Thứ bảy, 23/11/2024 | 07:36 GMT+7
Kinh nghiệm của các quốc gia phát triển điện hạt nhân trên thế giới đã chỉ ra rằng, một trong những thách thức lớn nhất của việc phát triển điện hạt nhân thành công chính là sự "thiếu hụt nhận thức" và sự ủng hộ của công chúng.
Để người dân có kiến thức đầy đủ hơn về điện hạt nhân thì công tác thông tin, tuyên truyền đóng vai trò quan trọng. Trong đó, hình thức thông tin, tuyên truyền phải đa dạng, phong phú với từng lứa tuổi, từng nhóm đối tượng công chúng và từng địa phương; nội dung thông tin đa chiều, có phương án phản hồi những ý kiến trái chiều về điện hạt nhân.
Sinh viên trường HUTECH được cung cấp kiến thức cơ bản về chương trình phát triển điện hạt nhân tại Việt Nam
Ông Arcady Karneev, Giám đốc truyền thông khu vực Đông Nam Á (ROSATOM Châu Á) nhận định: “ Công tác truyền thông rất quan trọng, cần có phương án tiếp cận thường xuyên với công chúng, từ đó, các cơ quan truyền thông sẽ kịp thời tuyên truyền, giải thích cho người dân về hiệu quả mang lại của công nghệ hạt nhân đối với đất nước các bạn nói chung và tại nơi có xây dựng nhà máy, chắc chắn sẽ tạo được sự đồng thuận cao”.
Ông Srisht Pall Singh, nguyên Vụ trưởng Vụ An toàn hạt nhân (Cơ quan Pháp quy năng lượng hạt nhân Ấn Độ) đã từng chia sẻ về sự chấp thuận của công chúng đối với điện hạt nhân tại Ấn Độ. Ông S.P.Singh cho rằng, Ấn Độ có thể là một ví dụ tốt cho Việt Nam vì nước này đã vận hành thành công 21 lò phản ứng, 6 tổ máy đang được xây dựng và ít nhất 12 tổ máy đã được lên kế hoạch xây dựng trong 20 năm tới. Theo ông, tất cả những kế hoạch này sẽ không thể thực hiện được nếu không có tiến trình chinh phục sự đồng thuận của công chúng thông qua công tác tuyên truyền liên tục cả trước, trong và sau khi nhà máy điện hạt nhân đi vào hoạt động.
Tham quan mô hình nhà máy điện hạt nhân
Không chỉ vậy, Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), còn nhấn mạnh rằng, thông tin, tuyên truyền là một trong 19 vấn đề cần thiết cơ bản của phát triển cơ sở hạ tầng điện hạt nhân. Công tác tuyên truyền và thông tin đại chúng về điện hạt nhân phải đi trước một bước khi triển khai dự án và phải tiếp tục thực hiện thường xuyên trong quá trình xây dựng, vận hành, thậm chí cả khi nhà máy điện hạt nhân dừng hoạt động.
Theo báo Hà Nội Mới, thông thường, các quốc gia lần đầu xây dựng nhà máy ĐHN cần khoảng 10-15 năm để hoàn thành tổ máy điện hạt nhân đầu tiên. Hiện, Việt Nam đang chuẩn bị hai dự án điện hạt nhân song song tại Ninh Thuận. Nhà máy số 1 đặt tại xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam do Nga hỗ trợ về công nghệ. Nhà máy còn lại ở xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải do Nhật giúp đỡ.
Theo Việt Quality