Thứ bảy, 23/11/2024 | 04:16 GMT+7
Đây được đánh giá là giải pháp ưu việt mang tới nhiều lợi ích cho các hộ chăn nuôi, đồng thời là một cách đơn giản để người nông dân tiếp cận năng lượng tái tạo và thực hành nông nghiệp bền vững.
Cán bộ kỹ thuật hướng dẫn người dân thực hành xây hầm Biogas đảm bảo đúng quy trình kỹ thuật.
Xây dựng hầm biogas là nội dung quan trọng thuộc dự án “Tiếp cận năng lượng tái tạo và thực hành nông nghiệp bền vững tại tỉnh Hòa Bình năm 2015” do Hội Nông dân tỉnh phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển cộng đồng nông thôn (CCRD) thực hiện. Dự án được triển khai thí điểm tại 20 xã, thị trấn thuộc 2 huyện Mai Châu và Lạc Sơn, huy động 120 hộ hội viên nông dân tham gia. Trong khuôn khổ thực hiện, dự án đã hỗ trợ về kỹ thuật và kinh phí xây dựng hầm biogas. Hội Nông dân tỉnh phối hợp với CCRD tổ chức tập huấn cho 40 hội viên nông dân về cách sản xuất phân bón sinh học từ bã thải biogas và phế thải nông nghiệp, cách sử dụng BIOVAC để phát triển các sản phẩm nông nghiệp an toàn. Mỗi huyện thành lập 1 tổ dịch vụ để hướng dẫn và thực hiện xây dựng hầm biogas VACVINA tại các hộ gia đình.
Qua kiểm tra cho thấy, các hộ đã thực hiện đúng quy trình kỹ thuật và ủ được 160 tấn phân bón sinh học. Đến nay đã lắp đặt hoàn chỉnh và đưa vào sử dụng 109 bể biogas (gồm 9 bể xây VACVINA và 100 bể Composite), còn lại 11 bể đang lắp đặt. Nhìn chung, các bể biogas đều đảm bảo chất lượng, phát huy được các tính năng nổi bật như: xử lý được chất thải trong chăn nuôi, tạo ra khí đốt phục vụ sinh hoạt trong gia đình, sản xuất phân bón sinh học từ bã thải biogas và phế thải nông nghiệp, sử dụng BIOVAC để phát triển các sản phẩm nông nghiệp an toàn... Thành công bước đầu của dự án tại hai huyện Mai Châu và Lạc Sơn đã cho thấy hầm biogas là giải pháp ưu việt giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường, cải thiện môi trường nông thôn, giảm chất thải khí nhà kính và các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, bảo vệ sức khỏe con người, hơn nữa còn tận dụng được phế thải nông nghiệp để tạo ra các sản phẩm nông nghiệp an toàn và hiệu quả.
Đánh giá cao kết quả xây dựng mô hình hầm biogas tại các địa phương, đồng chí Bùi Văn Bình, Phó Giám đốc Trung tâm Dạy nghề và hỗ trợ nông dân - Hội Nông dân tỉnh nhìn nhận: Với việc xây dựng thành công hầm biogas, các hộ tham gia mô hình đã có trong tay cách đơn giản để tiếp cận năng lượng tái tạo và thực hành nông nghiệp bền vững. Đây là mô hình có hiệu quả thiết thực và dễ áp dụng, chính vì vậy HND tỉnh mong được nhân rộng ra phạm vi toàn tỉnh trong các năm tiếp theo. Bằng cách nhân rộng mô hình, việc xử lý chất thải trong chăn nuôi nói riêng và bảo vệ môi trường nông thôn nói chung sẽ có hướng giải quyết mang tính khả thi và bền vững cao.
Theo Báo Hòa Bình