Chủ nhật, 08/12/2024 | 20:24 GMT+7
Công nghệ biến tần (inverter)
Công nghệ biến tần (hay còn gọi là công nghệ inverter) ngày càng được sử dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực. Đây là công nghệ tiên tiến hàng đầu hiện nay, được ứng dụng để kiểm soát công suất của thiết bị nhằm tránh hao phí năng lượng không đáng có.
Nguyên lý hoạt động của bộ biến tần như sau: Đầu tiên, nguồn điện xoay chiều 1 pha hay 3 pha được chỉnh lưu và lọc thành nguồn 1 chiều bằng phẳng. Công đoạn này được thực hiện bởi bộ chỉnh lưu cầu diode và tụ điện. Nhờ vậy, hệ số công suất cosphi của hệ biến tần đều có giá trị không phụ thuộc vào tải và có giá trị ít nhất 0.96. Điện áp một chiều này được biến đổi (nghịch lưu) thành điện áp xoay chiều 3 pha đối xứng. Công đoạn này hiện nay được thực hiện thông qua hệ IGBT (transistor lưỡng cực có cổng cách ly) bằng phương pháp điều chế độ rộng xung (PWM).
Bộ biến tần giúp tiết kiệm khoảng 44% điện năng.
Ứng dụng công nghệ biến tần trong sản xuất công nghiệp
Việc thiết kế, lắp đặt biến tần đóng vai trò quan trọng trong sản xuất công nghiệp. Biến tần hiện nay đang được ứng dụng để để điều khiển tốc độ cho tất cả các máy móc trong các ngành công nghiệp ở nước ta, ví dụ như máy cán, máy nghiền, máy kéo, máy tạo sợi, máy nhựa, cao su, sơn, đóng gói, chế biến gỗ, bơm và quạt…
Công suất điện tiêu thụ tỷ lệ với bậc ba của tốc độ, vì thế biến tần giúp doanh nghiệp tiết kiệm điện năng ở mức tối đa trong quá trình khởi động và vận hành.
Bên cạnh công dụng tiết kiệm điện, biến tần còn có những ưu điểm rất cần thiết cho tất cả các dây chuyền sản xuất. Nó giúp cắt giảm giá thành bảo dưỡng dây chuyền, góp phần nâng cao tuổi thọ của các thiết bị sản xuất. Ngoài ra, biến tần còn giúp doanh nghiệp cắt giảm được nhiều chi phí sản xuất, giảm bớt số nhân công phục vụ và vận hành máy trong khi vẫn tăng hiệu suất làm việc.
Với những tính năng vượt trội, biến tần thực sự là giải pháp hữu hiệu giúp doanh nghiệp tiết kiệm đáng kể lượng điện tiêu thụ, góp phần thúc đẩy doanh nghiệp phát triển.
Hà Nguyễn