Chủ nhật, 22/12/2024 | 12:32 GMT+7
Các loại cây trồng thiếu nước tưới làm giảm năng suất hoặc có nguy cơ mất trắng... Để giải quyết vấn đề thiếu nước, tỉnh đã chỉ đạo thực hiện ưu tiên nguồn nước phục vụ sinh hoạt, nước uống cho gia súc, gia cầm, nước tưới cho cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao; khi nguồn nước quá khó khăn, thực hiện sử dụng tưới cầm chừng để bảo vệ toàn bộ diện tích cây cà phê, hồ tiêu.
Cùng với tăng cường nạo vét các tuyến kênh dẫn, cửa cống lấy nước, đắp các đập tạm để giữ nước, tỉnh triển khai lắp đặt các trạm bơm dã chiến lấy nước từ các hồ, đập còn nước hoặc các sông lớn để lấy nước cứu các loại cây trồng. Tỉnh Đắk Lắk khuyến cáo người dân tiết kiệm nước tưới, chuyển đổi diện tích cây trồng sang trồng các loại cây chịu hạn. Hiện tại, một số huyện như Buôn Đôn, Cư M’gar đã triển khai xây dựng, lắp đặt các điểm cấp nước sinh hoạt tập trung cho vùng hạn nặng (khoan giếng, mua bồn chứa, lắp đặt hệ thống bơm đưa nước lên bồn chứa cấp cho đồng bào các dân tộc có nước sinh hoạt)…
Một số diện tích cây cà phê đã bị héo do thiếu nước tưới.
Đến thời điểm này, Đắk Lắk có trên 20.900 ha cây trồng các loại bị khô hạn làm giảm năng suất hoặc mất trắng, trong đó có gần 15.800 ha cà phê, 802 ha tiêu, 2.650 ha lúa nước... Ước tính thiệt hại trên 486 tỷ đồng; trên 13.207 hộ đồng bào các dân tộc ở vùng nông thôn thiếu nước sinh hoạt.
Tình trạng thiếu nước sinh hoạt ở tỉnh Đắk Lắk tập trung ở các huyện Ea Súp, Buôn Đôn, Ea H’Leo, Krông Búk, Krông Ana, Cư M’gar, thị xã Buôn Hồ. Hầu hết các hồ đập nhỏ, dòng suối đã khô cạn, tổng dung tích các hồ chứa lớn cũng giảm mạnh chỉ còn 150 triệu m3, tập trung chủ yếu ở 3 hồ chứa là Ea Súp thượng, Krông Búk hạ, Buôn Jong.
Nghiêm trọng nhất là đối với cây cà phê, khi bị khô hạn, thiếu nước tưới ngoài việc giảm năng suất hoặc mất trắng ngay trong niên vụ này thì việc đầu tư chăm sóc để vườn cà phê phục hồi từ 2 - 3 niên vụ tới sẽ gây nhiều tốn kém cho các nông hộ.
Theo Báo Tin tức