Thứ sáu, 01/11/2024 | 20:29 GMT+7
Theo thống kê chưa đầy đủ, số lượng công trình xanh ở Việt Nam chứng nhận còn khá ít. Theo hệ thống Lotus của VGBC, hiện có khoảng 7 công trình đã được cấp chứng chỉ chính thức, 3 công trình cấp chứng chỉ tạm thời và một số công trình đang trong quá trình đăng ký. Một trong những công trình nổi bật được chứng nhận Lotus vàng là tòa nhà xanh Liên Hợp Quốc, phố Kim Mã, Ba Đình, Hà Nội.
Theo tiêu chuẩn LEED (hệ thống tiêu chuẩn quốc tế về kiến trúc xanh), có 3 công trình được cấp chứng nhận bởi VGBC và đang đánh giá 5 công trình theo LEED. Tháng 4.2015 có một công trình mở rộng nhà máy may mặc ở Đồng Nai được cấp chứng chỉ LEED bạch kim đầu tiên ở Việt Nam. Một số công trình khác được cấp chứng chỉ của LEED bởi các tổ chức khác nhưng số lượng cũng khá ít. Hệ thống chứng chỉ EDGE của World Bank, do IFC thực hiện tại Việt Nam hiện đã cấp chứng chỉ từ giai đoạn thiết kế cho 5 công trình.
Dự án "Ngôi nhà xanh Liên Hợp Quốc" được khởi động đầu năm 2013 bằng việc cải tạo một tòa nhà cũ tọa lạc trên đường Kim Mã (Ba Đình, Hà Nội) thành một tòa mới theo tiêu chuẩn "xanh"
Đơn cử như chung cư Ehome 5 Nam Long tại TPHCM, còn gọi là Bridgeview cũng là một trong những công trình xanh tiêu biểu. Với giải pháp giảm tỉ lệ cửa sổ, tường; dùng kết cấu che nắng ngoài, sơn phản quang cho tường bao và mái, cách nhiệt tường bao và mái, kính chỉ số chống nhiệt cao, đèn tiết kiệm điện… đã giảm 31% chi phí năng lượng. Việc dùng vòi sen dòng chảy thấp, vòi lavabô, vòi bếp dòng chảy thấp, dùng bệ xí xả nước hai nấc… đem lại hiệu quả sử dụng tài nguyên khi giảm 22% chi phí nước. Trần và sàn đổ bê tông, tường bao và tường chia xây gạch bloc bê tông khí trưng áp góp phần giảm 34% vật liệu sử dụng.
Hay như cụm công trình FPT 6 tầng ở Đà Nẵng có hệ thống nước nóng năng lượng mặt trời dung tích 1.500 lít và máy phát Thái Dương năng công suất 12 kWh/ngày. Khu tổ hợp có một sân bóng đá, sân bóng rổ, công viên, bể bơi… Thời gian hoàn vốn đầu tư vào các công nghệ tiết kiệm năng lượng của công trình là dưới 3 năm nhờ hạ chi phí điện nước.
Với giải pháp kỹ thuật sử dụng pin mặt trời, hệ thống làm lạnh ga biến thiên hệ số COP cao, cảm biến thu nhiệt khí thải, kính hệ số chống nóng cao, mái/tường cách nhiệt, đèn tiết kiệm điện, thiết bị điều khiển đèn… đã giúp giảm 21% chi phí năng lượng. Tòa nhà còn sử dụng hệ thống làm mát có “tháp giải nhiệt khô” nhằm giảm thiểu tiêu thụ nước cho hệ thống điều hòa thông gió giảm 32% chi phí nước. Tường bao xây gạch bloc bê tông khí trưng áp, sàn bê tông giảm 20% vật liệu sử dụng.
Tuy nhiên, việc thực hiện sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong các công trình xây dựng, phát triển công trình xanh còn vấp phải nhiều rào cản. Đơn cử như nguồn lực tài chính, ngân sách nhà nước đầu tư cho tiết kiệm năng lượng còn hạn chế; đối với các công trình có vốn ngân sách thì rào cản về định mức, đơn giá, suất đầu tư cũng là vấn đề trở ngại.
Với công trình ngoài ngân sách thì đôi khi yếu tố lợi ích kinh tế đặt trên lợi ích về môi trường, tiết kiệm năng lượng. Mô hình Cty dịch vụ năng lượng ESCO (sử dụng nước nóng cho hoạt động sản xuất kinh doanh và dịch vụ) còn chưa phát triển mạnh ở Việt Nam.
Để thúc đẩy việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong các công trình xây dựng, phát triển công trình xanh, Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường (Bộ Xây dựng) đề xuất cần xây dựng, ban hành các cơ chế ưu đãi cụ thể đối với các công trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, công trình được chứng nhận là công trình xanh (ưu đãi về thuế, phí…). Ngoài ra, cần huy động sự tham gia của các ngân hàng và các tổ chức tín dụng cho hoạt động tiết kiệm năng lượng thông qua cơ chế cho vay ưu đãi, bảo lãnh vay, cho vay trung và dài hạn… Đồng thời, cần có cơ chế phát triển mô hình ESCO để thúc đẩy hoạt động đầu tư, đổi mới công nghệ trong lĩnh vực tiết kiệm năng lượng.
Theo Lao Động