Thứ sáu, 01/11/2024 | 23:27 GMT+7

Kiểm toán năng lượng: Đừng làm kiểu đối phó

30/12/2015

Sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả và bền vững, vì mục tiêu an ninh năng lượng nên bắt đầu ngay từ bây giờ với hoạt động kiểm toán năng lượng.

Chi phí cho năng lượng là chi phí thường xuyên đối với từng doanh nghiệp và là một chi phí không hề nhỏ đối với doanh nghiệp sản xuất. Những biến đổi bất thường của thời tiết trong năm nay ở Việt Nam cũng như trên thế giới và những cam kết về bảo vệ môi trường của Nhà nước là yếu tố cần thiết để chúng ta nghĩ đến vấn đề an toàn năng lượng trong một tương lai không xa. Gần hơn nữa là nỗi lo canh cánh của doanh nghiệp mỗi khi Bộ Công Thương lên kế hoạch ban hành giá điện mới.

Đối tượng nào phải kiểm toán năng lượng?

Theo điều 33, Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (Luật số 50/2010/QH12), cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm có trách nhiệm thực hiện việc kiểm toán năng lượng bắt buộc ba năm một lần. Các cơ sở khác được Nhà nước khuyến khích định kỳ tổ chức kiểm toán năng lượng và báo cáo tình hình sử dụng năng lượng.

Điều 6, Nghị định số 21/2011/NĐ-CP, quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả quy định Cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm gồm (i) Cơ sở sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, đơn vị vận tải có tiêu thụ năng lượng tổng cộng trong một năm quy đổi ra 1.000 tấn dầu tương đương (1000 TOE) trở lên; (ii) Các công trình xây dựng làm trụ sở, văn phòng làm việc, nhà ở; cơ sở giáo dục, y tế, vui chơi giải trí, thể dục, thể thao; khách sạn, siêu thị, nhà hàng, cửa hàng có tiêu thụ năng lượng tổng cộng trong một năm quy đổi ra 500 tấn dầu tương đương (500 TOE) trở lên.

Kiểm toán năng lượng tại Canon Việt Nam 

 

Năm 2014, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành danh mục các đơn vị sử dụng năng lượng trọng điểm năm 2013. Thực tế, nhiều doanh nghiệp nằm trong danh mục này vẫn chưa thực hiện kiểm toán năng lượng hoặc là kiểm toán năng lượng theo nhắc nhở của cơ quan nhà nước cho đúng thủ tục mà chưa quan tâm đến chất lượng kiểm toán và lợi ích mà việc kiểm toán này mang lại.

Trên thị trường kiểm toán năng lượng cũng có nhiều đơn vị cung cấp dịch vụ theo nhu cầu “đối phó” của khách hàng. Với ý thức và hành động như thế này, các doanh nghiệp đang tự tăng chi phí cho mình và gây khó khăn cho cơ quan nhà nước trong vấn đề quản lý năng lượng. Hậu quả trước mắt là doanh nghiệp không cắt giảm được chi phí sản xuất từ hoạt động tiết kiệm năng lượng và xa hơn là toàn xã hội phải gánh chịu sự khan hiếm năng lượng, chi phí cho năng lượng ngày càng cao. Sự tiêu tốn năng lượng và khai thác năng lượng không bền vững có tác động xấu nhất định tới môi trường. Do đó, ngoài việc phải gánh chịu một khoản chi phí năng lượng cao, chúng ta còn phải nhận sự đáp trả khắc nghiệt từ môi trường.

Kiểm toán năng lượng để tiết kiệm chi phí

Đối với những đơn vị sử dụng năng lượng trọng điểm thì chi phí sử dụng điện là khoản chi lớn mỗi tháng và việc kiểm toán năng lượng là bắt buộc đối với những doanh nghiệp này. Vậy tại sao doanh nghiệp phải bỏ một số tiền không nhỏ để lấy một bản kiểm toán cho xong một thủ tục hành chính mà không nghĩ đến giải pháp là kiểm toán năng lượng để tiết kiệm chi phí điện năng? Đã đến lúc doanh nghiệp bỏ thói quen đối phó và nên xem việc kiểm toán năng lượng là một việc làm hữu ích cho chính doanh nghiệp. Nó cần được quan tâm ngay từ khi mới thành lập, trong từng giai đoạn hoạt động và trong từng hành động đơn lẻ liên quan đến sử dụng năng lượng của doanh nghiệp.

Để bắt đầu hoạt động, doanh nghiệp nhất định phải có một văn phòng hay nhà xưởng dù lớn hay nhỏ. Doanh nghiệp có thể áp dụng các biện pháp tiết kiệm năng lượng cho văn phòng, nhà xưởng của mình để tiết kiệm chi phí tiêu thụ năng lượng trong tương lai ngay từ việc thiết kế, cải tạo. Một văn phòng, nhà xưởng được thiết kế hay sắp xếp thiết bị, đồ đạc một cách hợp lý sẽ giúp cho không gian làm việc tiện lợi, sạch sẽ, thoáng mát. Tận dụng tối đa ánh sáng tự nhiên hay gió trời không những giúp doanh nghiệp tiết kiệm được tiền điện dùng điều hòa, quạt điện, bóng đèn mà còn rất tốt cho sức khỏe của người lao động. Lắp đặt các thiết bị công nghệ mới để tiết kiệm điện năng cũng là một giải pháp tốt. Chi phí đầu tư ban đầu cho những thiết bị này chắc chắn sẽ cao nhưng chúng ta biết rằng, điện năng được tiêu thụ là hàng ngày, hàng giờ và trong suốt vòng đời của doanh nghiệp.

Nếu doanh nghiệp đang hoạt động và đã bỏ qua bước kiểm toán năng lượng từ giai đoạn thiết kế và lắp đặt thì vẫn có thể thực hiện việc đó vào từng hoạt động cụ thể. Khi chuẩn bị thay mới một thiết bị sử dụng năng lượng, bên cạnh việc cân nhắc về chất lượng, giá cả và công năng hãy nghĩ đến giải pháp tiết kiệm năng lượng khi lựa chọn sản phẩm. Bảo trì, bảo dưỡng thiết bị định kỳ cũng là cách tiết kiệm chi phí sử dụng năng lượng.

Để sử dụng năng lượng một cách khoa học và hiệu quả, doanh nghiệp có thể có một vài giải pháp riêng lẻ từ những nhân lực sẵn có. Hãy khen ngợi xứng đáng cho những ý kiến của nhân viên trong việc đưa ra giải pháp hữu hiệu tiết kiệm năng lượng. Doanh nghiệp cũng có thể sử dụng dịch vụ kiểm toán năng lượng chuyên nghiệp để có một giải pháp hoàn hảo cho mình. Việc tiết kiệm năng lượng giờ đây không chỉ đơn thuần là khẩu hiệu “tắt khi không sử dụng” mà cần có hướng đầu tư theo chiều sâu và bền vững. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng cần đào tạo để nâng cao ý thức sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đến từng người lao động.

Với xu hướng sử dụng năng lượng, tài nguyên thiên nhiên bền vững, việc kiểm toán năng lượng cần được quan tâm đúng mực để mang lại lợi ích cho doanh nghiệp. Việt Nam đang đi trên con đường hội nhập sâu vào các khối kinh tế tiên tiến, với nhiều cam kết về bảo vệ môi trường thì việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả sẽ được đưa vào tiêu chí đánh giá chất lượng sản phẩm, đánh giá nhà cung cấp trong nay mai.

Doanh nghiệp nên luôn luôn nghĩ đến giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả để tiết kiệm chi phí trong từng hành động và trong mọi thời điểm. Để đồng hành cùng doanh nghiệp và vì một chiến lược phát triển kinh tế - xã hội lâu dài và bền vững, cơ quan nhà nước cần hỗ trợ doanh nghiệp kiểm toán năng lượng chứ không đơn thuần là kiểm tra và giám sát hành chính hoạt động này. Khi kiểm toán năng lượng trở thành ý thức thì chính doanh nghiệp đã tự tăng khả năng cạnh tranh của mình và nỗi lo giá điện tăng hàng năm có thể sẽ giảm đi đáng kể.

Ngọc Diệp (Theo Báo Kinh tế Sài Gòn)