dốc, độ bằng phẳng thích hợp có thể đầu tư hệ thống tưới rãnh bằng đường ống bê tông đúc kín. Mía là cây trồng hàng rộng, khoảng cách hàng từ 1,3 - 1,5m, sau khi vun gốc giữa các hàng mía hình thành những rãnh sâu, rộng sử dụng làm rãnh tưới rất tốt. Nước tưới dẫn vào ngập 2/3 rãnh và để nước từ từ thấm đều vào đất. Lượng nước tưới mỗi lần 400 - 500 m3/ha, sau 20 ngày nếu trời không mưa thì tưới lần 2.
2 giải pháp tưới tiên tiến đang được nhiều nhà máy áp dụng là tưới nhỏ giọt và tưới phun. Tưới nhỏ giọt là nước ra khỏi vòi tưới dưới dạng các giọt, lưu lượng vòi từ 2,4 - 8 lít/giờ với áp suất làm việc nhỏ (khoảng 1at). Các vòi nhỏ giọt có thể được bố trí trên mặt đất xung quanh gốc hoặc dọc theo hàng cây trồng, hoặc bố trí ngầm dưới mặt đất dưới sát cây trồng. Nước tưới được cung cấp vào vùng rễ phát triển, theo đúng yêu cầu của cây ở từng thời điểm sinh trưởng. Tưới nhỏ giọt còn làm tăng sự trao đổi khí của rễ cây so với tưới rãnh và tưới phun mưa.
Tưới nhỏ giọt cho mía có thể sử dụng phương pháp bố trí ống và vòi tưới trên mặt đất hoặc bố trí ngầm dưới mặt đất dọc theo các hàng cây. Bố trí ngầm ống và vòi nhỏ giọt đưa được nước trực tiếp vào vùng rễ cây, giảm sự bốc hơi mặt đất dẫn đến tiết kiệm nước, đảm bảo tốt nhất lượng nước tưới theo nhu cầu từng thời kỳ sinh trưởng của mía.
Phương pháp này đảm bảo độ bền lâu hơn của ống và vòi do tránh được tác động trực tiếp của nắng, nó cũng không gây cản trở cho việc trồng và chăm sóc mía như đối với phương pháp bố trí ống, vòi trên mặt đất.
Các khu tưới mía bằng công nghệ tưới nhỏ giọt nhập khẩu của Israel tại Cty CP Mía đường Lam Sơn (Thanh Hóa), Cty CP Đường Biên Hòa (Tây Ninh), Cty CP Mía đường La Ngà đều sử dụng hệ thống bố trí ngầm ống và vòi tưới.
Tưới phun mưa đã và đang được sử dụng tưới mía ở nhà máy đường Thành Thành Công Tây Ninh, nhà máy đường Nước Trong - Tây Ninh… Tuy nhiên, tưới phun mưa làm ẩm toàn bộ (hoặc phần lớn) diện tích tưới, tốn khá nhiều nước (so với tưới nhỏ giọt), đòi hỏi áp lực bơm khá cao, phá vỡ cấu trúc bề mặt đất.
Theo Nông nghiệp Việt Nam